.

Để thi tốt nghiệp đạt kết quả cao

.

Khoảng một tháng nữa sẽ bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 với 8 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Làm thế nào để ôn tập và làm bài thi hiệu quả là điều học sinh quan tâm nhất hiện nay.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016.  Ảnh: K.N
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: K.N

Ngoài lưu ý chung: Hệ thống kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, quản lý thời gian làm bài, làm câu dễ trước, câu khó sau, làm câu nào chắc câu đó, làm đề thi thử tại nhà để tự kiểm tra kiến thức, đọc đề cẩn thận, trình bày rõ ràng, các thầy, cô giáo bộ môn còn chia sẻ một số lưu ý quan trọng khác:

* Cô Lê Thị Như Hạnh, giáo viên môn Văn, Trường THPT Phan Châu Trinh:

Ngoài ôn đúng trọng tâm kiến thức, các em phải rèn luyện kỹ năng làm bài. Cụ thể, đối với câu đọc hiểu, cần nắm kỹ lý thuyết các loại văn bản, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ, cách nêu nội dung chính... Với câu nghị luận xã hội, nắm kỹ lý thuyết kiểu bài; đặc biệt phải nắm bắt các vấn đề xã hội, vấn đề dư luận đang quan tâm bằng cách theo dõi phương tiện thông tin đại chúng, nhằm có lý lẽ, dẫn chứng thuyết phục, hấp dẫn. Với câu nghị luận văn học, việc cảm nhận vẻ đẹp của tác phẩm rất quan trọng..

* Cô Nguyễn Thị Tố Uyên, giáo viên môn Toán, Trường THPT Phan Châu Trinh:

Cần ôn tập kỹ các công thức toán học, tránh nhầm lẫn, đặc biệt nhầm lẫn giữa đạo hàm và nguyên hàm. Đừng chủ quan bỏ qua các câu dễ mà chỉ tập trung làm các câu khó. Đối với các dạng toán khó nên học nhiều phương pháp giải để khi cần có thể kết hợp nhuần nhuyễn với nhau. Đừng lệ thuộc quá nhiều vào máy tính. Đối với câu cuối cùng (thường là câu khó nhất trong đề thi), nếu cảm thấy không tự tin thì các em nên bỏ qua, dành thời gian làm thật tốt các câu ở trên, sau đó hãy quay lại nếu còn thời gian.

* Cô Ngô Bùi Cẩm Hiền, giáo viên môn Anh văn, Trường THPT Trần Phú:

Cần tập trung vào thế mạnh ngữ pháp, trau dồi từ vựng, nhóm từ. Phần viết chú trọng những chủ đề trong chương trình lớp 12, tiếp theo là những nội dung liên quan đến đời sống hằng ngày như: bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh…

Phần đọc hiểu nên tập trung tìm vào các từ khóa trong câu hỏi rồi đối chiếu với bài đọc đề tìm câu trả lời, đừng cố tìm hiểu chi tiết nội dung. Nên lựa chọn câu hỏi và đáp án phù hợp với nội dung để hoàn thành, không nhất thiết làm theo thứ tự câu hỏi.

Không được đọc lướt ý của câu hỏi mà không chú trọng vào nghĩa phủ định của các từ, dẫn đến việc hiểu nhầm nội dung câu hỏi. Những dạng câu hỏi này hay xuất hiện phần phủ định ở cuối câu dùng với liên từ. Trong phần viết, nên dựa trên những ý chính được đưa ra từ phần gợi ý để xây dựng bài, tiết kiệm thời gian.

*  Thầy Trương Công Xuân Tịnh, giáo viên môn Lý, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn:

Thực hành nhiều thí nghiệm và tham khảo tài liệu như: Tạp chí vật lý tuổi trẻ với chuyên đề về thực hành, bài thực hành trong sách giáo khoa… Các em nên dùng phương pháp đặc trưng của từng chuyên đề, chẳng hạn trong cơ học điều hòa điện xoay chiều phải dùng phương pháp giản đồ vec-tơ Fresnal.

* Thầy Lê Văn Hoàng, giáo viên môn Hóa, Trường THPT Trần Phú:

Cần sử dụng thành thạo các định luật bảo toàn: electron, điện tích, khối lượng; nhận diện những dạng toán thường gặp (nhiệt nhôm, oxy hóa khử, hydrocacbon, este, peptit…) và phương pháp giải của từng dạng (quy đổi, ghép ẩn, công thức…). Trong thời gian đợi phát đề, viết công thức khó nhớ ra nháp. Khi bắt tay vào làm, hoàn thành trước các câu hỏi lý thuyết và bài tập cơ bản. Nếu cẩn thận viết ra giấy cách giải tỉ mỉ thì sẽ rất tốn thời gian. Với 50 câu hỏi, chỉ trong 90 phút, hãy nhẩm trong đầu hoặc tốc ký ra nháp, không cần theo từng bước giải mà chỉ cần ngắn gọn, dễ hiểu, tránh làm mất thời gian.

* Cô Nguyễn Thị Thu Ba, giáo viên môn Sinh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn:

Đọc hết đề sẽ khó đủ thời gian, nên đọc kỹ từng câu hỏi. Đối với những câu có bài tập thì vừa đọc vừa ghi các công thức liên quan để đỡ tốn thời gian khi giải bài. Tránh dừng lại quá lâu ở một số câu nào đó, gạch chân những từ đặc biệt trong câu dẫn để chọn đáp án đúng. Chú ý những câu đếm (tức là hãy chọn tất cả những đáp áp đúng) vì dễ sót.

* Thầy Phan Văn Quang, giáo viên môn Sử, Trường THPT Trần Phú:

Cần lựa chọn tài liệu học tập đáng tin cậy như:  “Tài liệu ôn tập Lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 2000 của PGS, TS Vũ Quang Hiển, sách giáo khoa Lịch sử 12 (Cơ bản), chuẩn kiến thức kỹ năng... Khi sử dụng các loại tài liệu này người học cần chú ý: Nội dung giảm tải là nội dung không nằm trong chương trình thi; khả năng ra lại câu hỏi năm vừa rồi là rất hiếm, từ đó lựa chọn phần nào cần học. Trong quá trình học cần chia từng giai đoạn lịch sử để nắm bắt được nội dung chính, sử dụng sơ đồ tư duy để thiết lập sơ đồ học tập. Người học cũng cần lập bảng tóm tắt niên biểu về những sự kiện chính trong mỗi giai đoạn để hệ thống hóa kiến thức, giúp nhớ lâu, hiểu sâu.

Điều cốt yếu phải nắm được mối quan hệ giữa các vấn đề lịch sử, các sự kiện lịch sử có mối quan hệ biện chứng với nhau, những cái chung và cái riêng trong từng sự kiện. Ngoài ra, việc đánh giá, phân tích, nhận định một sự kiện là vô cùng cần thiết. Đề thi thường ít khi hỏi vụn vặt, quá chi tiết nên các em không học vẹt mà phải chọn lọc kiến thức, nắm các sự kiện và mô tả, đánh giá, nhận xét được vấn đề. Kết thúc mỗi câu trả lời cần thể hiện chính kiến của mình trong việc phân tích, đánh giá và liên hệ thực tế (nếu có) trong giai đoạn hiện nay.

* Cô Đinh Thị Nga, giáo viên môn Địa, Trường THPT Trần Phú:

Đối với biểu đồ, phải xác định được các dạng biểu đồ rồi mới đến các bước xử lý số liệu, vẽ biểu đồ. Nhận xét các dạng biểu đồ khác nhau nhưng theo nguyên tắc: nhận xét chung, nhận xét từng phần, sau đó tổng kết. Đối với Atlat, phải nắm chắc ký hiệu, sử dụng theo đúng yêu cầu của câu hỏi, đồng thời biết khai thác biểu đồ, bảng số liệu trong Atlat. Những lỗi học sinh thường gặp là: thiếu tên biểu đồ, thiếu chú giải, không điền số liệu vào biểu đồ, không ghi tên đơn vị tính hoặc chia khoảng cách thời gian sai.

KIM NGÂN ghi

;
.
.
.
.
.