.

Học nghề gì dễ xin việc?

.

Hàng ngàn bạn trẻ đang đổ về Đà Nẵng học văn hóa, học nghề với mong muốn tìm được việc tại thành phố này. Tuy nhiên, dạy - học nghề gì để dễ có việc làm không chỉ là mối quan tâm của học viên mà còn là của các trường nghề ở Đà Nẵng.

Một giờ thực hành điện tử tại Trường CĐ nghề Đà Nẵng.
Một giờ thực hành điện tử tại Trường CĐ nghề Đà Nẵng.

Du lịch, dịch vụ “lên ngôi”

Nguyễn Thu Phương (20 tuổi, quê ở Quảng Nam) vừa trở thành tân sinh viên khoa Hướng dẫn du lịch của Trường CĐ Nghề Đà Nẵng hồ hởi: “Em chọn học ngành Du lịch để dễ xin việc bởi không chỉ ở Đà Nẵng mà nhiều nơi đang rất cần nhân lực ngành này”. Phương là một trong hơn 600 thí sinh nộp hồ sơ vào hai ngành: Hướng dẫn du lịch và Quản trị khách sạn, tức là gấp 3 lần số hồ sơ được nhận (theo chỉ tiêu tuyển sinh của trường). Thạc sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm nay, các em đã có định hướng khá rõ ràng về học nghề và việc làm, căn cứ vào số hồ sơ nộp vào ngành Du lịch tăng đột biến, gấp nhiều lần so với những năm trước đó”.

Ngoài các nghề thuộc ngành Du lịch, số hồ sơ đăng ký vào ngành Công nghệ ô-tô cũng khá lớn: 450 hồ sơ trong khi Trường CĐ Nghề Đà Nẵng chỉ lấy 150 chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ  Nghề Nguyễn Văn Trỗi cũng cho biết, hiện các ngành nghề về du lịch, dịch vụ đang rất thu hút người học, không chỉ ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài. “Món ăn Việt Nam được khách nước ngoài rất thích. Chúng tôi dự định sẽ giới thiệu khoảng 50-70 người có tay nghề bếp khá, giỏi sang Đức để làm việc với mức lương hấp dẫn”, ông Sơn nói.

Trường Trung cấp Nghề Việt Úc hiện cũng “ăn nên làm ra”, hằng năm cung ứng từ 1.400 - 1.500 lao động tay nghề cao cho các dự án du lịch. Nhiều khách sạn chuẩn 4 - 5 sao đã đặt hàng tại trường này ngay từ khi khởi công xây dựng sân golf The Montgomerie Link, khách sạn Mercure… Hằng năm, có đến 95% sinh viên trường này tốt nghiệp có việc làm tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam. Đề tài nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc ĐH Đà Nẵng, do PGS,TS Võ Xuân Tiến làm chủ nhiệm, đã đưa ra dự báo nhu cầu đào tạo cho một số ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ ở Đà Nẵng rất lớn, nhất là lĩnh vực du lịch. Theo dự báo, giai đoạn 2011-2015, thành phố cần thêm 177.000 lao động qua đào tạo nghề, gấp 3 lần nhu cầu giai đoạn trước. Trong đó, Đà Nẵng đang hướng đến xây dựng thành phố du lịch, dịch vụ nên tiềm năng của nghề này là không nhỏ.

Nhìn xa trông rộng

Trái ngược với các nghề trên, với nghề hàn Trường CĐ nghề Đà Nẵng chỉ nhận được vài hồ sơ nên không thể tổ chức dạy. “Tâm lý các em “né” nghề này bởi ngại khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, hiện nay, hàn là một trong những nghề cung không đủ cầu. Thậm chí, một công ty đóng tàu ở Quảng Ngãi đặt hàng thường xuyên về nghề này mà chúng tôi phải từ chối vì không có người học”, thạc sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Đà Nẵng cho biết.

Theo khảo sát, hiện nay, một thợ hàn lành nghề, bậc cao có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng là điều bình thường, thậm chí có người còn đạt mức từ 20-30 triệu đồng/tháng. Cũng theo ông Sơn, một nghề “hot” hiện tại có thể trở nên bình thường khi nguồn nhân lực và nhu cầu của xã hội bão hòa trong 4-5 năm nữa. Chẳng hạn, bây giờ học nghề này dễ kiếm việc nhưng sau khi các em ra trường khoảng 3-4 năm sau thì thị trường lại không có nhu cầu. Do vậy, các em cần bình tĩnh, suy nghĩ kỹ, nhìn xa hơn vào định hướng phát triển của từng địa phương và cả nước để quyết định học nghề nào phù hợp. Theo đó, các trường nghề cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp. Trường CĐ Nghề Đà Nẵng dự định sẽ mở thêm nghề mới: nghề công tác xã hội. Chính phủ cũng đã có Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 về phát triển nghề này. Theo lãnh đạo nhà trường, đây cũng là một trong những nghề khá triển vọng trong tương lai lâu dài.

Qua khảo sát tại một số trường nghề ở Đà Nẵng, có những nghề sẽ phải đóng cửa như: văn thư hành chính, điện dân dụng... thay vào đó là những nghề xã hội cần như: mỹ thuật công nghiệp, thiết kế nội thất, điện công nghiệp, cơ điện tử và đặc biệt là dịch vụ du lịch biển; dịch vụ vận tải biển, cảng biển; khai thác, chế biển hải sản; công nghiệp tàu biển... Với sự phát triển của Đà Nẵng hiện nay, nhu cầu về các nghề công nghệ cao, kiến trúc đô thị, quản lý đô thị, xử lý môi trường... cũng rất cần trong tương lai.

Bài và ảnh: K.N

;
.
.
.
.
.