Âm mưu của Trung Quốc ở Biển Đông

.

Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp trên quy mô lớn đối với 3 thực thể bao gồm đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vậy âm mưu của Trung Quốc là gì?

Đài CNBC (Mỹ) đầu tháng 5 đưa tin: Trung Quốc đã lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống tên lửa đất-đối-không trên đảo đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Xu Bi. Tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B cho phép Trung Quốc tấn công tàu trong phạm vi 295 hải lý. Các tên lửa tầm xa, đất đối không HQ-9B có thể nhắm mục tiêu vào các máy bay, máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong phạm vi 160 hải lý. Đồng thời, Trung Quốc đặt các thiết bị gây nhiễu quân sự trên đảo đá Chữ Thập và đá Vành Khăn. Một điều đáng quan ngại khác, những hình ảnh vệ tinh chụp được cho thấy các máy bay vận tải quân sự Trung Quốc đậu trên đường băng của 2 đảo này.

Đến ngày 18-5, Reuters cho biết, lực lượng không quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc mới đây tổ chức đưa một số máy bay như chiếc H-6K diễn tập cất cánh và hạ cánh trên các đảo, bãi đá trong Biển Đông nhằm “cải thiện khả năng vươn ra mọi vùng lãnh thổ, thực hiện các cuộc tấn công bất cứ lúc nào và nhắm bất cứ hướng nào (?!). Đây rõ ràng là quá trình hoàn thiện quân sự hóa của Trung Quốc ở 3 thực thể nói trên, biến nó thành tiền đồn ở Biển Đông nhằm tiến đến các mục tiêu xa hơn: kiểm soát toàn bộ khu vực này.

Tại một diễn đàn an ninh hàng hải ở thủ đô Manila của Philippines giữa tháng 5, Chuẩn Đô đốc Hải quân Philippines Rommel Jude Ong dự báo, sau máy bay vận tải quân sự, Trung Quốc sẽ sớm đưa máy bay chiến đấu đến các căn cứ ở Trường Sa, nhất là sau khi hệ thống tên lửa bảo vệ đảo được cài đặt xong. “Bước hợp lý tiếp theo sẽ là việc triển khai máy bay tiêm kích trên biển J-11… Với tầm hoạt động 1.500 km, loại phi cơ này có khả năng vươn tới mọi nơi trên quần đảo Philippines”, Đô đốc Rommel Jude Ong nhấn mạnh.

Nhận xét nói trên phù hợp với dự đoán trước đó của cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington. Theo đó, tại Trường Sa, Trung Quốc dường như đang áp dụng trình tự của kế hoạch quân sự hóa Hoàng Sa, với máy bay vận tải quân sự đi trước, rồi sau đó là máy bay chiến đấu.

Những gì mà Trung Quốc đã và chắc chắn sẽ bố trí tại vùng quần đảo Trường Sa làm dấy lên mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về việc Bắc Kinh sắp tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ngay trên Biển Đông. Đây là bước đi vô cùng nguy hiểm trong âm mưu của Trung Quốc nhằm hoàn thiện quá trình kiểm soát Biển Đông cả trên mặt nước lẫn trên không.

Chuyên gia nhiều kinh nghiệm về Biển Đông của Philippines - Richard Heydarian thuộc Đại học De La Salle ở Manila nhận định: “Trung Quốc đã phát triển bộ khung của một vùng nhận dạng phòng không ADIZ ở quần đảo Trường Sa, có khả năng cho phép họ áp đặt một vùng cấm trong tương lai… Đến nay, Trung Quốc vẫn tự kềm chế, chưa tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông…”.

Cũng về khả năng Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, chuyên gia Colin Raunig - sĩ quan Hải quân dự bị Mỹ cho rằng, nhiều khả năng vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông sẽ được Trung Quốc thiết lập theo mô hình ADIZ ở biển Hoa Đông mà Bắc Kinh đơn phương áp đặt năm 2013.

Âm mưu đó của Trung Quốc ngày càng lộ rõ khi cho chạy thử nghiệm chiếc tàu sâu bay thứ hai tự đóng cách đây một tuần để từng bước hoàn thiện đội tàu sân bay gồm 6 chiếc như kế hoạch nhằm độc chiếm Biển Đông. Theo ghi nhận của AP, tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ được đưa vào hoạt động trước năm 2020. Trung Quốc luôn cho rằng, tàu sân bay cần thiết để bảo vệ vùng ven biển và các tuyến hàng hải của Trung Quốc; nhưng đối với giới phân tích, đó là phương tiện giúp Bắc Kinh khống chế Đài Loan và hầu như toàn bộ Biển Đông.

Trước những động thái của Trung Quốc, Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực và quốc tế đã nhiều lần lên tiếng phản đối. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Christopher Logan xác nhận Lầu Năm Góc đã ghi nhận những thông tin đó và thấy rằng Trung Quốc đang tiếp tục “quân sự hóa các thực thể tranh chấp trên Biển Đông”, đồng thời các sự kiện đó “chỉ làm căng thẳng gia tăng và gây bất ổn định trong khu vực”.

Bộ trưởng Hàng hải Indonesia Luhut Bonsar Pandjaitan cũng đã phản đối mọi mưu toan bành trướng sức mạnh trong khu vực. Ông Pandjaitan giải thích: “Sự ổn định của Biển Đông có lợi cho mọi quốc gia, do đó Indonesia bác bỏ bất kỳ hoạt động triển khai sức mạnh nào (trong khu vực)”…

Sự ngang ngược của Trung Quốc được cho là thông điệp muốn thống soái khu vực mà Bắc Kinh tự ý đưa ra, làm tình hình tranh chấp lãnh hải lâu nay tại Biển Đông trở nên phức tạp, khó lường.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.