"Ngoại giao chủ nợ"

Những ngày vừa qua, quốc đảo xinh đẹp Maldives trên vùng biển Ấn Độ Dương xảy ra khủng hoảng chính trị do mâu thuẫn nội bộ giữa Tổng thống Abdulla Yameen đương quyền và lực lượng đối lập, gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác không kém phần quan trọng khi nó ẩn chứa một vấn đề sâu xa hơn, được báo chí thế giới đề cập là “bóng dáng” của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tại Maldives.

Chỉ riêng trong tháng 2 này, 11 chiến hạm Trung Quốc đã đi vào Ấn Độ Dương trong lúc cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Maldives. Theo trang Nikkei (Nhật Bản), tại Maldives, trong thời gian qua, Bắc Kinh đã nhanh chóng biến một đảo hoang thành căn cứ hải quân bằng cách cắt ngang các rạn san hô xung quanh, tạo thành tuyến đường cho các tàu chiến đi qua. Trung Quốc cũng có thể đang tiến hành xây các đảo nhân tạo tại đây và quân sự hóa như họ đã làm tại Biển Đông. Hành động này như động thái nhằm ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Ấn Độ tại Maldives.

Cũng theo Nikkei, trong tính toán chiến lược của Bắc Kinh, 3 tàu chiến của Trung Quốc đã thực hiện các chuyến thăm Maldives cách đây 6 tháng, neo đậu ở cảng Male, Girifushi và tiến hành các đợt huấn luyện cho quân đội nước này. Việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của hải quân tại Ấn Độ Dương có thể là một thông điệp cho New Delhi nhằm ngăn chặn sự can thiệp quân sự vào Maldives khi xảy ra chính biến.

Tuy nhiên, để in đậm “bóng dáng” của Trung Quốc, Bắc Kinh đã ủng hộ vô điều kiện Tổng thống Yameen nắm quyền vào năm 2013, cho Maldives vay hàng tỷ USD, cũng như bỏ ra nhiều tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, sau khi Tổng thống Yameen ký kết tham gia dự án “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh, mối quan hệ hai bên càng sâu sắc. Tổng thống Yameen đã tạo điều kiện cho Trung Quốc mua lại các hòn đảo của nước mình qua việc sửa đổi Hiến pháp năm 2015 nhằm hợp pháp hóa việc nước ngoài sở hữu đất đai tại Maldives.

Trong số những hòn đảo không người ở mà Trung Quốc thuê lâu dài tại Maldives có Feydhoo Finolhu, gần thủ đô Male, trước đây được dùng làm nơi huấn luyện lực lượng cảnh sát; đảo Kalhufahalufushi có chiều dài 7km. Trung Quốc chỉ phải trả 4 triệu USD cho đảo Feydhoo Finolhu, bằng giá một căn hộ sang trọng ở Hong Kong; còn đảo Kalhufahalufushi thậm chí giá thuê còn rẻ hơn.

Song, hậu quả nhãn tiền mà Maldives hứng chịu là khi trao cho Bắc Kinh các hợp đồng tài trợ cơ sở hạ tầng, ông Yameen đã buộc đất nước phải gánh thêm núi nợ nần. Cách đây không lâu, Tổng thống Yameen khẳng định Maldives không thể hoàn trả số nợ 1,5 - 2 tỷ USD cho Trung Quốc, tương đương 80% tổng nợ quốc gia. Thậm chí, ông than thở một cách chua cay rằng: “Trung Quốc không cần bắn một phát súng nào mà vẫn chiếm được nhiều đất đai tại Maldives hơn người Anh trong thế kỷ 19” (?!).

Nhưng thực tế, trong những năm qua, khi chuyển mục tiêu “bành trướng”, không chỉ có Maldives, mà nhiều nước láng giềng của Ấn Độ và Trung Quốc như Bangladesh, Myanmar, Nepal, Pakistan, Sri Lanka đều lọt bẫy nợ của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương nói riêng và nhiều khu vực khác nói chung. Chẳng hạn, sau khi cho Djibouti, nằm ở sừng châu Phi vay nhiều tỷ USD, năm 2017, Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại quốc gia nhỏ bé này. Tại Pakistan, Bắc Kinh huy động tàu chiến để bảo vệ cảng Gwadar do Trung Quốc xây dựng và chuẩn bị lập căn cứ quân sự gần đó sau khi đạt được thỏa thuận với Islamabad.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã bỏ ra hàng trăm tỷ USD để cho vay, đầu tư ở nhiều nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh. Những khoản cho vay, đầu tư... này đều kèm ràng buộc chặt chẽ nhằm nâng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh. Đúng như trang Nikkei nhận định, mỗi món vay đều nhằm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh, mà Nikkei gọi là “ngoại giao chủ nợ”.

Ở phương diện nào đó, trong khi Mỹ tập trung hướng nội, các nước nghèo khát vốn, nên chính sách ngoại giao này của Trung Quốc đã gặt hái được thành công lớn. Đáng chú ý nhất là vào tháng 12-2017, khi Sri Lanka thỏa thuận cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota trong 99 năm với giá 1,12 tỷ USD. Trước đó, sau khi mua lại phần lớn cảng container Colombo (Sri Lanka), các tàu ngầm Trung Quốc đã lặng lẽ vào trú đóng tại đây. Còn ở Myanmar, cảng nước sâu Kyauk Pyu do Bắc Kinh tài trợ cũng được các nhà quan sát nhận định là có thể được dùng vào mục đích quân sự.

Từ những diễn biến nói trên, giới quan sát quốc tế cho rằng, Bắc Kinh đang mua tình hữu nghị bằng cách mở rộng hầu bao. Trung Quốc đã và đang lôi kéo nhiều quốc gia vào vòng ảnh hưởng của mình bằng cách nhấn chìm họ trong nợ nần, mà Maldives là một ví dụ cụ thể.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.