.

Khi học trò làm "nhà sáng chế"

.

Ở độ tuổi được cho là “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhiều học sinh tại quận Thanh Khê chế tạo những sản phẩm có tính ứng dụng cao. Hoạt động này đang trở thành phong trào rộng khắp tại các trường trên địa bàn quận.

Cô Trương Thị Thu Thủy và hai tác giả đang giải thích nguyên lý cấu tạo của khóa chống trộm xe máy.
Cô Trương Thị Thu Thủy và hai tác giả đang giải thích nguyên lý cấu tạo của khóa chống trộm xe máy.

Chỉ cần 10.000 đồng là có thể sở hữu một chiếc khóa chống trộm xe máy do hai học sinh Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm sáng chế. Em Nguyễn Phan Tường Vy (lớp 8/4), tác giả chiếc khóa độc đáo này cho biết, mặc dù xe máy luôn có khóa nhưng vẫn thường xuyên bị mất cắp. Kẻ trộm chỉ cần 5 đến 10 giây để vô hiệu hóa các loại khóa từ, khóa cơ, khóa cổ, khóa càng… Trước thực tế đó, Tường Vy và bạn đồng hành Trần Diệu Thảo (lớp 8/3) nảy ra sáng kiến chế tạo thiết bị chống trộm dựa trên nguyên lý về điện của xe máy.

“Muốn máy xe nổ cần phải có tia lửa điện và xăng. Vậy muốn xe không nổ phải khống chế một trong hai yếu tố này. Tuy vậy, khống chế xăng là điều bất khả thi nên chỉ có thể khống chế dòng điện đánh lửa ở bugi”, Diệu Thảo nói. Để làm được điều đó, hai em phải nắm rõ về mạch điện của các loại xe gắn máy hiện nay và nhờ cô Trương Thị Thu Thủy, giáo viên dạy môn Vật lý hướng dẫn thêm để hoàn thiện sản phẩm.

Cô Thủy chia sẻ, với những thiết bị chống trộm xe máy thông thường, nếu ai đó đùa nghịch hoặc chỉ cần chạm nhẹ có thể khiến thiết bị kêu liên hồi, ảnh hưởng đến xung quanh. Trong khi đó, sản phẩm của hai em chỉ kêu khi xe khởi động nổ máy và bảo đảm tính bảo mật hơn so với các hệ thống chống trộm khác trên thị trường. Cô Thủy cho biết, sắp đến, cô và các em sẽ hướng đến tích hợp hệ thống công tắc từ xa và tích hợp hệ thống GPS định vị toàn cầu để tạo tính ưu việt hơn cho thiết bị.

Nếu Vy và Thảo trăn trở với thiết bị chống trộm thì Mai Xuân Hải, học sinh lớp 8/8 Trường THCS Chu Văn An mong muốn giải quyết các vấn đề về môi trường. “Bãi biển Đà Nẵng được bình chọn là một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Lượng khách du lịch đến đây rất lớn, lượng rác thải vì thế cũng không nhỏ”, Hải nói. Hằng ngày, em quan sát các cô chú công nhân làm việc rất vất vả để thu gom các loại rác như nắp chai, vỏ bánh kẹo, vỏ nghêu, sò, ốc, thuốc lá tại bãi biển. Từ đó, Mai Xuân Hải mạnh dạn đề xuất với thầy Trà Lam Khôi, giáo viên Trường THCS Chu Văn An để nhờ thầy hướng dẫn chế tạo dụng cụ thu gom rác hoặc một cỗ máy hỗ trợ công nhân thu gom rác nhanh chóng và hiệu quả trên bãi biển. Sau 6 tháng tìm tòi, bằng niềm say mê khoa học và được sự giúp đỡ tận tình của thầy, xe thu gom rác trên bãi biển của Hải hoàn thành.

Em Mai Xuân Hải cho biết, xe gom rác bãi biển “hàng ngoại” nhập về Việt Nam có giá trên 2 tỷ đồng/chiếc. Trong nước cũng có công ty nội địa sản xuất xe dọn rác bãi biển nhưng giá không dưới vài trăm triệu đồng/chiếc. “Dựa trên một số nguyên tắc vận hành của xe thông thường và kết hợp nguyên tắc cào rác của các dụng cụ thô sơ mà các cô chú công nhân đang sử dụng, em nghiên cứu, chế tạo xe thu gom rác bãi biển”, Hải thổ lộ. Chiếc xe của em chế tạo vừa có khả năng tự động xúc rác, vừa sàng lọc cát sạch trả lại bãi biển. Sau khi rác trong hộp đầy, các cô chú công nhân vệ sinh chỉ cần mang hộp rác đổ vào thùng lớn. Xe dọn rác của Hải còn hoạt động bằng chế độ thứ hai là mô-tơ 12V chạy bằng năng lượng từ ắc-quy sạc. Chế độ thứ hai này hiệu quả hơn nhưng tốn năng lượng điện tiêu thụ.

Ông Phạm Đình Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Khê cho biết, hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trở thành phong trào phát triển ở hầu khắp các trường THCS trên địa bàn. Nếu trước đây chỉ khoảng vài trường có học sinh tham gia thì nay 10/10 trường THCS hưởng ứng phong trào này. “Sản phẩm của các em đều có tính ứng dụng cao như: nước rửa chén, khóa chống trộm, xe gom rác… Năm trước, sản phẩm thùng rác hữu cơ và vô cơ của học sinh trên địa bàn được chọn để phổ biến trong toàn thành phố”, ông Phạm Đình Sơn cho hay.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.