.

Cẩn trọng với tư vấn du học - Bài 2: Lắm chiêu nhiều trò

.

Không khó tìm gặp những đơn vị tư vấn du học với những lời mời hấp dẫn trên địa bàn Đà Nẵng. Nhiều đơn vị treo băng-rôn giới thiệu các tuần lễ tư vấn du học với những suất học bổng trị giá từ 20-100%. Vậy đâu là sự thật?

Qua thông tin đăng ký, phóng viên liên hệ thì được biết, địa chỉ Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Tocom, tư vấn du học, tư vấn đầu tư lại là trụ sở của Ngân hàng TMCP Kiên Long - Chi nhánh  Đà Nẵng.
Qua thông tin đăng ký, phóng viên liên hệ thì được biết, địa chỉ Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Tocom, tư vấn du học, tư vấn đầu tư lại là trụ sở của Ngân hàng TMCP Kiên Long - Chi nhánh Đà Nẵng.

Kiểu gì cũng được đi du học

Trong vai một người tìm kiếm cơ hội du học cho em gái, chúng tôi đến công ty tư vấn du học nằm trên đường Lê Thánh Tôn. Tiếp chúng tôi là nhân viên tư vấn tên Nh. Chị này “khoe” đã từng hỗ trợ nhiều học sinh tại Đà Nẵng đi nước ngoài. “Em của em muốn đi nước nào? Mỹ, Anh, Úc hay Canada đều được. Phí giao dịch tùy vào mỗi nước nhưng sẽ không đắt lắm đâu vì phải cạnh tranh chứ em! Hiện nay chị có nhiều học sinh chuẩn bị đi các nước đó em. Đi dễ thôi, không khó đâu. Em của em nếu muốn qua Mỹ học trường tư cũng được mà trường công cũng đều được hết”, chị này nói.

Khi tôi thắc mắc: “Em nghe nói hệ thống trường công bên Mỹ chủ yếu chỉ dành cho học sinh bản địa, còn du học sinh thì đâu thể học dài hạn được”, chị này giải thích: “Được hết em à, tùy do mình chọn. Nếu em của em muốn học trường công, chị giúp đỡ học được ngay. Giờ em kiếm cho chị bảng điểm, giấy khen, bằng khen của học sinh. Chị đã đưa được mấy trăm đứa sang Mỹ học trường công rồi”.

Đến một công ty tư vấn du học và đào tạo quốc tế khác trên đường Lê Duẩn, chúng tôi được tư vấn bởi một nhân viên tên M. Chị này hồ hởi: “Không giống những nơi khác, bên chị tư vấn bao nhiêu lần đều miễn phí, không mất tiền. Còn khi làm hồ sơ làm thủ tục thì có phí nhưng cũng không bao nhiêu. Chị sẽ soạn thảo hợp đồng cụ thể để đưa cho em của em ký nhé”. Khi nghe nói em của tôi chỉ học dạng “làng nhàng”, chị M. nói: “Nó học khá hay trung bình? Nếu trung bình cũng được. Chị sẽ giúp nó đi du học ở Singapore hoặc Úc, nhưng học phí THPT đắt hơn cao đẳng hoặc đại học em nhé”. Tôi nói muốn cho em sang Mỹ, chị này khẳng định có thể đi theo chương trình giao lưu văn hóa với giá khá “mềm”, chỉ đóng khoảng 14.000 USD một năm. Qua đó còn được ở nhà người dân nơi bản xứ và không mất đồng chi phí ăn ở nào.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đậu Thanh Châu, Chủ tịch Câu lạc bộ Cựu sinh viên du học Mỹ tại Việt Nam cho biết, thực tế tại Mỹ, hầu hết các trường THPT công lập không nhận du học sinh ngoại trừ việc người đó có thân nhân ở Mỹ nhận tài trợ toàn bộ chi phí học hành và nơi ăn chốn ở hoặc sang theo dạng giao lưu văn hóa trong một năm. Nếu sang Mỹ theo dạng giao lưu văn hóa thì hết thời hạn một năm, học sinh sẽ phải về nước chứ không có chuyện được ở lại học tiếp như các công ty tư vấn du học “quảng cáo”. Bởi vậy, nhiều học sinh Việt Nam được các công ty tư vấn đưa đi theo dạng này và cuối cùng phải quay về sau một năm học để học tiếp tại các trường ở Việt Nam. Cũng có những học sinh qua Mỹ không ở dạng giao lưu văn hóa nhưng phải đóng tiền và thời hạn học tập cũng chỉ dừng một năm rồi phải quay về nước học tiếp.

Cẩn thận với “học bổng”

Hiện nay, nhiều công ty tư vấn du học thường đưa ra những suất học bổng 20%, 30%, 70%... cho một năm học. Trường tư thục tại Mỹ hoàn toàn không được chính quyền cấp ngân sách hoạt động hằng năm, nguồn thu chính của trường từ học phí của học sinh và các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức tôn giáo, cựu học sinh hoặc phụ huynh giàu có. Về bản chất, trường hoạt động theo nguyên tắc của đơn vị kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận. Các trung tâm tư vấn du học ở Việt Nam hoạt động giống như các “đại lý bán hàng” của các trường và sẽ nhận phần trăm “hoa hồng” từ trường tùy mức đóng học phí của học sinh mà đại lý chiêu mộ được. Như vậy, các trung tâm này “ăn” hai bên, một bên là “phí” thu của phụ huynh học sinh và một bên là “hoa hồng” từ các trường tư thục bên Mỹ. Thường thì đại lý cấp 1 ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, còn ở Đà Nẵng chỉ là đại lý cấp 2.

Anh Lê Hùng (43 tuổi, quận Hải Châu), người có 3 năm tìm hiểu về vấn đề du học để chuẩn bị cho con đi du học cho biết: “Không ít người nhầm lẫn, đôi khi cố ý “đánh tráo khái niệm” học bổng và hỗ trợ tài chính. Thật ra những khoản 20%, 30% đó là mức hỗ trợ tài chính của trường dành cho những học sinh có học lực, năng lực tốt (thể hiện qua bảng điểm, trình độ tiếng Anh, hoạt động ngoại khóa…) mang lại nhiều giá trị cho trường sau này. Tuy nhiên, khi về Việt Nam thì được “thổi” là “học bổng” và các trung tâm tư vấn thậm chí còn tổ chức thi để trao tặng những suất “học bổng” này. Theo anh Hùng, nhiều gia đình dù được nhận học bổng nhưng học phí còn lại phải đóng cũng quá cao và phải bán nhà để cho con tiếp tục du học do “đâm lao phải theo lao”. Hơn nữa, đó mới chỉ là học phí do nhà trường hỗ trợ, còn tiền sách vở, trang phục, bảo hiểm y tế, đi lại… rất tốn kém nên nhiều gia đình cho con du học theo dạng này rất dễ đuối nếu năng lực tài chính không bảo đảm. Nói về mức “phí” thu của các đơn vị tư vấn du học, anh Hùng cho biết, chiêu trò của nhiều đơn vị tư vấn là nói không thu phí hoặc rất thấp nhưng trong quá trình làm hồ sơ, họ liên tục thu các khoản phí không tên, và nếu học sinh không đóng đủ, họ sẽ dọa hủy kết quả, không trả lại hồ sơ… Hoặc “phí” đó chính là số tiền được nâng lên từ khoản tiền phải nộp cho đơn vị tư vấn (được gọi là tiền học phí, ăn ở, đi lại khi du học ở nước ngoài).

Theo danh sách chúng tôi có được từ Bưu điện Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố có 29 đơn vị tư vấn du học. Tất nhiên, đây là những đơn vị đã đăng ký thuê bao điện thoại, tức là phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, khi chúng tôi gọi điện đến một vài đơn vị tư vấn du học theo danh sách trên thì được báo là “số máy quý khách vừa gọi không đúng, xin vui lòng kiểm tra lại…”. Chọn một địa chỉ đăng ký, chúng tôi tìm đến Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Tocom, tư vấn du học, tư vấn đầu tư với số điện thoại 0236 3867… ở 456 Lê Duẩn (phường Chính Gián, quận Thanh Khê). Đến nơi, thật ngạc nhiên khi đây lại là trụ sở của Ngân hàng TMCP Kiên Long - Chi nhánh Đà Nẵng! Bắt chuyện với một người đàn ông sống gần đó, ông này nói: “Chị lại bị nó lừa à? Tui sống ở đây từ nhỏ đến giờ mấy chục năm rồi nhưng chưa hề thấy có công ty tư vấn du học nào ở đây hết. Ngân hàng họ làm trụ sở ở địa chỉ 456 Lê Duẩn cũng đã lâu lắm rồi”(?).

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.