.

Thầy Nguyễn Ngọc Phương: "Học trò tiếp cho tôi niềm đam mê nghề giáo"

.

“Tròn 34 năm đứng trên bục giảng, hơn 12 năm giảng dạy ở Trường THPT Phạm Phú Thứ (Đà Nẵng), chính sự chăm ngoan, ham học hỏi của học trò ở vùng ven còn nghèo khó này đã gắn bó ân tình, là nguồn năng lượng tiếp sức cho niềm đam mê nghề giáo trong tôi”, thầy Nguyễn Ngọc Phương, Tổ trưởng tổ Toán - Tin, bộc bạch.

12 năm qua, thầy Nguyễn Ngọc Phương thầm lặng cùng đồng nghiệp chắp cánh cho học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số nuôi dưỡng ước mơ vào giảng đường.
12 năm qua, thầy Nguyễn Ngọc Phương thầm lặng cùng đồng nghiệp chắp cánh cho học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số nuôi dưỡng ước mơ vào giảng đường.

Với phong thái giản dị, chân thành và cởi mở, thầy Nguyễn Ngọc Phương đem đến cảm giác gần gũi cho người đối diện từ lần gặp đầu. Thầy không nói nhiều về mình, khiêm tốn khi nhắc đến niềm vinh dự là 1 trong 20 nhà giáo được vinh danh giải thưởng Võ Trường Toản - giải thưởng lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng để tôn vinh những nhà giáo lặng thầm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục ở mảnh đất này.

Thầy Phương chia sẻ: “Mình chỉ là người làm tốt định hướng của nhà trường, kết nối kiến thức cho học trò. Nghề giáo là nghề phải biết truyền cảm hứng cho học sinh nhưng đồng thời với đó, học trò cũng chính là nguồn cảm hứng cho mình có những tiết dạy thăng hoa”.

Thầy Phương tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Cần Thơ và vào nghề năm 1982. Hơn 20 năm dạy học ở miền Tây, đến năm 2004, thầy về quê, nhận công tác giảng dạy tại Trường THPT Phạm Phú Thứ. “Những năm đó, đa số các trường vùng ven đều khó khăn.

Đời sống bà con, trong đó có nhiều bà con đồng bào thiểu số rất vất vả nên việc quan tâm đầu tư cho con em ăn học chưa được như bây giờ. Học trò thiệt thòi hơn so với các bạn cùng trang lứa ở thành phố”, thầy Phương nhớ lại. Cũng từng trải qua những năm tháng đi học thiếu thốn nên thầy rất thương học trò nghèo.

Sau hai năm về trường, ngoài nhiệm vụ Tổ trưởng tổ Toán - Tin, thầy Phương được giao nhiệm vụ phụ đạo cho học sinh yếu, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số đang ở nội trú. Nhiệm vụ được giao cũng chính là nỗi trăn trở của thầy trong suốt thời gian đứng lớp nên thầy rất nhiệt tình trong công việc.

Ngoài giờ lên lớp chính khóa, thầy luôn theo sát học trò học phụ đạo. Phụ đạo ban ngày xong, thầy còn sắp xếp phụ đạo vào buổi tối. “Hồi đó đường sá không thuận tiện như bây giờ, từ nhà tôi đến trường khoảng 8 cây số nhưng không có đèn điện, đường đất, đá gập ghềnh, trời mưa gió đi rất vất vả nhưng thương học trò nên mình cứ chịu khó không bỏ buổi nào”, thầy kể.

Cùng đội ngũ giáo viên nhà trường, thầy Phương góp công giúp học trò nhiều năm liền có kết quả đỗ tốt nghiệp đạt xấp xỉ 80% trở lên, năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ học sinh đỗ đại học cũng theo đó tăng lên. Đơn cử như năm học 2015-2016, toàn trường có trên 50% học sinh đỗ đại học, trong đó có nhiều em học sinh dân tộc thiểu số.

Để học trò đạt kết quả tốt, thầy Phương đưa ra phương pháp phù hợp với đối tượng học sinh. Thầy cho biết: “Phương pháp của tôi là triển khai truyền đạt kiến thức theo hình xoắn ốc. Sắp xếp tầng kiến thức cơ bản theo hình thức càng vào vòng xoắn, kiến thức trọng tâm càng khắc sâu. Như vậy vừa giúp học trò nắm được bao quát kiến thức nền vừa nắm được phần trọng tâm nhất vào cận thời gian diễn ra kỳ kiểm tra, thi cử để tránh bị quên”. Nhiều học trò mê tiết dạy của thầy, dù chọn khối thi vào đại học không liên quan đến môn Toán nhưng vẫn học Toán rất say sưa.

“Dạy chữ phải đi đôi với dạy người. Để làm được điều đó, trước hết người thầy phải gương mẫu trong tác phong, cư xử”, thầy Phương chia sẻ. Với quan điểm đó, những tiết học của thầy không chỉ đơn thuần gói gọn trong kiến thức Toán học khô cứng, thay vào đó, thầy luôn lồng ghép cách cư xử, mẩu chuyện ứng xử, ví dụ hài hước và nhân văn. Môn Toán vốn khô khan với các con số trở nên sinh động, “mềm mại” thu hút học trò.

Không chỉ tận tụy với học trò, thầy Phương còn luôn chia sẻ với đồng nghiệp về phương pháp và cách làm, kinh nghiệm trong giảng dạy; đồng thời giúp đỡ những đồng nghiệp trẻ vừa nhận công tác hoàn thành nhiệm vụ. Thầy cho biết: “Để mang đến những thành quả đáng ghi nhận như ngày hôm nay ở một ngôi trường vùng ven, nơi có nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học là sự nỗ lực của cả tập thể, những nhà giáo lặng thầm vì sự nghiệp trồng người. Việc mình chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp, không ngoài tình yêu nghề, yêu học trò”.

Nhận xét về thầy Phương, ông Nguyễn Bá Hảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thầy Phương là một giáo viên rất mẫu mực trong công tác, tận tụy với nghề, được nhiều đồng nghiệp và các thế hệ học sinh yêu quý. Trong nỗ lực đưa học sinh vùng khó khăn, vùng ven tiếp cận kiến thức, kỹ năng, giảm dần khoảng cách với thành thị, thầy Phương có rất nhiều đóng góp, nhất là trong vai trò truyền đạt kiến thức và tạo cảm hứng học tập cho học sinh, tiếp thêm động lực cho các em nuôi giấc mơ vào giảng đường đại học”.

Bài và ảnh: THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.