.

Nở rộ trung tâm lưu trú

.

Do quá tải học sinh, một số trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu chọn giải pháp không tổ chức bán trú, cắt giảm các lớp học 2 buổi/ngày còn 1 buổi. Nắm bắt cơ hội này, giới kinh doanh nhanh chân mở các trung tâm lưu trú đón học sinh học 1 buổi/ngày về trung tâm để quản lý, tổ chức dạy thêm buổi thứ 2, với mức thu mỗi tháng không dưới 1 triệu đồng/học sinh. Dịch vụ này giúp nhiều người ăn nên làm ra, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất an đối với học sinh.

l Xe của Trung tâm  quản lý KTX và giáo dục chất lượng cao First Friends đón học sinh tại cổng Trường tiểu học Hoàng Văn thụ.
Xe của Trung tâm quản lý KTX và giáo dục chất lượng cao First Friends đón học sinh tại cổng Trường tiểu học Hoàng Văn thụ.

Đua nhau mở trung tâm lưu trú

Hiện nay trên địa bàn quận Hải Châu có gần 10 trung tâm lưu trú đang hoạt động khá rầm rộ (gọi tắt trung tâm). Vào mỗi trưa hằng ngày, ô-tô của trung tâm đến cổng trường đón học sinh học 1 buổi về ăn uống nghỉ ngơi để tiếp tục học thêm vào buổi chiều.

Tại Trường tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu), cứ vào giờ tan trường buổi sáng, xuất hiện nhiều ô-tô đón học sinh đưa về Trung tâm Viên Thảo trên đường Phan Kế Bính. Về đây, học sinh được ăn uống, nghỉ ngơi buổi trưa, sau đó học thêm ca chiều. Một phụ huynh có con học ở đây cho biết, nhà trường không tổ chức học 2 buổi/ngày, vợ chồng anh không đưa đón con về nhà được, hơn nữa, đưa cháu về nhà cũng không có người giữ, nên anh chọn giải pháp gửi con ở trung tâm lưu trú để có người quản lý, cháu học thêm. Mỗi tháng vợ chồng anh phải đóng hơn 1 triệu đồng.

Thấy dịch vụ trung tâm lưu trú dành cho học sinh tiểu học ăn nên làm ra, đầu năm học 2012-2013, nhiều trung tâm lưu trú đua nhau thành lập để nhận học sinh tiểu học ở các trường có lớp tổ chức dạy 1 buổi/ngày. Trung tâm First Friends (số 77 Nguyễn Tất Thành) được thành lập trên cơ sở cải tạo lại ngôi nhà 3 tầng trước đây của một người dân. Sáng 18-9, ông Lê Văn Tùng, chuyên viên Phòng GD-ĐT quận Hải Châu, phụ trách công tác cấp phép cho các trung tâm lưu trú trên địa bàn quận khẳng định, Trung tâm First Friends chưa được Phòng GD-ĐT cấp giấy phép hoạt động.

Dù chưa được cấp giấy phép, nhưng thời gian qua, Trung tâm First Friends vẫn tổ chức cho học sinh của Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ về ăn ở, học thêm trong buổi chiều hằng ngày, với mức tiền gần 1,4 triệu đồng/học sinh/tháng. Một phụ huynh có con học lớp 1 tại Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ kể, cách đây mấy hôm, con chị đi học về đưa một bảng báo giá của Trung tâm First Friends và nói cô giáo chủ nhiệm gửi về cho ba mẹ xem, rồi đăng ký đi học. Theo phụ huynh này, lúc đầu thấy mức tiền phải đóng nhiều quá, vợ chồng chị ngần ngừ. Nhưng suy đi nghĩ lại, vì cô giáo chủ nhiệm gửi bảng báo giá, nên vợ chồng chị đăng ký cho con.

Theo ghi nhận của chúng tôi, dù khuôn viên, phòng ốc chật hẹp, các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy không bảo đảm, nhưng hầu hết các trung tâm lưu trú đều cố tìm cách “hút” thật nhiều học sinh để tăng nguồn thu nhập. Và đáng lo ngại hơn, nhiều trung tâm hoạt động chưa được cơ quan chủ quản cấp giấy phép. Chẳng hạn như ở địa bàn quận Hải Châu, tính đến ngày 17-9, có gần 10 trung tâm đang hoạt động, nhưng chỉ có 4 trung tâm được cấp phép gồm: Win, Viên Thảo, Thành Tài, Tài năng Việt.

Bữa trưa của học sinh ở Trung tâm lưu trú và giáo dục Viên Thảo. Phòng ăn của học sinh bố trí chung nơi để xe; trong giờ học sinh ăn lại quét dọn, không bảo đảm vệ sinh môi trường.
Bữa trưa của học sinh ở Trung tâm lưu trú và giáo dục Viên Thảo. Phòng ăn của học sinh bố trí chung nơi để xe; trong giờ học sinh ăn lại quét dọn, không bảo đảm vệ sinh môi trường.

Giải quyết vấn đề từ gốc

Trung tâm lưu trú ra đời ào ạt và có đất sống bắt nguồn từ nguyên nhân quá tải do nạn “chạy trường” ở một số trường tiểu học. Việc “chạy trường” đã làm quy mô trường lớp bị quá tải nặng nề ở các Trường tiểu học Phù Đổng, Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ. Theo ông Nguyễn Tăng Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng, quy mô nhà trường chỉ có 30 lớp học, nhưng những năm qua, do nạn chạy trường bằng hộ khẩu và gửi gắm bằng thư tay, nên số lớp học của trường luôn ở mức hơn 50 lớp. Chẳng hạn, năm học 2012-2013, trường có đến 70 lớp, với 2.990 học sinh. Trước tình thế trên, để có chỗ học cho các em, trường chỉ tổ chức cho 13 lớp (446 học sinh) học 2 buổi/ngày, còn 57 lớp (2.544 học sinh) học 1 buổi/ngày. Cũng theo ông Nguyễn Tăng Hoa, muốn học sinh nhà trường đều được học 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú như trước, các cơ quan chức năng phải tìm ra giải pháp giảm quy mô lớp, sĩ số học sinh cho phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất nhà trường hiện nay.

Còn theo ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT, để hạn chế tình trạng quá tải ở một số trường trên địa bàn quận Hải Châu như hiện nay, Sở GD-ĐT đã làm việc với UBND quận Hải Châu đề ra các biện pháp ngăn chặn nạn nhập hộ khẩu cho trẻ em với mục đích “chạy trường”, đồng thời cải thiện cơ sở vật chất ở các trường quá tải để bảo đảm chỗ học cho học sinh.

Đối với các trung tâm lưu trú đang hoạt động hiện nay, ông Lê Trung Chinh cũng nhìn nhận, ngoài chức năng lưu trú, các trung tâm này cũng tổ chức ôn tập, dạy thêm cho học sinh. Về vấn đề này, trách nhiệm kiểm tra, quản lý thuộc về UBND quận Hải Châu và Phòng GD-ĐT quận, bởi đây là địa phương chịu trách nhiệm cấp giấy phép hoạt động. Tuy vậy, Sở GD-ĐT cũng đã trình UBND thành phố Đà Nẵng ban hành quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố, để quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.