Vì sao Nga và Trung Quốc vắng mặt tại Vancouver?

Hội nghị Ngoại trưởng về an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên đã chính thức khai mạc tại thành phố Vancouver của Canada ngày 16-1. Hội nghị do Mỹ và Canada đồng chủ trì, với sự tham gia của đại diện ngoại giao đến từ 20 nước, trong đó có 11 ngoại trưởng, nhằm tìm tiếng nói đồng thuận hướng tới một bán đảo Triều Tiên an ninh, thịnh vượng và phi hạt nhân hóa.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh có một số diễn biến tích cực trong quan hệ liên Triều với việc hai bên nhất trí nối lại đàm phán cấp cao sau 2 năm gián đoạn và Triều Tiên dự kiến cử một đoàn tham gia Thế vận hội mùa đông Pyeongchang ở Hàn Quốc từ ngày 9 đến 25-2 tới. Thế vận hội mùa đông Pyeongchang được xem là cơ hội góp phần cải thiện quan hệ liên Triều, như nhận định của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 17-1.

Một câu hỏi được các nhà quan sát lẫn một số nước tham gia hội nghị đặt ra là vì sao Nga và Trung Quốc - hai quốc gia láng giềng, có tầm ảnh hưởng lớn trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên - lại không được mời dự mà chỉ được mời đến nghe thông báo kết quả hội nghị?

Các nhà quan sát cho rằng, sự vắng mặt của Nga và Trung Quốc khiến các bên khó có thể tìm được một giải pháp ngoại giao toàn diện. Trong khi đó, Canada và Mỹ hàm ý, sự có mặt của Nga, Trung Quốc sẽ làm hội nghị bị chi phối vì quan điểm cũng như hành động trên thực tế. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng cáo buộc Trung Quốc “gật đầu” với xuất khẩu dầu mỏ tới Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, động thái này của Trung Quốc đã ngăn chặn “giải pháp thân thiện” trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, cáo buộc của Mỹ cũng như các đồng minh bị Nga và Trung Quốc bác bỏ.

Triệu Thông, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, thẳng thắn cho rằng Mỹ không muốn Nga và Trung Quốc có mặt tại hội nghị để tránh làm xao nhãng cuộc thảo luận vì sẽ đề xuất dừng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, mà Bình Nhưỡng xem là sự khởi đầu cho một cuộc xâm lược.

Ở một khía cạnh khác, hội nghị Vancouver chủ yếu quy tụ những quốc gia hỗ trợ Hàn Quốc trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), trong khi Nga và Trung Quốc lại đứng về phía Triều Tiên trong cuộc chiến tranh này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng chỉ trích: “Vắng mặt những trung gian đàm phán quan trọng chỉ gây chia rẽ cộng đồng quốc tế và đe dọa nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Vì thế, tôi không nghĩ hội nghị này là hợp pháp”.

Còn hãng tin RT (Nga) dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavarov cho biết: “Không may, các đồng nghiệp Mỹ và đồng minh của họ vẫn muốn hành động đơn phương theo kiểu đưa ra tối hậu thư, không muốn lắng nghe quan điểm từ các trung tâm khác của chính trị thế giới”.

Trong khi đó, theo đánh giá của Roland Paris, cựu trợ lý các vấn đề ngoại giao của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, các bên khó có thể giải quyết được vấn đề tại hội nghị này, nhất là khi không có sự tham dự của Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, để xoa dịu sự phản ứng của Mátxcơva và Bắc Kinh, trước thềm hội nghị, trong một phát biểu với báo chí hôm 12-1, Thủ tướng Trudeau nêu rõ, dù Nga và Trung Quốc không được mời tham dự nhưng cần giúp xoa dịu căng thẳng hiện nay. Ông cũng cam kết sẽ tiếp tục đối thoại với tất cả các bên, bao gồm cả Nga và Trung Quốc là những nước chắc chắn giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Theo ông, Canada hiểu rõ cộng đồng quốc tế giữ vai trò quan trọng trong việc “hạ nhiệt” và làm dịu căng thẳng trong vấn đề Triều Tiên (?!).

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.