.

Về tuyến bài "Cẩn trọng với tư vấn du học": Một số vấn đề cần làm sáng tỏ

.

Sau khi tuyến bài “Cẩn trọng với tư vấn du học” được đăng trên Báo Đà Nẵng (số ra ngày 24, 25, 26-4), Báo Đà Nẵng nhận được thư của Công ty TNHH ILA Việt Nam (gọi tắt là Công ty ILA) do bà Trần Trúc Uyên, Giám đốc điều hành Trung tâm tư vấn du học ILA Việt Nam ký, trao đổi về một số nội dung của loạt bài (Báo Đà Nẵng đăng ngày 27-4-2017). Để rộng đường dư luận cũng như thông tin lại với Công ty ILA, Báo Đà Nẵng tiếp tục làm rõ một số nội dung thư đã nêu.

Thứ nhất, trong thư, Công ty ILA cho rằng bà Trần Thị Nguyệt Vi, người đại diện cho Công ty ILA tại Đà Nẵng chỉ là “nhân sự cấp thấp” nên từ chối làm việc với phóng viên Báo Đà Nẵng mặc dù Báo Đà Nẵng đã nhiều lần yêu cầu gặp trao đổi cụ thể để làm rõ sự việc. Như vậy, nếu bà Vi chỉ là “nhân sự cấp thấp” thì tại sao lại có thể đứng ra đại diện để thương thảo với gia đình cháu Hồ Nhật Minh? Đồng thời, trong thư điện tử ngày 2-12-2016, bà Vi đã trực tiếp gửi thông báo đến ông Hồ Đắc Tuấn, bố của cháu Hồ Nhật Minh với nội dung thông báo về thời hạn cuối cùng để ông chuyển tiền học phí ăn ở còn lại cho CCI - một tổ chức tại Mỹ về dịch vụ du học và nếu không thì “Minh không thể tiếp tục học tại Bishop McLaughlin”. Liệu một “nhân sự cấp thấp” có đủ thẩm quyền để đưa ra thông báo quyết định về những việc quan trọng như vậy hay không? Sau khi từ chối gặp, bà Vi liên tục yêu cầu gửi thư điện tử để “sếp” của bà ở TP. Hồ Chí Minh trả lời qua thư điện tử.

Thứ hai, trong thư gửi Báo Đà Nẵng, Công ty ILA cho rằng “không đại diện cho CCI mà chỉ giúp CCI chuyển các thông tin và yêu cầu từ phía tổ chức này đến gia đình cháu Hồ Nhật Minh, bao gồm các yêu cầu thanh toán”. Liệu đây có phải là một sự trốn tránh trách nhiệm? Bởi tại mục 5.2, điều 5 “Hợp đồng hướng dẫn du học” số OSC/USA/428-2015 mà bà Lê Thị Lâm Bích Thủy, mẹ cháu Hồ Nhật Minh ký với Công ty ILA ghi rõ, gia đình phải thanh toán cho Công ty ILA ngoài phí hướng dẫn du học còn có số tiền đặt cọc rủi ro 10 triệu đồng và lệ phí an ninh theo quy định của Bộ An ninh nội địa Mỹ là 200 USD. Nếu chỉ giúp “chuyển thông tin” thì tại sao Công ty ILA còn yêu cầu gia đình cháu Minh phải nộp những khoản tiền này?

Ngoài ra, trong mục 5.2 điều 5 của Hợp đồng hướng dẫn du học hai bên đã ký có nêu rõ, gia đình bà Thủy sẽ nhận được hóa đơn của CCI từ bên A-Công ty ILA, đồng thời gia đình bà Thủy sẽ thanh toán đầy đủ chi phí chương trình cho CCI (trừ tiền đặt cọc 2.000 USD đã đóng). Tuy nhiên, khi gia đình cháu Minh yêu cầu phải đưa hóa đơn thì Công ty ILA không đưa ra được và khi gia đình trình báo vụ việc đến cơ quan chức năng thì bà Trần Thị Nguyệt Vi đã gửi thư điện tử vào ngày 22-12-2016 cho biết CCI đồng ý hoàn lại số tiền 5.300 USD cho gia đình cháu Minh. Vì gia đình cháu Minh không đồng ý nên Công ty ILA tiếp tục tăng số tiền hoàn trả lên 7.500 USD và sau này lên 10.000 USD. Nếu Công ty ILA “không đại diện cho CCI” vậy tại sao lại tự mình đi thương thảo việc hoàn trả tiền mà không phải là CCI làm việc đó?

Một điểm đáng nói nữa là trong thư điện tử ngày 5-11-2016, CCI đã yêu cầu Công ty ILA chuyển số tiền học hơn 30.000 USD của cháu Minh cho CCI. Như vậy, nếu chỉ giúp chuyển thông tin thì tại sao bên CCI lại gửi thư “đòi” tiền Công ty ILA như vậy? Về việc gia đình cháu Minh “ký thỏa thuận với CCI”, ông Hồ Đắc Tuấn, bố cháu Minh khẳng định gia đình mình chưa hề ký một bản thỏa thuận nào với công ty này và hiện Công ty ILA cũng chưa đưa ra được bản thỏa thuận này.

* Luật sư Đỗ Pháp - Trưởng Văn phòng luật sư Đỗ Pháp (Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng)

Bản hợp đồng mập mờ, thiếu minh bạch

Tôi thấy bản hợp đồng tư vấn hướng dẫn du học này có sự mập mờ, thiếu minh bạch bởi nó lập lờ về quan hệ với đối tác thứ ba. Theo căn cứ số 3 trong hợp đồng có nói về thỏa thuận ký giữa Công ty ILA Việt Nam với nhà trường nhưng không nói cụ thể là trường nào, thỏa thuận ra sao, hợp đồng số mấy... Hợp đồng này mập mờ về quan hệ pháp lý phát sinh quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba đối với gia đình cháu Minh. Thế nên rủi ro nếu có thì gia đình cháu Minh phải gánh chịu.

Một điều dễ nhận thấy nữa là xuyên suốt hợp đồng hướng dẫn du học này, phần trách nhiệm của các bên cụ thể như thế nào thì chưa rõ. Trong mục 4.2 điều 4 của hợp đồng có nói gia đình phải thanh toán chi phí cho Tổ chức CCI. Tuy nhiên, trong hợp đồng vẫn chưa làm rõ được năng lực của CCI như thế nào.

Mong rằng, những phụ huynh muốn đưa con đi du học khi thực hiện các giao dịch với những trung tâm tư vấn cần tỉnh táo, nắm rõ năng lực của đối tác và yêu cầu đối tác phải có hợp đồng rõ ràng, cụ thể để nếu có vấn đề rắc rối thì vẫn bảo đảm được quyền lợi cho mình.

KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.