Nhiều bạn trẻ chọn học nghề

.

Giữa lúc hàng ngàn thí sinh chen chân vào cánh cửa đại học, nhiều bạn trẻ mặc dù trúng tuyển đại học nhưng lại quyết định chọn học trường nghề.

Trần Tấn Bửu (bìa phải) đang thực hành nghề công nghệ ô-tô trong giờ học tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng.
Trần Tấn Bửu (bìa phải) đang thực hành nghề công nghệ ô-tô trong giờ học tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng.

Vừa đậu ngành kinh doanh thương mại thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế với 20,5 điểm, Nguyễn Văn Sanh (quê ở Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) không nhập học mà chọn con đường khác: đăng ký học ngành kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển công nghiệp tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. “Nhẩm tính nếu em học 1 năm ở trường đại học chi phí khoảng 17,5 triệu đồng. Trong khi học nghề chỉ khoảng hơn 8 triệu đồng. Trong khi đó, học đại học ra trường chưa chắc xin được việc làm, trong khi em muốn đi làm sớm để phụ giúp mẹ”, Sanh bày tỏ.

Từ nhỏ, Sanh đã không có bố, một mình mẹ làm đủ nghề để nuôi em. Mẹ của Sanh cũng vừa ra Đà Nẵng tìm việc làm để nuôi con ăn học trong thời gian em học tại Đà Nẵng. Sanh cho biết, gần nhà em ở Điện Phương có nhiều người tốt nghiệp đại học nhiều năm vẫn không tìm được việc làm và đi làm nhiều nghề phổ thông để kiếm sống.

Trong khi đó, có hoàn cảnh kinh tế khá hơn Sanh nhưng Trần Tấn Bửu (ở xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), vừa đậu Đại học Nông-lâm Huế với số điểm 19,5 vẫn quyết định chọn học ngành công nghiệp ô-tô thuộc Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. “Em đăng ký xét tuyển đại học theo nguyện vọng của ba mẹ. Tuy nhiên, em vẫn thích học nghề hơn. Quê em có Công ty Ô-tô Trường Hải đang rất cần nguồn nhân lực nên em nghĩ học xong sẽ dễ xin được việc làm”, Bửu chia sẻ; đồng thời cho biết, khi em chọn học nghề, ba mẹ phản đối. Song, sau khi nghe Bửu phân tích lý do chọn học nghề thì ba mẹ đã đồng ý.

Ông Hà Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và giới thiệu việc làm thuộc Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết, những ngành công nghệ ô-tô, kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển công nghiệp hiện có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực. “Chúng tôi đang đào tạo những ngành như: công nghệ hàn, may thời trang, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ lưu trú, công nghệ ô-tô, kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển công nghiệp…, nhưng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã “đặt hàng” tuyển dụng ngay khi các em còn học trên giảng đường”, ông Minh cho biết.

Không chỉ các bạn trẻ mới trúng tuyển đại học chọn đi học nghề mà nhiều người đã tốt nghiệp đại học cũng bắt đầu đăng ký học nghề. Đơn cử, Nguyễn Thị Hằng (quê Quảng Bình) tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) với tấm bằng xuất sắc, nhưng quyết định đăng ký nhập học ngành thiết kế thời trang tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. “Xin việc hiện nay rất khó vì biên chế ngành giáo dục không nhiều nên 2 năm qua tôi vẫn đi dạy kèm ở các trung tâm gia sư tại Đà Nẵng. Tôi muốn đi học nghề để có thể tìm được việc làm vì tôi biết ngành may đang tuyển nhiều lao động. Hơn nữa, tôi cũng rất thích may vá”, Hằng bộc bạch.

Ông Phan Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho rằng, việc không chọn học đại học và đi học nghề đang là xu thế của không ít bạn trẻ. Được xem là một trong những trường tốp đầu về số lượng sinh viên đăng ký học tại Đà Nẵng, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng dự kiến mùa tuyển sinh năm nay có khoảng 1.400 học viên nhập học khóa mới. “Dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng riêng tại trường, số thí sinh đậu đại học trong các kỳ xét tuyển nhập học tại các lớp học nghề khá nhiều”, ông Sơn nói và cho biết thêm, các nghề thị trường rất cần hiện nay ở Đà Nẵng là: du lịch, khách sạn, nhà hàng; các ngành công nghệ thông tin; công nghệ ô-tô, cơ điện tử… Riêng các nghề kế toán, quản trị doanh nghiệp có xu hướng giảm so với những năm gần đây.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.