Mỹ - Trung đang có cuộc chiến âm thầm

Xét trên bề nổi, giữa Mỹ và Trung Quốc đang so kè với nhau, kéo theo nguy cơ diễn ra cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn. Nhưng ở góc nhìn khác, cả Washington lẫn Bắc Kinh đang có “cuộc chiến âm thầm về tình báo và gián điệp” vô cùng khốc liệt kéo dài nhiều năm qua.

Kể từ khi tiến hành mở cửa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, để theo kịp các nền kinh tế phát triển và cố vượt qua Mỹ, Trung Quốc đã âm thầm tiến hành một cuộc chiến tình báo, gián điệp trên quy mô lớn nhằm đánh cắp công nghệ, thông tin tình báo quân sự của các nước châu Âu, Nhật Bản, nhất là Mỹ…

Đáp lại, Mỹ đã không ngần ngại hình thành lực lượng chuyên sâu để đối phó với các hoạt động của Trung Quốc trong việc thu thập tin tức tình báo, gián điệp về quốc phòng và kinh tế. Mỹ tập trung vào một số mục tiêu và lực lượng chủ yếu mà Trung Quốc đầu tư, gây dựng để khai thác như sau:

Một là, đánh cắp tin tức tình báo quân sự, kinh tế thông qua các nhà khoa học người Mỹ, người Mỹ gốc Hoa và du học sinh... Đây là phương thức được Trung Quốc sử dụng khá phổ biến trong nhiều năm qua và đã thành công trong nhiều vụ, thu thập không chỉ tin tức tình báo thông thường mà còn nhiều tài liệu cơ mật về công nghệ hạt nhân, vũ khí tối tân, kinh tế và năng lượng của Mỹ…

Để ngăn chặn hiệu quả, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tập trung đấu tranh chống tội phạm mạng, gián điệp kinh tế và trộm bí mật thương mại. Năm 2009, FBI thành lập đơn vị phòng chống gián điệp kinh tế, số vụ án điều tra (hầu hết đều dính líu đến Trung Quốc) tăng trung bình lên tới 18% hằng năm.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ mới đây, Giám đốc FBI Christopher Wray cho rằng, các giáo sư, nhà khoa học và sinh viên người Mỹ gốc Hoa, hoặc người Hoa ở Mỹ thật sự là “mối đe dọa cho toàn xã hội” nước này.

Trong khi đó, tờ New York Times tiết lộ, Nhà Trắng đang cân nhắc những biện pháp (bao gồm hạn chế cấp thị thực) nhằm ngăn chặn công dân Trung Quốc tham gia những dự án nghiên cứu nhạy cảm tại các trường đại học ở Mỹ. Chính phủ Mỹ có động thái này sau khi hàng loạt nhà khoa học gốc Hoa và mang quốc tịch Trung Quốc lãnh án tù về tội trộm bí mật thương mại. Tháng 4-2018, Trương Vĩ Cường - nhà khoa học người Trung Quốc lãnh án hơn 10 năm tù giam về tội trộm mẫu giống cây trồng biến đổi gien từ cơ sở nghiên cứu ở Mỹ. Ngày 8-5-2018, Bộ Tư pháp Mỹ khởi tố Jerry Chun Shing Lee (53 tuổi), cựu nhân viên CIA, công dân Mỹ gốc Hoa làm việc cho Trung Quốc. Năm 2014, doanh nhân gốc Hoa Walter Lian-Heen Liew bị kết án 15 năm tù giam vì tội trộm bí mật về sản xuất titan dioxit của Công ty DuPont (Mỹ), bán cho các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc. Năm 2010, kỹ sư gốc Hoa Dongfan “Greg” Chung của hãng Boeing bị FBI cáo buộc hành động theo chỉ thị của chính quyền Trung Quốc, phải lãnh án 15 năm tù vì trộm bí mật về chương trình tàu không gian và tên lửa Delta IV.

Vì vậy, Giám đốc FBI Christopher Wray nói rằng, người Trung Quốc ngày càng chuyển hướng sang các con đường thu thập thông tin sáng tạo hơn, chẳng hạn như bằng cách sử dụng những nhân viên phi truyền thống.

Hai là, việc Trung Quốc sử dụng chip điện tử trong máy tính, máy điện thoại và các thiết bị điện tử khác để đánh cắp dữ liệu đã bị Mỹ bóc mẽ và ngăn chặn triệt để. Hàng loạt dự án cung cấp máy tính, máy điện thoại… có xuất xứ từ Trung Quốc cho các cơ quan chính phủ, Quốc hội Mỹ, quân đội đều bị hủy.
Cách đây hơn 6 năm, Ủy ban Tình báo Quốc hội Mỹ lần đầu tiên tuyên bố công khai rằng, thiết bị điện tử của Huawei và ZTE có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia. Mới đây, Mỹ ra lệnh cấm điện thoại ZTE và Huawei của Trung Quốc trong các hoạt động quân sự, dù thị phần của 2 hãng này thấp hơn một số khu vực khác, bởi thiết bị của Huawei và ZTE có nguy cơ trở thành mối đe dọa an ninh đối với nhân viên, thông tin và các nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng Mỹ. Không chỉ điện thoại, ngay cả modem kết nối Internet do 2 công ty này cung cấp cũng bị chính phủ Mỹ cấm do nghi ngờ có thể là mối nguy hiểm an ninh khi được sử dụng tại các cơ sở quân sự. Chính phủ Mỹ cũng đã nhiều lần cảnh báo về nạn tin tặc từ Trung Quốc xâm nhập vào các hệ thống máy tính của Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng, cơ quan năng lượng … để đánh cắp dữ liệu.

Đây thực sự là cuộc chiến khốc liệt mà Mỹ đã và đang phải đương đầu với Trung Quốc.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.