.

Một người Nhật nặng lòng với Đà Nẵng

.

Lần đầu tiên Đại học Đà Nẵng phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự cho một người Nhật Bản: GS Takahashi Yoshiaki. Song, hơn cả một danh hiệu là tấm lòng của một người Nhật dành cho sinh viên Việt Nam suốt 20 năm...

GS Takahashi Yoshiaki trao học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).
GS Takahashi Yoshiaki trao học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

Tại khu dân cư trong con hẻm trên đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà), người ta quá quen thuộc với hình ảnh một ông già người Nhật cứ mỗi chiều thường lụi cụi đi vào khu chợ nhỏ gần đó để mua thức ăn cho buổi tối và ngày hôm sau. Mỗi khi qua đường, ông già có mái tóc bạc phơ lại đưa cả hai tay lên cao để xin đường, rồi lại hòa lẫn vào dòng người đông đúc giữa phố phường buổi chiều tà. Đó chính là GS Takahashi Yoshiaki đang dạy tình nguyện tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

Ở một mình trong ngôi nhà nhỏ thuê lại của một người dân địa phương, GS Takahashi vẫn lặng lẽ, khó nhọc tự vào bếp, tự chăm sóc bản thân. Ông quyết định ở Việt Nam trong 6 tháng và về Nhật Bản 6 tháng bởi ông yêu Việt Nam, yêu những sinh viên nghèo, ham học ở mảnh đất miền Trung này.

GS Takahashi bảo, ông thích món ăn Việt Nam, thích sống ở Việt Nam vì có nhiều nét tương đồng với quê hương ông, một làng quê ở phía Bắc Nhật Bản, bởi có đồng lúa, núi, sông và biển. Cách đây nhiều năm, GS Takahashi dạy ở Trường Đại học Chuo (Nhật Bản), là chuyên gia hàng đầu về ngành nhân sự và quản lý doanh nghiệp.

Năm 2013, khi nghỉ hưu, ông tình nguyện sang Việt Nam dạy và được Đại học Đà Nẵng mời giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế. Từng đến hơn 40 quốc gia trên thế giới nhưng ông bảo, Việt Nam vẫn là nơi ông muốn dừng lại lâu dài.

Bây giờ, ngày ngày, một người “học trò ruột” của ông hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế đến đưa ông đi làm bằng xe máy. Những buổi trao đổi của ông với sinh viên khoa Tiếng Nhật của Trường Đại học Kinh tế thường khá sôi nổi. Ông thường kể những câu chuyện về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Việt - Nhật và gửi gắm mong muốn về một đất nước Việt Nam thay đổi và phát triển hơn nữa, bắt đầu từ thế hệ sinh viên, những người trẻ tuổi.

Tại Thư viện Trường Đại học Kinh tế còn có một nơi được gọi là góc Nhật Bản. Nơi đây đang lưu giữ hơn 7.000 cuốn sách do GS Takahashi trao tặng. GS Takahashi rất quý sách và xem chúng như gia tài của mình. Mỗi cuốn sách đối với ông như một người bạn, một kỷ niệm gắn bó theo ông suốt cuộc đời. Từ khi còn trẻ, ông đã tiết kiệm tiền ăn hằng ngày để tìm mua những cuốn sách này. Cuộc sống của ông thời trẻ rất khó khăn. Bố ông mất sớm nên một mình mẹ phải nuôi 5 anh em ăn học. Ông học rất giỏi và được nhận học bổng nhiều năm liền khi học đại học, thạc sĩ...

Bây giờ, ông phải chuẩn bị về Nhật Bản sau 6 tháng ở Việt Nam. Và ông đã hoàn thành tâm nguyện là mở quỹ học bổng trị giá 1 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học của Trường Đại học Kinh tế. Ông bảo, ông học được là nhờ học bổng của chính phủ Nhật và tự đi làm để trang trải thêm. Bây giờ, ông mong muốn sẽ mang những thứ ông nhận được để trả lại cho xã hội bằng cách nào đó. Và ông đã chọn Việt Nam.

Nói về người bạn vong niên của mình, TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, GS Takahashi luôn cảm thông với sinh viên, đặc biệt là sinh viên nghèo, ham học. Theo TS Trần Văn Nam, quỹ học bổng của GS Takahashi có hạn nhưng tấm lòng, tình yêu thương thì không có giới hạn và sẽ được những thế hệ kế tiếp mở rộng, phát triển hơn nữa để không có sinh viên nào bỏ dở con đường học vấn vì nghèo khó.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.