Đấu trường sinh tử

Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, khu vực Trung Đông nổi lên các biến động lớn: Để can thiệp vào Iraq năm 2003, Mỹ, Anh cùng các đồng minh đã tạo dựng và đồng thanh kết luận chính quyền của Tổng thống Saddam Hussen “có vũ khí giết người hàng loạt” nhưng không chịu giải giáp nên phải mở cuộc tấn công xâm lược để ngăn chặn nguy cơ của nó.

Kết quả là Mỹ đã sử dụng chứng cứ giả để tấn công Iraq và đến nay đất nước này vẫn chưa yên bình. Mỹ và các đồng minh không những để lại khoảng trống quyền lực rất lớn ở Iraq mà còn tạo ra một thế hệ chiến binh khủng bố mạnh hơn, tàn bạo hơn, tinh vi hơn Al-Qaeda, đó là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tình thế đó buộc Mỹ và các đồng minh phải tiến hành cuộc chiến lần 2 để chống cả Al-Qaeda lẫn IS; nhưng lần này thì mặt trận rộng lớn hơn bởi không chỉ có Iraq, Syria mà lan sang cả Yemen, Lybia…

Cùng thời điểm đó, Mỹ và các đồng minh đang háo hức về cuộc cách mạng màu được phát động ở Trung Đông nhằm áp dụng các “giá trị dân chủ” phương Tây vào các quốc gia như Ai Cập, Lybia, Syria. Cả Trung Đông rơi vào vòng xoáy xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh biên giới, chiến tranh xâm lược.

Thời điểm hiện nay, Syria được cho là bức tranh điển hình về toàn bộ chính sách của Mỹ và các đồng minh phương Tây trên cả ba bình diện: chống vũ khí giết người hàng loạt, cuộc cách mạng màu và chống khủng bố quốc tế…

Vậy cuộc chiến ở Syria suốt 7 năm qua cho thấy những gì?

Thứ nhất là sự kích hoạt của phương Tây hỗ trợ phe đối lập tiến hành cuộc cách mạng màu chống chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, dẫn đến cuộc nội chiến đẫm máu.

Thứ hai là việc giải quyết bài toán về kho vũ khí hóa học của Syria. Với những nỗ lực của Nga, Syria không chạm tới “lằn ranh đỏ”; khi hợp tác với Liên Hợp Quốc, Damascus giao nộp toàn bộ kho vũ khí hóa học.

Thứ ba là cuộc chiến chống Al-Qaeda và IS. Cùng với cuộc nội chiến, Syria phải đối mặt trực tiếp với hai lực lượng khủng bố tàn bạo đó, đất nước bị tàn phá nặng nề, gần cả triệu người thương vong và hàng triệu người phải rời bỏ nơi cư trú, tạo ra thảm họa nhân đạo lớn nhất trong lịch sử kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.

Thực tế chiến trường Syria cho thấy, vũ khí hóa học đã bị giải giáp; Al-Qaeda và IS đã bị đánh bại, hơn 90% diện tích chúng kiểm soát đã được giải phóng; quân đội chính phủ thắng thế… Hơn nữa, ảnh hưởng và vai trò của Nga ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, những điều này là cái gai trong mắt Mỹ và đồng minh phương Tây. Cho nên, “vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 7-4 ở thị trấn Douma, ngoại ô thủ đô Damascus” không thể gọi là “bất ngờ”, mà là sự toan tính khi nó diễn ra nhanh chóng, đang khuấy động tình hình không chỉ Syria mà liên quan đến các siêu cường trong chiến lược địa chính trị ở Trung Đông.

Mỹ và các đồng minh phương Tây đều ngay lập tức cáo buộc Nga, Iran, Syria là thủ phạm; đồng thời đe dọa sẽ có hành động đáp trả nghiêm khắc, kể cả tấn công bằng quân sự. Ngược lại, Nga và Syria bác bỏ mọi cáo buộc, coi đó là mưu toan của lực lượng khủng bố, hay thủ thuật của phe đối lập để làm biến dạng chiến thắng của quân đội Syria ở Douma nói riêng, cả đất nước Syria nói chung.

Trên chiến trường Syria nhiều năm qua từng có các cáo buộc tấn công hóa học do quân đội nước này thực hiện nhưng các điều tra quốc tế không chứng minh được. Trong khi đó, nghi vấn lại nằm ở phe đối lập và các lực lượng khủng bố.

Mới đây, Anh và Mỹ cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc cha con cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal trên đất Anh, nên dư luận nghi ngờ về một âm mưu chống Nga có toan tính.

Mặt khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút quân nhanh chóng khỏi Syria nhưng sự kiện “tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 7-4” sẽ buộc ông để quân ở lại. Một câu hỏi lớn được đặt ra: Phải chăng sau thất bại về việc cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal, cũng như Mỹ định rút quân khỏi Syria, những bàn tay đen tối của lực lượng cực hữu muốn khấy động nhân tố Nga để níu kéo một chút gì đó thông qua cái mác “sử dụng vũ khí hóa học” (?!).

Nhìn cục diện ở khu vực Trung Đông hiện nay, vấn đề Syria được xem là “đấu trường sinh tử” của các siêu cường sau hàng loạt những biến động vô cùng phức tạp bởi các cụm từ được nêu ra trước đó như: chống vũ khí giết người hàng loạt, các cuộc cách mạng màu, chống khủng bố quốc tế…

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.