Vượt lên ngăn chặn

Sau sự kiện Ukraine, tiếp đến là vấn đề Syria cùng việc bị cáo buộc là “can thiệp và cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016”, Nga bị Mỹ và các đồng minh cho là “đối thủ nguy hiểm hàng đầu”, cần phải ngăn chặn trên cả vấn đề chính trị, kinh tế lẫn quân sự.

Cuộc bao vây cấm vận đầu tiên đối với Nga do các nước Liên minh châu Âu (EU) thực hiện diễn ra năm 2014, sau đó Mỹ nhảy vào với hàng loạt biện pháp nhằm vào kinh tế chủ chốt cũng như các lĩnh vực năng lượng, công nghệ của Mátxcơva. Ngoài ra, Mỹ và EU không chỉ mở rộng đường biên giới áp sát lãnh thổ Nga, mà còn tăng cường các điểm đóng quân, xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí các đơn vị tên lửa chiến lược hướng vào Nga. Mới đây, Mỹ còn gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga. Kỳ họp cuối năm của EU cũng quyết định gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng.

Liệu trước những áp lực bao vây đó của Mỹ và các đồng minh, Nga có chịu bó tay để nhận hậu quả?
Phát biểu trong chương trình đối thoại kéo dài 4 giờ hồi tháng 6-2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: Kinh tế của Nga đã thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng và các biện pháp trừng phạt của phương Tây chỉ khiến nước ông mạnh mẽ hơn. Ông Putin cho biết, thời gian qua, Nga đã huy động trí tuệ tập thể, kết nối “những bộ não, những người có tài”, tập trung đa dạng hóa các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, thay vì chỉ phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt, để khắc phục hậu quả cấm vận. Theo ông Putin, cấm vận thậm chí giúp nhiều ngành như chế tạo tên lửa, chế tạo máy, dược, nông nghiệp và một số ngành khác phục hồi, phát triển mạnh mẽ.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh đã buộc Nga phải cải tạo triệt để nền kinh tế, giải quyết các vấn đề khó khăn như chống tham nhũng và quan liêu, chống phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu nhiên liệu năng lượng, khắc phục nền công nghiệp chế tạo máy yếu kém, đầu tư vào nghiên cứu phát triển nông nghiệp và phát triển các mô hình hiện đại của ngành nông nghiệp.

Mặt khác, kinh tế của nhiều thành viên EU gặp rất nhiều khó khăn từ các biện pháp chống cấm vận của Nga. Nguyên tắc “đoàn kết kinh tế” vì mục đích chung của cả EU lẫn Mỹ đã khiến các nước thành viên EU, đặc biệt là Đông Âu và Bắc Âu, chịu nhiều thiệt hại. Nhưng quan trọng nhất là nông dân châu Âu mất đi thị trường truyền thống. Nhiều nước châu Âu thừa nhận chính họ chịu thiệt hại lớn hơn.

Tờ Die Presse của Áo cho rằng, biện pháp trừng phạt của phương Tây đã thất bại khi không thể làm thay đổi chính sách của Nga. Đối với công dân Nga, uy tín của nhà nước quan trọng hơn mức sống. Người dân Nga nhìn thấy chất lượng sản phẩm nội địa tăng lên và tin rằng chính phương Tây chủ yếu bị ảnh hưởng bởi những biện pháp trừng phạt mà họ tự đưa ra. Ông Dietmar Bartsch, Chủ tịch phe đảng cánh tả trong Quốc hội Đức cho rằng, chính sách của chính phủ liên bang (Đức) sai lầm khi dự kiến có thể đạt được một cái gì đó từ những biện pháp trừng phạt.

Theo tính toán của Mátxcơva, chính sách bao vây cấm vận kinh tế của Mỹ và các đồng minh trong những năm qua gây thiệt hại cho Nga khoảng 50-52 tỷ USD, trong khi những nước áp đặt bị thiệt hại khoảng 100 tỷ USD.

Còn về phương diện quân sự, tuy Nga phải dồn sức gia tăng sức mạnh để phòng thủ đất nước nhưng cũng là cơ hội để Mátxcơva hoạch định lại chính sách an ninh của mình trước mối đe dọa của Mỹ và các đồng minh. Đặc biệt, việc Nga bất ngờ tham chiến ở Syria để chống chủ nghĩa khủng bố, mới đây tuyên bố giành chiến thắng trước tổ chức Nhà nước Hồi giao tự xưng (IS) và từng bước rút quân về nước là một đòn choáng váng cho phương Tây. Chiến thắng này là cơ hội để chứng minh sức mạnh quân sự hùng hậu và uy lực của Nga, đồng thời cho thấy sự trở lại Trung Đông của Mátxcơva - nơi được cho là thánh địa bất khả xâm phạm của Mỹ và các đồng minh kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Hành động của Nga đã thuyết phục được các quốc gia trong khu vực cả về “lòng tin” lẫn “sức mạnh”, trong đó có cả đồng minh của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ.

Vượt lên ngăn chặn để tồn tại và phát triển mạnh mẽ trước chính sách bao vây, cấm vận do Mỹ và các đồng minh áp đặt được các nhà quan sát của Nga và thế giới đánh giá rất cao. Đó là thành công lớn của Điện Kremlin và Tổng thống Putin.

Chính trên nền tảng của thắng lợi đó, ông Putin quyết định ra tranh cử nhiệm kỳ 4 sẽ diễn ra vào tháng 3-2018. Ông Putin ra tranh cử nhưng không đại diện một chính đảng mà với tư cách ứng cử viên độc lập, bởi dường như ông muốn khẳng định vai trò là người đại diện cho lợi ích của toàn dân tộc chứ không phải cho một chính đảng.

Có thể nói, đây là bước đi khôn ngoan nữa của ông Putin để củng cố sức mạnh đoàn kết toàn Nga, tiếp tục vượt qua ngăn chặn do Mỹ và các đồng minh áp đặt để đưa nước này trở lại vị trí cường quốc mạnh mẽ và có trách nhiệm với dân tộc mình cũng như với cộng đồng quốc tế.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.