.
Nhìn ra thế giới

Câu chuyện của một đại học tư lý tưởng thời Minh Trị Duy tân

.

Đại học Waseda, nơi tôi đang làm việc, cuối năm ngoái vừa kỷ niệm 130 năm ngày thành lập. Nhân dịp này đọc lại tư liệu, sách vở về bối cảnh ra đời và tâm huyết của những người sáng lập thời đó tôi không khỏi xúc động, và hiểu được vì sao đại học này có được vị trí xã hội như ngày hôm nay.

Tượng Okuma Shigenobu, người sáng lập Đại học Waseda trong khuôn viên nhà trường. 			Ảnh: Internet
Tượng Okuma Shigenobu, người sáng lập Đại học Waseda trong khuôn viên nhà trường. Ảnh: Internet

Okuma Shigenobu (Đại Ôi Trọng Tín, 1838-1922), người sáng lập Đại học Waseda, là một chính khách tầm cỡ thời Minh Trị Duy tân. Ông là một trong mấy lãnh đạo cấp cao nhất của thời này nên đã để lại nhiều dấu ấn trong việc tổ chức chính quyền và xây dựng đất nước. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Tài chánh, Bộ trưởng Ngoại giao và hai lần làm Thủ tướng (1898 và 1914). Phan Bội Châu, người khởi xướng Phong trào Đông Du, đã gặp Okuma tại Tokyo và được giúp nhiều ý kiến trong đó đặc biệt là được khuyên nên lo việc đào tạo nhân tài trước khi nghĩ đến chuyện khởi nghĩa chống Pháp. Sau đó cụ Phan đã nỗ lực tổ chức gửi thanh niên Việt Nam sang Nhật học. Ngoài các dấu ấn trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế, Okuma đặc biệt quan tâm việc đào tạo nhân tài và do đó mà Đại học Waseda ra đời.

Do có đối lập trong nội bộ lãnh đạo, Okuma tạm thời ra khỏi chính quyền vào năm 1881. Lúc đó ông nghĩ đến giai đoạn phát triển sắp tới của Nhật mà điểm trụ cột là xây dựng chế độ quân chủ lập hiến. Lúc đó mới có quân chủ chứ chưa có những tiền đề để xây dựng thể chế lập hiến. Nhật sẽ phải ban bố Hiến pháp và tổ chức tổng tuyển cử. Okuma thấy rằng những sự kiện đó đối với người Nhật hoàn toàn mới lạ, nhất là việc ứng cử, bầu cử, làm sao để có những người được bầu ra hiểu được vai trò lập pháp của mình. Với suy nghĩ đó, Okuma thấy là phải lập một đại học nhằm giáo dục về chính trị, luật pháp và kinh tế để khai dân trí theo hướng đó. Hơn nữa, giáo dục bậc đại học còn sơ khai, nhu cầu đào tạo nhân tài nói chung rất lớn nên việc lập thêm đại học là cần thiết.

Trong việc xúc tiến lập đại học, Okuma chủ trương lập đại học tư vì ông cho rằng đại học tư được nhiều tự do trong nghiên cứu, giáo dục, dễ áp dụng phương châm mà ông cho là lý tưởng. Okuma đã quy tụ được nhiều trí thức và cựu quan chức giỏi có cùng lý tưởng giáo dục, trong đó người cộng sự đắc lực nhất là Ono Azusa (1852-1885). Ono lúc đó là một trí thức trẻ, từng du học ở Mỹ và Anh, vừa là người yêu nước, có lòng tự hào dân tộc cao, vừa thấm nhuần những giá trị của xã hội dân chủ pháp trị. Đại học mà Okuma và Ono lập ra năm 1882 lúc đầu có tên là Trường Chuyên môn Đông Kinh, có 3 khoa là kinh tế chính trị, luật và toán lý. Lúc đó ở Nhật chỉ có một đại học là Đại học Quốc lập Tokyo. Các trường khác tuy phương châm và nội dung giáo dục gần như một đại học nhưng vì quy mô nhỏ và cơ sở vật chất chưa đủ tiêu chuẩn nên chưa gọi là đại học. Trường Chuyên môn Đông kinh cũng nằm trong số đó, tuy sinh viên trong 3 khoa nói trên phải học 3 hoặc 4 năm mới tốt nghiệp. Dưới đây ta thử tóm tắt mục đích thành lập, phương châm hoạt động và không khí của xã hội trong ngày lễ sáng lập Trường Chuyên môn Đông kinh để thấy lý tưởng, tinh thần trách nhiệm cao độ cũng như trí tuệ của những người thành lập trường.

Thứ nhất, lý tưởng của đại học được thể hiện bằng ba phương châm cơ bản. Một là nghiên cứu khoa học, học thuật, tư duy phải được tự do, độc lập; tinh thần của người dạy và người học là tự do, là độc lập với chính trị, với ảnh hưởng từ bên ngoài. Hai là đem học vấn vận dụng vào đời sống để xây dựng xã hội, đất nước. Ba là đào tạo những công dân mô phạm, tức là lớp người tài đức để gánh vác việc nước. Trong buổi lễ sáng lập trường, Ono Azusa đã triển khai các ý trên trong bài diễn văn sau đó trở thành nổi tiếng. Ông nói về phương châm thứ nhất như sau: Một nước độc lập là nước có những người công dân có tinh thần độc lập mà tinh thần đó có được nhờ có độc lập về học vấn, về tư duy. Ông cho rằng trước đây Nhật Bản du nhập văn hóa, ngôn ngữ, khoa học từ Trung Quốc, bây giờ du nhập văn minh, khoa học từ Tây phương, tuy việc du nhập ấy là cần thiết nhưng nếu Nhật không chú ý bồi dưỡng, xây dựng tinh thần độc lập cho công dân mình qua giáo dục, qua học thuật thì khó có độc lập về kinh tế, chính trị trên vũ đài quốc tế (lúc đó Nhật đang chịu thiệt thòi trên trường quốc tế, không được độc lập hoàn toàn về chính trị và kinh tế vì phải ký các hiệp ước bất bình đẳng với các nước Âu Mỹ). Hồi đó, các môn học về luật, kinh tế, thương mại ở Đại học Tokyo và nhiều trường cao đẳng được dạy bằng tiếng Đức, tiếng Anh. Nhưng Trường Chuyên môn Đông Kinh là cơ quan giáo dục duy nhất chủ trương phải dạy bằng tiếng Nhật, muốn cho sinh viên tiếp thu văn hóa, học thuật nước ngoài bằng tiếng nước mình để nuôi dưỡng tinh thần độc lập.

Ba phương châm cơ bản nầy được gọi là ba giáo chỉ, cho đến bây giờ vẫn được Đại học Waseda gìn giữ, tuy nội dung có biến đổi cho hợp với từng thời đại.

Thứ hai, chất lượng đào tạo được chú trọng ngay từ đầu. Trong niên khóa đầu tiên trường chỉ nhận có 80 sinh viên vì điều kiện trường ốc và số giáo sư giảng dạy trong biên chế còn hạn chế; để đảm bảo chất lượng, chủ trương của những người sáng lập là  không thể nhận nhiều hơn. Thêm nữa, trường chủ trương chỉ nhận những sinh viên giỏi và có hoài bão lớn. Số giáo sư, giảng viên chuyên trách lúc đó là 8 người, do đó tỉ lệ thầy giáo/sinh viên là 1/10. Riêng con số đó nói lên chất lượng giáo dục của một đại học tư mới ra đời.

Thứ ba, tuy khởi đầu bằng quy mô rất nhỏ như thế nhưng được xã hội quan tâm, sự quan tâm ngoài sức tưởng tượng của ta. Trước mặt 80 sinh viên trong buổi lễ sáng lập trường là hàng trăm (có đến gần 500!) khách mời toàn là những nhân vật quan trọng ở các giới, kể cả các chính khách, các nhà văn hóa nổi tiếng. Trong số khách tham dự có Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch Dụ Cát), nhà tư tưởng vĩ đại đã đưa ra thuyết Thoát Á nhập Âu làm chiến lược cận đại hóa Nhật Bản. Không khí trong ngày lễ sáng lập sôi nổi như vậy một phần là vì phương châm, lý tưởng giáo dục của những người sáng lập được đánh giá cao, một phần phản ảnh sự quan tâm của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục của một nước đang khẩn trương chuẩn bị bước vào thời cận đại hóa. Một đại học tư nhưng được xã hội xem như là của chung cần được khuyến khích, yểm trợ.

Ảnh: TRIỆU VĂN
Ảnh: TRIỆU VĂN

Thứ tư, vì mục tiêu là đón nhận những sinh viên giỏi, có hoài bão, không kể thành phần xuất thân, và để khuyến khích con nhà nghèo hiếu học, trường đã quy định mức học phí rất thấp, thấp hơn cả Đại học công lập Tokyo. Vì học phí thấp nên lương của giáo sư, giáo viên rất thấp. Nhưng trường đã quy tụ được nhiều giáo sư giỏi, họ đến vì lý tưởng giáo dục, sẵn sàng nhận mức lương bằng nửa lương của quan chức chính phủ. Vì học phí thấp và phải đầu tư mở rộng trường ốc nên những người sáng lập trường phải vừa vận động đóng góp ngoài xã hội vừa tự mình đóng góp bằng tài sản riêng. Riêng Okuma Shigenobu đã bán tư dinh của mình cho chính phủ Pháp (dùng làm cơ quan lãnh sự) để tặng không cho nhà trường.

Từ khởi đầu với 80 sinh viên, Trường Chuyên môn Đông Kinh sau đó phát triển thành một đại học, từ năm 1902 có tên là Đại học Waseda, một trong hai đại học tư nổi tiếng ở Nhật. Hiện nay đại học có 11 khoa, với tổng số sinh viên khoảng 50.000. Trong số sinh viên tốt nghiệp đã có 7 người làm thủ tướng (nhiều nhất trong các đại học ở Nhật) và nhiều người nổi tiếng khác trong chính giới, tài giới, ngôn luận, văn đàn, v.v...

TRẦN VĂN THỌ

;
.
.
.
.
.