Dạy thật, học thật

.

Vấn đề bỏ hay không bỏ biên chế giáo viên đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội. Việc bỏ biên chế mới nghe qua có vẻ hợp lý, song nhìn vào bản chất giáo dục nước ta hiện nay thì thấy không ổn. Sự không ổn đó xuất phát từ nguyên nhân sau:

Nếu nói tâm lý khi đã vào biên chế ổn định rồi, những người làm công tác giáo dục nói chung, giáo viên nói riêng thường ỷ lại, ỳ ra, không tích cực thực hiện nhiệm vụ, không ý thức phấn đấu dạy tốt dẫn đến chất lượng giáo dục không như mong muốn là oan cho những người trong ngành, nhất là giáo viên. Bởi lẽ, cái gốc của vấn đề suy giảm chất lượng giáo dục ở đây chính là do bệnh thành tích kéo dài và đã ở mức độ trầm kha của ngành chứ không phải do biên chế hay không biên chế.

Thử hỏi mấy chục năm trước đây, khi điều kiện cả nước thiếu thốn về mọi mặt, lúc đó vấn đề biên chế và không biên chế người trong ngành chẳng mấy ai quan tâm, tại sao thầy vẫn dạy tốt, trò vẫn học tốt. Và xa hơn, trước năm 1975, ở miền Nam, việc dạy và học đâu vào đấy. Bởi lẽ, học lớp nào chất lượng tương đương lớp đó, bằng cấp đi liền chất lượng, cho nên dễ gì một xóm làng có một người đỗ tú tài (tốt nghiệp THPT bây giờ). Nghĩa là dạy học thật nên chất lượng thật. Học tốt thì vinh danh bằng bảng danh dự ở mỗi tháng, cuối năm khen thưởng xứng đáng. Học được thì lên lớp, học không được thì ở lại. Thi lại không tốt thì ở lại lớp. Không phải như bây giờ, bệnh thành tích quá nặng, khen thưởng ào ào, không xứng đáng cũng khen, một lớp không có đến một học sinh yếu, giỏi khá gần cả lớp, trung bình chỉ còn vài em. Bởi lẽ, học không tốt cũng nâng lên cho tốt, học không được vẫn cứ lên lớp, thi lại cho có để rồi lên lớp. Một năm, một trường có cả ngàn học sinh mà chẳng em nào ở lại lớp, họa hoằn lắm mới có chuyện thi lại, hỏi còn gì là chất lượng!

Bởi lẽ, ban giám hiệu trường sợ cấp trên phê bình sao trường để học sinh ở lại lớp, thi lại nhiều, tỷ lệ tốt nghiệp thấp... Sợ họp hành, hội nghị dựa vào đó mà phê bình, xếp loại thi đua “kém bạn, thua anh” nên trường nào cũng cố tạo điều kiện cho học sinh ngồi “nhầm lớp” để khỏi mang tiếng với “bề trên”, lại được khen. Và từ đó dẫn đến hệ lụy là dạy tốt cũng như dạy không tốt, mọi thứ được cào bằng. Đặc biệt, điều này dẫn đến tư tưởng trong học sinh là học cho có; không học, thậm chí quậy phá thì cuối cùng cũng lên lớp. Giáo viên sợ học sinh hơn cha mẹ mình nên đâu dám la mắng học sinh không học, vi phạm nội quy trường, thử hỏi như vậy làm gì có chất lượng thực sự.

Cho nên, để nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay, cốt lõi là xóa ngay, bỏ ngay bệnh thành tích trong toàn ngành và bắt đầu từ trên xuống chứ không phải từ dưới lên; đồng thời trao lại quyền được làm thầy đúng nghĩa cho người dạy chứ không phải ở chỗ có biên chế thì dạy không tốt, hợp đồng thì dạy tốt. Do vậy, cần xác lập tư tưởng rõ ràng là học thật mới có chất lượng thật. Học như thế nào, xếp loại, đánh giá thế đó. Học không đạt yêu cầu, không học thì ở lại lớp, không nên “lùa” hết lên lớp, dẫn đến tình trạng đáng buồn là có học sinh học hết bậc tiểu học vẫn đọc không được, viết tên mình không xong!

Vậy nên, để nâng cao chất lượng ngành giáo dục, chỉ có con đường dạy tốt - học tốt. Ai dạy không tốt thì cho nghỉ, ai học không tốt thì cho học lại, không muốn học thì thôi không ép học. Phải mạnh dạn “tiêu diệt” bệnh thành tích không chỉ trong ngành giáo dục mà cả trong toàn xã hội.

NGUYỄN VĂN TÚ

;
.
.
.
.
.