Nhiều thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học

.

Những ngày qua, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng số lượng thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học (ĐH) tại Đà Nẵng khá nhiều và điều này sẽ tạo nên sự điều chỉnh rất lớn trong điểm tuyển ở các trường.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tại ngày hội tư vấn tuyển sinh do Đại học Đà Nẵng tổ chức.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tại ngày hội tư vấn tuyển sinh do Đại học Đà Nẵng tổ chức.

Ngày 17-7, số lượng thí sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến Trường THPT Trần Phú điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH khá đông. Em Nguyễn Hữu Tuấn Duy cho biết: Ban đầu, em đăng ký 3 nguyện vọng gồm: ngành Bưu chính viễn thông, Tài chính ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN)) và Khoa học môi trường (Trường ĐH Sư phạm, ĐHĐN). Tuy nhiên, trong kỳ thi vừa qua, em đạt kết quả không cao (Toán 7,2 điểm; Lý 6,75 điểm; Hóa 7,5 điểm) như dự kiến nên em đã thay đổi nguyện vọng vào 3 ngành của Trường ĐH Kinh tế để cơ hội đậu cao hơn và cũng để được học gần nhà.

Cũng đến từ sớm để điều chỉnh nguyện vọng, em Nguyễn Thị Nguyên quyết định điều chỉnh sang nguyện vọng mới hoàn toàn so với trước đây. “Lúc đầu em định đăng ký ngành Sư phạm Toán thuộc Trường ĐH Sư phạm, ĐHĐN nhưng bây giờ em sẽ chọn 2 ngành của Trường ĐH Bách khoa, ĐHĐN vì em nghĩ với số điểm hiện tại (Toán 8 điểm; Lý 7,5 điểm; Anh văn 7 điểm), em có thể tự tin chọn ngành mình yêu thích”, Nguyên bộc bạch.

Theo một cán bộ tiếp nhận hồ sơ thay đổi nguyện vọng tại Trường THPT Trần Phú, hiện nay, một ngày có hàng chục thí sinh đến thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH.

Cũng giống như Trường THPT Trần Phú, tại Trường THPT Phan Châu Trinh, nhà trường hiện đang phát phiếu để các em có thể điền đầy đủ thông tin điều chỉnh nguyện vọng. “Dự kiến số lượng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng là không nhỏ”, thầy Trần Văn Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết.

Bên cạnh những thí sinh đến trường điều chỉnh nguyện vọng, nhiều thí sinh chọn cách điều chỉnh trực tuyến qua Internet. Em Nguyễn Thái Ngọc Giao cho biết, ban đầu em đăng ký 3 nguyện vọng gồm: ngành Sư phạm Hóa, Kế toán và Tài chính ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế, ĐHĐN). Tuy nhiên, trong kỳ thi THPT vừa qua, em đạt kết quả Toán 7,6 điểm, Hóa 6,75 điểm và Lý 8,25 điểm nên em đã điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến qua mạng Internet. Ngành Tài chính ngân hàng được chuyển thành nguyện vọng 1 vì điểm Hóa của em không cao như dự kiến.

TS Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng Ban Đào tạo thuộc ĐHĐN cho biết, sau đợt điều chỉnh này, đến ngày 25-7, thí sinh sẽ được chỉnh sửa một lần nữa nếu trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng có sai sót. “Dự kiến việc điều chỉnh nguyện vọng sẽ được thực hiện ở nhiều thí sinh bởi sau khi có kết quả thi THPT thì tùy số điểm có được, các em có thể chọn những nguyện vọng phù hợp hơn. Tuy nhiên, các em cần phải cân nhắc kỹ khi điều chỉnh nguyện vọng”, thầy Quốc nói.

Hiện nay, các trường ĐH tại Đà Nẵng vẫn chờ thí sinh thay đổi nguyện vọng rồi mới có dữ liệu chính xác về điểm tuyển. “Việc điều chỉnh nguyện vọng nhằm tạo cơ hội nhiều hơn cho các em. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này chỉ thực sự có ý nghĩa khi các trường được công khai dữ liệu ngành này, ngành kia đủ hay thiếu để các em có thể đăng ký chuyển từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Cho nên, bây giờ các em chỉ có thể dựa vào điểm mình hiện có để điều chỉnh. Cũng có những trường sẽ tung tin ngành này, ngành kia bao nhiêu điểm nhưng thực sự các trường không thể biết chính xác cho đến khi thí sinh hết thời hạn điều chỉnh nguyện vọng”, Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại Đà Nẵng cho biết.

Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH 1 lần duy nhất trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 23-7. Phương thức điều chỉnh nguyện vọng gồm: điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến và điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu. Đối với việc điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến, thí sinh dùng số chứng minh nhân dân của mình cùng mật khẩu được cấp khi đăng ký dự thi để truy cập vào hệ thống (https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn), sau đó chọn chức năng “Thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.