.

Nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên: Cần có "lửa" đam mê

.

Đó là nội dung được đưa ra tại tọa đàm “Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong học sinh, sinh viên”, được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức sáng 8-5.

Các bạn trẻ tham gia buổi tọa đàm.
Các bạn trẻ tham gia buổi tọa đàm.

Phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) đã và đang được học sinh, sinh viên (HS, SV) tại các trường ĐH, CĐ, THPT trên địa bàn thành phố tham gia sôi nổi, nhiệt tình. Không ít đề tài được các giải thưởng cao, “thổi” được niềm đam mê cho HS, SV vào lĩnh vực NCKH.

Điển hình như đề tài “Chế tạo và lắp đặt thiết bị sấy bánh tráng tận dụng nhiệt thải từ lò bánh tráng cho các hộ dân ở Đại Lộc (Quảng Nam)” của nhóm SV Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) chế tạo thành công hệ thống sấy bánh tráng giúp tiết kiệm nhiệt để phơi bánh thủ công trong mùa mưa và giảm bớt nhân công. Đề tài này đoạt giải nhất Cuộc thi NCKH cấp trường và đoạt giải thưởng Holcim Prize 2015.

Đề tài “Năng lượng xanh” của các em HS Trường THPT Phan Châu Trinh đoạt giải nhất cuộc thi Khoa học và kỹ thuật (KH&KT) cấp thành phố, giải ba cuộc thi KH&KT cấp quốc gia khu vực phía Nam. Đề tài “Phần mềm cẩm nang sơ cứu học đường” của HS Ngô Tiểu My (quận Cẩm Lệ) đoạt giải ba cuộc thi KH&KT thành phố, giải khuyến khích cuộc thi sáng tạo KH&KT lần thứ 13 toàn quốc…

Theo ông Huỳnh Văn Ngộ, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN, việc HS, SV tham gia NCKH đã giúp các em phát huy được tính sáng tạo, trang bị cho các em những kỹ năng mềm cần thiết như khả năng tư duy, làm việc nhóm, khả năng tổng hợp, phân tích…

Mặt khác, khi tham gia các cuộc thi về KH&CN, nếu các em có sản phẩm tốt sẽ được đưa vào ứng dụng và góp phần nhỏ lợi ích cho xã hội. Theo ông Nguyễn Lê Hùng, Phó Ban KH&CN, ĐH Đà Nẵng, NCKH được nhà trường chọn là hoạt động trọng tâm, tập trung nhiều SV tham gia. Qua các cuộc thi, nhiều đề tài, giải thưởng mang lại giá trị khoa học và tính thực tiễn.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí hạn hẹp, tài liệu nghiên cứu, khả năng ngoại ngữ của HS, SV còn hạn chế cũng là những khó khăn mà các HS, SV tham gia NCKH đang gặp phải.

SV Nguyễn Thị Hà, đại diện nhóm tác giả đề tài “Chế tạo và lắp đặt thiết bị sấy bánh tráng tận dụng nhiệt thải từ lò bánh tráng” cho biết, một trong những khó khăn khi thực hiện đề tài là việc khó tìm kiếm tư liệu. Ngay khi sản phẩm đã hoàn thành, giữa lý thuyết và thực tế khác nhau khiến nhóm phải mất nhiều thời gian và công sức để chỉnh sửa và hoàn thiện sản phẩm.

Em Tiểu My cho biết thêm, vì đang là học sinh lớp 9 nên việc phân bổ thời gian để vừa học vừa tham gia NCKH rất khó. Từ việc hình thành ý tưởng đến hoàn thiện đề tài tạo được sự thuyết phục là cả một quá trình gian nan.

Những năm gần đây, các sở, ban, ngành, các trường học và hội, đoàn thể đã có những chính sách quan tâm đầu tư cho NCKH, song, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Theo ông Hùng, để NCKH thực sự hiệu quả, khi có ý định tham gia NCKH, các SV cần xác định tốt và đúng hướng vấn đề cần nghiên cứu, lên đề cương, trình bày, viết báo cáo, lấy tư liệu…

Ngoài ra, SV cũng cần tích cực tham gia các CLB tiếng Anh để trau dồi ngoại ngữ; dám chấp nhận thất bại, biết đam mê và dám dấn thân vào NCKH. Về kinh phí, HS, SV có thể tìm các nguồn tài trợ từ doanh nghiệp hoặc kinh phí từ các chính sách hỗ trợ KHCN của thành phố.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.