Các trung tâm giáo dục thường xuyên sáp nhập: Hướng đến tự chủ

.

Từ đầu năm 2017, 8 trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) cấp thành phố và quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng sáp nhập thành 3 trung tâm trực thuộc thành phố. Để tiến tới tự chủ, các trung tâm này vẫn phải tiếp tục đổi mới toàn diện.

Các trung tâm giáo dục thường xuyên tại Đà Nẵng đang đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiến dần đến tự chủ. TRONG ẢNH: Một giờ học của học sinh ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố số 2.
Các trung tâm giáo dục thường xuyên tại Đà Nẵng đang đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiến dần đến tự chủ. TRONG ẢNH: Một giờ học của học sinh ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố số 2.

Trung tâm giáo dục thường xuyên thành phố số 2 (ở quận Thanh Khê) đang được xây dựng cơ sở vật chất. Ông Nguyễn Tấn Giao, Giám đốc Trung tâm cho biết, cơ sở vật chất hiện tại chỉ đáp ứng yêu cầu dạy và học cho khoảng hơn 500 học sinh. Tuy nhiên, trong năm học đến, nếu chuyển hết số học sinh từ 2 cơ sở (cũ) ở quận Hải Châu và quận Liên Chiểu về với khoảng hơn 1.000 học sinh thì cơ sở vật chất như hiện tại không đáp ứng được. “Chúng tôi dự kiến sẽ nâng thêm tầng 3 của dãy nhà 2 tầng, đồng thời xây thêm dãy nhà ngang 4 tầng để đáp ứng số lượng học sinh gấp đôi so với trước”, ông Giao nói và cho biết thêm, cơ sở này sẽ bổ sung máy móc và trang thiết bị từ 2 trung tâm cũ trước đây về với khoảng 80 máy tính, nâng tổng số lên 130 máy tính.

Cũng như TTGDTX thành phố số 2, Trung tâm số 1 (ở quận Sơn Trà) và số 3 (ở quận Cẩm Lệ) đang được nâng cấp, sửa chữa. Việc sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ cho các trung tâm đã hoàn tất để ổn định hoạt động ngay. Các trung tâm cũng thực hiện việc rà soát theo số lớp để điều chuyển cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên dôi dư.

Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, việc sáp nhập giúp các trung tâm hoạt động hiệu quả và có hệ thống hơn. Trước đây, các trung tâm thường gặp khó do số lượng học sinh đầu vào lớp bổ túc văn hóa bậc THCS, THPT và lớp liên kết đào tạo ngành nghề ngày càng ít; bên cạnh đó, các trung tâm lại hầu hết rơi vào tình trạng vừa thừa vừa thiếu nhân lực.

Ông Vĩnh cho biết thêm, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm số lượng người làm việc, lấy thu bù chi, các trung tâm sẽ phải tiến đến việc tự chủ hoàn toàn. Bởi vậy, các trung tâm phải năng động, sáng tạo trong các hoạt động để vừa thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS, xóa mù chữ, vừa tự tìm nguồn thu để hoạt động, thoát khỏi “bầu sữa” bao cấp.

Ông Nguyễn Tấn Giao chia sẻ, để “tự sống”, TTGDTX số 2 sẽ đẩy mạnh việc liên kết đào tạo. “Hiện nay, dù mới đi vào hoạt động được 4 tháng nhưng chúng tôi đã liên kết với các trường đại học, trung cấp đào tạo hơn 400 học viên các ngành: kế toán, điện - điện tử... mang lại nhiều kết quả khả quan”, ông Giao nói.

TTGDTX, Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp và Dạy nghề (KTTH-DN) các quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà sáp nhập vào TTGDTX thành phố và đặt tại TTGDTX thành phố. TTGDTX, KTTH-DN các quận Hải Châu và Liên Chiểu sáp nhập với quận Thanh Khê và đặt tại TTGDTX, KTTH-DN quận Thanh Khê. TTGDTX, KTTH-DN huyện Hòa Vang sáp nhập vào quận Cẩm Lệ và đặt tại TTGDTX, KTTH-DN quận Cẩm Lệ.

3 trung tâm mới này sẽ được đổi tên thành TTGDTX thành phố số 1,2,3 và chịu sự quản lý trực tiếp của Sở GD&ĐT Đà Nẵng.  Sau khi đã thực hiện việc sáp nhập, cơ sở vật chất của các TTGDTX được bàn giao cho các quận/huyện tương ứng để chuyển thành trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.