Nỗi lo "bóng ma" khủng bố vẫn còn đó

Nạn khủng bố được ví như “bóng ma” ghê sợ đe dọa nghiêm trọng an ninh toàn cầu suốt mấy chục năm qua. Nhất là khi Al-Qaeda gây ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001, nối gót chúng là sự xuất hiện của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hình thành trên dải đất rộng lớn từ Syria đến Iraq, với lực lượng chiến binh hùng hậu được tập hợp từ nhiều nơi, vũ khí tối tân, gây vô vàn tội ác. Hơn thế, IS còn tung lực lượng khắp thế giới và tạo ra mối đe dọa thường xuyên cho nhiều nước ở các châu lục.

Tính đến nay, trên các chiến trường trọng điểm ở Afghanistan, Iraq, Syria..., chính quyền sở tại đã tuyên bố xóa sổ Al-Qaeda và IS với tư cách là những tổ chức khủng bố quy mô lớn.

Tuy nhiên, những tàn quân của chúng vừa bị tan rã, hay trước đó đã được gây dựng ẩn nấp ở nhiều nơi tiếp tục là những “bóng ma” đe dọa an ninh của nhiều quốc gia. Theo các nhà quan sát, hiện nay, những phần tử cầm đầu IS và các tổ chức khủng bố quốc tế khác cùng tham gia với IS đang định xây dựng một mạng lưới khủng bố toàn cầu mới. Bằng chứng là địa bàn các vụ khủng bố do chúng thực hiện gần đây ngày càng mở rộng. Trong một năm qua, hàng ngàn người dân lương thiện đã trở thành nạn nhân của IS tại Afghanistan, Syria, Iran, Iraq, Ai Cập, Mali, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Phần Lan... Mục tiêu của các tổ chức khủng bố là gieo rắc tâm lý sợ hãi tại tất cả khu vực trên toàn thế giới và tác động đến những nước đang hoạt động chống khủng bố.

Ví dụ, sự nổi lên của chi nhánh IS tại bán đảo Sinai cũng như một vài nhóm cực đoan khác đã trở thành mối lo thường trực đối với Ai Cập trong năm 2017. Chính quyền Ai Cập đã và đang đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, tiêu diệt nhiều phần tử khủng bố cũng như phát hiện và triệt xóa các hang ổ, phá hủy nhiều kho cất giấu vũ khí, phương tiện, thiết bị nổ của IS và một số nhóm cực đoan khác. Song, tình hình an ninh vẫn chưa được cải thiện nhiều và khủng bố đang là thách thức lớn nhất tại Ai Cập hiện nay, khi làn sóng tấn công khủng bố không ngừng gia tăng cả về tần suất lẫn mức độ thương vong trong thời gian qua, điển hình là vụ tấn công đẫm máu ngày 24-11 nhằm vào một đền thờ Hồi giáo khiến ít nhất 300 người thương vong.

Trong khi đó, nhiều nước như Anh, Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Ý… đã hứng chịu nhiều vụ tấn công và đang tiếp tục bị đe dọa khi các chiến binh IS ẩn nấp trong đoàn người di cư.

Riêng nước Mỹ, năm 2017 cũng đối mặt với mối đe dọa khủng bố. Bà Elaine Duke, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ cho biết, có ít nhất 2 sự kiện xảy ra ở Mỹ cho thấy các nhóm khủng bố đang quay lại địa bàn Mỹ: xe tải lao vào đám đông ở New York ngày 31-10, làm 8 người chết và vụ sát hại một phụ nữ ở Manhattan vào ngày 1-11 do một người đàn ông không rõ danh tính thực hiện, sau đó đối tượng này đã tự tử. Ngoài ra, một vụ tấn công đã được ngăn chặn, đơn vị chống khủng bố của FBI đã bắt giữ một người đàn ông vào ngày 22-10 vì cáo buộc người này có ý định kích nổ một quả bom tại một khu mua bán ở Miami. Đặc biệt, vụ đánh bom do Akayed Ullah, một thanh niên 27 tuổi người Bangladesh, tiến hành nhằm vào hệ thống tàu điện ở New York ngày 11-12 càng cho thấy nạn khủng bố vẫn đang đe dọa nước Mỹ.

Ngoài ra, Nga - quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố, nhất là trên chiến trường Syria, đang là tâm điểm cho các phần tử Al-Qaeda và IS tập trung trả thù. Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga Alexander Bortnikov phát biểu với báo chí rằng, sau những thất bại tại Syria và Iraq, các phần tử khủng bố đến từ Trung Đông đang tìm cách xâm nhập các nước thuộc Liên Xô cũ. Ông Bortnikov lưu ý, các phần tử khủng bố, bao gồm cả công dân Nga, Trung Á, châu Âu và Bắc Phi, đã di chuyển từ Afghanistan đến các nước thuộc Liên Xô cũ thông qua Trung Á. Ông Bortnikov còn dẫn thông tin từ các cơ quan an ninh cho biết, khoảng 20.000 công dân thuộc các nước Liên Xô cũ bị tình nghi liên quan đến các tổ chức tôn giáo cực đoan và các tổ chức khủng bố. Riêng Nga, từ năm 2012 đến nay, hơn 1.000 người đã bị xét xử vì tổ chức các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép và hiện có hơn 4.500 người đã ra nước ngoài, chiến đấu trong hàng ngũ khủng bố ở Trung Đông, Bắc Phi cùng các khu vực khác. Đây thực sự là mối đe dọa nghiêm trọng mà các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nga phải tập trung đối phó, nhất là năm 2018 diễn ra World Cup tại nước này.

Diễn biến đó cho thấy “bóng ma” khủng bố tiếp tục đe dọa an ninh toàn cầu. Từng quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế phải không ngừng thiết lập các mối liên kết, đề ra các giải pháp cụ thể để phát hiện và đấu tranh, tiêu diệt triệt để phiến quân Al-Qaeda và IS ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.