Bước ngoặt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương

.

Xét trên bình diện tổng thể, kể từ sau Thế chiến thứ hai, quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương gắn bó mật thiết. Trong nhiều vấn đề, Liên minh châu Âu (EU) đều nhận được sự bảo trợ đắc lực của Mỹ và ngược lại Mỹ cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của EU. Nhưng dưới thời Tổng thống Donald Trump, với chính sách “nước Mỹ trên hết”, bắt đầu xuất hiện những “khúc mắc” không thể vượt qua được. Diễn biến thực tế cho thấy có 3 vấn đề nổi cộm sau:

Một là việc Mỹ quyết định rời bỏ thỏa thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) ký với Iran hồi năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Các đồng minh chủ chốt của Mỹ như Anh, Pháp, Đức đều can ngăn, nhưng chủ nhân Nhà Trắng vẫn đoạn tuyệt với JCPOA.

Không còn con đường nào khác, vì quyền lợi kinh tế và an ninh của châu Âu cũng như của thế giới, EU tìm mọi cách để cứu vãn JCPOA. Theo đó, EU phải giải quyết 2 vấn đề: hợp tác với Nga, Trung Quốc cùng Iran để làm JCPOA sống lại trên tinh thần mới; tìm các giải pháp thích hợp để hỗ trợ, tránh các biện pháp trừng phạt mà Mỹ nhằm vào các doanh nghiệp EU đang đầu tư hợp tác kinh tế ở Iran.

Để “giải cứu JCPOA” là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp đối với EU trong lúc này vì phải đối đầu trực tiếp với Mỹ. Nhưng dường như các nhà lãnh đạo khối này nhận thấy đồng minh chiến lược của mình ở bên kia bờ Đại Tây Dương đã bất chấp tất cả, quay lưng lại một thỏa thuận mang tính lịch sử, có ý nghĩa về chính trị, an ninh, kinh tế đối với châu Âu, nên EU quyết định tìm cách duy trì, dù phải trả giá đắt.

Hai là, Mỹ chính thức áp thuế 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với sản phẩm nhôm nhập khẩu của EU cùng một số đồng minh khác như Canada, Mexico từ ngày 1-6 vừa qua. Đây cũng được xem là “đòn giáng” mạnh mẽ thứ hai của Mỹ nhằm vào EU. Quyết định của Mỹ tỏ rõ: lợi ích của nước Mỹ lên trên hết nên Washington không nhượng bộ, dù đó là các đồng minh chiến lược.

Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, biện pháp áp thuế của Mỹ đánh trật mục tiêu, bởi thủ phạm sản xuất dư thừa làm giá thép sụt giảm và làm mất việc làm ở Tây phương chính là Trung Quốc. “Quyết định này không chỉ bất hợp pháp mà còn là một sai lầm về nhiều khía cạnh vì đây là cách phản ứng tồi tệ nhất trước sự mất cân bằng thương mại quốc tế”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói như vậy. Hành động của Mỹ có thể trước mắt chưa dẫn đến chiến tranh thương mại, nhưng về lâu dài sẽ để lại hậu quả vô cùng nặng nề mà các bên đều thua.

Ba là, Mỹ quyết định dời Đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv về Jerusalem, làm EU bất bình. Hành động của Mỹ đi ngược lại nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng như các kế hoạch thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông mà Washington và EU nỗ lực trong nhiều năm qua. EU cho rằng, quyết định của Mỹ không mang lại hòa bình mà chỉ làm cuộc xung đột Palestine - Israel tăng cao.

Bên cạnh đó, Mỹ còn yêu cầu EU phải bỏ tiền ra nhiều hơn nữa để lo quốc phòng-an ninh, chứ Washington không đảm đương như lâu nay nữa.

Có thể nói, từ những vụ việc nêu trên cho thấy Mỹ sẵn sàng từ bỏ những thỏa thuận quốc tế mà các tổng thống tiền nhiệm đã cam kết; tạo ra hố ngăn cách và làm suy yếu vai trò của đồng minh EU trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk từng nói: “Châu Âu nên biết ơn Tổng thống Trump bởi vì nhờ ông ấy, chúng ta đã thoát khỏi mọi ảo tưởng. Ông ấy đã khiến chúng ta nhận ra rằng, nếu cần một bàn tay giúp đỡ, bạn sẽ tìm thấy bàn tay ấy trên cánh tay mình”. Đúng như những gì ông Donald Tusk đã nói, EU không quay lưng lại với JCPOA mà đang tìm mọi cách để cứu vãn thỏa thuận này; không chịu việc bị Mỹ áp thuế thép và nhôm mà có ngay các biện pháp đáp trả; không cùng Mỹ dời Đại sứ quán về Jerusalem mà coi đó là hành động vi phạm các nghị quyết của LHQ, gây cản trở việc giải quyết cuộc xung đột Palestine - Israel…

Báo Le Monde của Pháp số ra gần đây nhận định: Brussels cứng rắn không mặc cả với Washington trong thế yếu khi bị đối tác “kê súng vào đầu”! Đấy là hành động “phải tự cứu mình” mà EU đã thống nhất và cũng là bước ngoặt lớn trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.