Sứ mệnh "người đối thoại châu Âu" đến đâu?

Với chuyến công du cấp nhà nước tới Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được giới quan sát ví như “người đối thoại châu Âu” sau hàng loạt biến cố trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương nói riêng, các vấn đề quốc tế nói chung kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump làm chủ nhân Nhà Trắng đến nay. Vốn có bề dày trong mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Trump, cũng như một số vấn đề khác như việc cùng Mỹ không kích Syria mới đây, ông Macron tự tin làm “thuyết khách” trong hàng loạt bất đồng đôi bên chưa được tháo gỡ.

Tuy nhiên, thực tế hai nhà lãnh đạo không thể phủ nhận họ vẫn còn nhiều khác biệt, nhất là trên 3 vấn đề lớn: thuế đánh vào nhôm, thép; thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) và cuộc chiến ở Syria. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhất là JCPOA – thỏa thuận được ký giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức).

Từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump không hề thay đổi lập trường về vấn đề hạt nhân của Iran. Mỹ một mặt liên tục duy trì và gia tăng áp lực, tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran; mặt khác, ông Trump đòi có một thỏa thuận bổ sung giữa một bên là Mỹ và bên kia là Anh, Pháp, Đức (3 nước châu Âu đã ký JCPOA). Trong thỏa thuận bổ sung này, ông Trump muốn các đồng minh phương Tây phải cam kết không để cho Iran trang bị bom nguyên tử khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử nói trên hết hiệu lực.

Ngay khi bắt đầu cuộc hội đàm với người đồng cấp Macron, Tổng thống Trump một lần nữa gọi JCPOA là “thảm họa” và “điên cuồng”. Ông Trump cảnh báo, thỏa thuận này sẽ không ngăn cản chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, hay việc Tehran hỗ trợ các nhóm phiến quân tại Trung Đông. Theo ông, Iran sẽ đối mặt với những vấn đề lớn chưa từng thấy nếu quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này tái khởi động chương trình hạt nhân.

Tổng thống Pháp vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của JCPOA và cho rằng đây là một phần trong vấn đề an ninh tại khu vực Trung Đông. Theo ông, JCPOA là “sự lựa chọn sẵn có tốt nhất” để kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Nhiều tháng nay, các quan chức Pháp, Đức, Anh và Mỹ khẩn trương bàn bạc chỉnh sửa thỏa thuận để làm hài lòng ông Trump nhưng vẫn chưa giải quyết được nhiều bất đồng. Ngày 12-5 là thời hạn ông Trump quyết định có gia hạn việc ngưng trừng phạt Iran hay không. Một khi không gia hạn, các lệnh trừng phạt Iran sẽ được khôi phục và đồng nghĩa Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Hiện vẫn chưa rõ ý sau cùng của Tổng thống Trump như thế nào bởi ông vốn là người khó đoán. Trong khi đó, Iran thậm chí dọa có thể rút khỏi Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) nếu Tổng thống Trump hủy bỏ JCPOA.

Về vấn đề Syria, Tổng thống Macron đã thuyết phục Tổng thống Mỹ ở lại quốc gia Trung Đông lâu dài để duy trì ổn định trong khu vực, nhưng sau đó đã rút lại bình luận này sau khi Nhà Trắng cho biết chiến lược của họ không thay đổi.

Ngoài ra, liên quan đến việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hồi năm ngoái, Tổng thống Macron cho rằng, hai bên còn bất đồng trong vấn đề này, đồng thời cảnh báo các thế hệ tương lai đang lâm nguy nếu không còn văn kiện này.

Nhân chuyến thăm này, Tổng thống Macron tặng Tổng thống nước chủ nhà một cây sồi, được chiết từ rừng Belleau, gần Château-Thierry (tỉnh Aisne, miền bắc Pháp), nơi gần 2.000 lính thủy Mỹ đã ngã xuống trong Thế chiến thứ nhất. Cây sồi vừa đề cao lịch sử chung giữa hai nước, vừa kín đáo nhắn nhủ với Tổng thống Mỹ về việc cần phải bảo vệ môi trường và giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Có thể nói, chuyến công du với vai trò “người đối thoại châu Âu” của Tổng thống Macron không mang lại kết quả như mong muốn mà vẫn còn khá nhiều trắc trở trước một ông chủ Nhà Trắng kiên quyết từ chối những đòi hỏi của EU xung quanh vấn đề thương mại, nhất là thuế nhôm, thép, hay vấn đề hạt nhân của Iran… Và một khi vai trò của ông Macron không hoàn thành thì châu Âu, nhất là Pháp và Đức - hai thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) phải đối diện với nhiều vấn đề hóc búa nhằm hóa giải các bất đồng với Mỹ để bảo vệ uy tín và các mục tiêu của mình.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.