Chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông

.

Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ 1-8-2017 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên ở các cơ sở giáo dục công lập, bao gồm: trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường, lớp dành cho người khuyết tật (sau đây gọi chung là các trường phổ thông) và trường dự bị đại học.

Nhiệm vụ của giáo viên thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học, Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường dự bị đại học.

Thông tư quy định thời gian làm việc của giáo viên trường dự bị đại học là 42 tuần, trong đó: 28 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch năm học; 12 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học; 1 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới; 1 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

Định mức tiết dạy của giáo viên trường dự bị đại học là 12 tiết. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường dự bị đại học được giảm 3 tiết/tuần. Giáo viên kiêm trưởng phòng chức năng trường dự bị đại học được giảm 3 tiết/tuần. Giáo viên kiêm phó trưởng phòng chức năng trường dự bị đại học được giảm 1 tiết/tuần. Giáo viên nữ trường dự bị đại học có con nhỏ từ 12 tháng trở xuống, mỗi tuần được giảm 3 tiết.

Giáo viên kiêm bí thư Đảng bộ, bí thư chi bộ (nơi không thành lập Đảng bộ) trường hạng I được giảm 4 tiết/tuần, các trường hạng khác được giảm 3 tiết/tuần. Giáo viên kiêm nhiệm công tác công đoàn thực hiện giám định mức tiết dạy theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BGDĐT ngày 28-3-2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Ngoài ra, định mức tiết dạy/năm đối với hiệu trưởng được tính bằng: 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học. Định mức tiết dạy/năm đối với phó hiệu trưởng được tính bằng: 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông, trường dự bị đại học không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các chức vụ kiêm nhiệm thay thế cho định mức tiết dạy được quy định tại thông tư này.

Giáo viên kiêm công tác bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Quyết định số 13/2013/QĐ-TTg ngày 6-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam trong các cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề.

Ngoài nhiệm vụ giảng dạy chính ở trên lớp, giáo viên phải thực hiện những hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác theo sự phân công của hiệu trưởng. Việc quy đổi những hoạt động này ra tiết dạy để tính số giờ giảng dạy cho từng giáo viên được thực hiện như sau:

Đối với giáo viên được huy động làm cộng tác viên thanh tra, thời gian làm việc quy đổi được tính theo Thông tư số 31/2014/TT-BGDĐT ngày 16-9-2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2012/TT-BGDĐT ngày 21-12-2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về cộng tác viên thanh tra giáo dục;

Đối với giáo viên được huy động tham gia công tác hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT tổ chức thì 1 tiết hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn thực tế được tính bằng 1,5 tiết định mức;

Báo cáo ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh do nhà trường tổ chức (có giáo án/kế hoạch dạy học hoặc đề cương báo cáo) thì mỗi tiết báo cáo thực tế được tính bằng 1,5 tiết dạy định mức.

Hiệu trưởng nhà trường căn cứ tình hình thực tế quy định việc quy đổi tiết dạy đối với các công việc chuyên môn khác sau khi có ý kiến đồng ý của Trưởng phòng GD&ĐT, Giám đốc Sở GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT theo phân cấp quản lý đối với các cơ sở giáo dục.

Thông tư cũng quy định rõ thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).

TH.S tổng hợp

;
.
.
.
.
.