Mùa tuyển sinh đầu cấp lại bắt đầu, trong đó “nóng” nhất vẫn là hệ mầm non với nhu cầu học luôn cao hơn số trường công lập hiện có.
Không dễ để các bé có một suất học tại trường mầm non công lập. Trong ảnh: Giờ ăn của các bé ở Trường mầm non Bạch Dương, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Là trường chuẩn quốc gia mức độ 1 nên cứ đến mùa tuyển sinh, Trường mầm non Tuổi Thơ (quận Hải Châu) luôn có đông phụ huynh đến đăng ký. Bà Đặng Thị Tuyết Hồng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện nay trường đã nhận 330 hồ sơ, gần đủ chỉ tiêu được giao và không nhận thêm. Ngoài ra, có một số trường hợp không đủ tiêu chuẩn nên trường cũng không nhận.
Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu cho biết, bậc học mầm non bắt đầu tuyển sinh từ ngày 20-6. Hiện nay, hệ thống các trường mầm non công lập không thể nhận hết học sinh trong tuyến nên ai đến trước nhận trước, ai đến sau hết chỗ thì có trong tuyến cũng không nhận. Theo thống kê, trên địa bàn quận hiện có 16 trường mầm non công lập, trong khi số trường dân lập, tư thục là 29.
Theo bà Hà, trường mầm non không thể nhận quá chỉ tiêu bởi phụ thuộc vào cơ sở vật chất từng đơn vị và phải bảo đảm việc chăm sóc các cháu nhỏ. Có trường chỉ 6 nhóm lớp như Ngọc Lan, 12 nhóm lớp như Hoàng Lan, nơi có nhiều nhóm lớp nhất hiện nay là Trường mầm non 20-10 với 12 nhóm lớp. “Theo quy định, trong trường mầm non, lớp nhà trẻ chỉ có 25 em/nhóm lớp, mẫu giáo 30-35 em/nhóm lớp. Mỗi nhóm lớp không thể nhận quá nhiều như tiểu học”, bà Hà nói.
Không chỉ các trường mầm non ở địa bàn trung tâm như quận Hải Châu không đáp ứng đủ nhu cầu học của trẻ, mà tại các quận xa hơn, tình trạng thiếu trường mầm non công lập cũng diễn ra. Quận Ngũ Hành Sơn có 15 trường mầm non thì công lập chỉ có 6 trường, chưa quá nửa so với nhóm trường dân lập, tư thục. 6 trường công lập trên địa bàn này có tổng cộng 57 nhóm lớp, đủ tiếp nhận khoảng 1.690 em, trong khi nhu cầu trẻ cao gấp đôi số đó.
Tại Trường mầm non Bạch Dương (quận Ngũ Hành Sơn), cô Dương Thị Thu Hà, Hiệu trưởng cho biết, hiện nhà trường cũng đã tuyển đủ 120 bé để bổ sung vào số 136 em mới ra trường. Khi đang tiếp chúng tôi trong phòng khách, một số phụ huynh đến chờ ngoài cửa để xin cho con học nhưng cô Hà đành trao đổi thẳng thắn là hết chỉ tiêu. Cô Hà phân trần: “Khổ thế đó, nhu cầu gửi các em rất nhiều. Hiện giờ vẫn có không ít phụ huynh đến năn nỉ, thậm chí làm khó nhà trường, trong đó có những em đúng tuyến nhưng chúng tôi không thể nhận vì số lượng tiếp nhận có hạn”. Để linh động giải quyết tình hình thiếu lớp, trường sử dụng 2 phòng chức năng là phòng truyền thống và phòng vi tính làm phòng học cho các bé. Ngoài ra, phòng chức năng của nhà trường được sử dụng tối đa công suất là vừa dạy nhạc, vẽ và dạy cả aerobic… để tiết kiệm diện tích. Nhà trường cũng xin bổ sung giáo viên để bảo đảm việc chăm sóc các cháu.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, thành phố hiện có khoảng 178 trường mầm non, trong đó có hơn 60% trường ngoài công lập. Ngoài ra, còn có khoảng hơn 400 nhóm lớp độc lập tư thục. Chiếm số lượng nhiều hơn trường công lập nhưng các trường dân lập, tư thục tại Đà Nẵng vẫn “sống khỏe”, mặc dù học phí khá cao, dao động từ 2 – 3,4 triệu đồng/tháng, gấp đôi so với mức học phí của trường công. Tại một số trường mầm non tư thục có “thương hiệu”, việc xin cho con vào học cũng không dễ.
Nhà ở quận Sơn Trà nhưng công tác tại quận Hải Châu, chị Mai Thị Nga (35 tuổi) cho biết phải gửi con vào một trường tư thục (ở đường Lý Tự Trọng, quận Hải Châu) cho tiện đường đưa đón. “Xin vào trường công lập quá khó nếu không đúng tuyến. Cho con vào trường tư thục cho khỏe. Mặc dù học phí hơi cao nhưng các cô chăm sóc cũng khá kỹ”, chị Nga thổ lộ. Tuy nhiên, vì học phí cao so với các trường công lập nên không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện cho con học trường tư thục. “Hai vợ chồng mình thu nhập chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng. Do vậy, phải cố gắng xin cho con học công lập hoặc không được thì gửi nhóm trẻ gia đình gần nhà với mức phí chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Biết như vậy không yên tâm lắm nhưng nếu học tư thục thì 2 đứa cũng “bay” luôn suất lương”, chị Lê Thị Thủy (ở quận Hải Châu) chia sẻ.
PHƯƠNG TRÀ