Hơn 246.000 học sinh bước vào năm học mới

.

Hôm nay (5-9), hơn 246.000 học sinh ở tất cả các bậc học phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bước vào năm học mới. Với chủ trương giảm các cuộc thi, tạo thêm nhiều sân chơi cho học sinh, ngành giáo dục Đà Nẵng mong muốn năm học 2017-2018 sẽ là một năm ít áp lực và nhiều niềm vui.

Việc giảm tải các cuộc thi không thật sự cần thiết giúp các em giảm bớt áp lực học tập. TRONG ẢNH: Một giờ kiểm tra tại Trường THPT Tôn Thất Tùng, quận Sơn Trà.
Việc giảm tải các cuộc thi không thật sự cần thiết giúp các em giảm bớt áp lực học tập. TRONG ẢNH: Một giờ kiểm tra tại Trường THPT Tôn Thất Tùng, quận Sơn Trà.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố cho biết, trong năm học này, ngành giáo dục địa phương sẽ thực hiện tinh giản các cuộc thi. “Tất cả các cuộc thi Bộ GD-ĐT thông báo đưa về địa phương, tùy điều kiện, chúng tôi sẽ lược giản bớt. Ngoài ra, chúng tôi không tổ chức những cuộc thi như giải Toán, tiếng Anh qua mạng Internet và chuyển sang các loại hình câu lạc bộ tự chọn ở từng trường để học sinh và phụ huynh tùy theo năng khiếu và năng lực có thể lựa chọn tham gia”, ông Vĩnh nói. Ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết thêm, Hội khỏe Phù Đổng của toàn ngành cũng sẽ được tổ chức theo hình thức luân phiên. Năm này tổ chức một số môn và thông báo trước cho tất cả các trường được biết; năm sau sẽ tổ chức các môn còn lại để các em thể hiện được năng lực của mình.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo giảm các cuộc thi cấp quốc gia. Bộ cũng đồng thời điều chỉnh chính sách đối với người dự thi; không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với các địa phương, đơn vị. Công văn của Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ, không sử dụng kết quả các cuộc thi do Sở GD-ĐT chủ trì tổ chức và thành tích của học sinh do Sở GD-ĐT cử đi tham gia cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từ năm học 2017-2018. Từ năm học 2018-2019, các trường hợp này cũng không được ưu tiên tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp.

Kỳ vọng trong năm học 2017-2018, học sinh Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều hoạt động vui tươi, bổ ích khi đến trường. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trong giờ sinh hoạt. Ảnh: Kim Ngân
Kỳ vọng trong năm học 2017-2018, học sinh Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều hoạt động vui tươi, bổ ích khi đến trường. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trong giờ sinh hoạt. Ảnh: Kim Ngân

“Nhiều bạn trong lớp em được “chọn” vào đội tuyển thi Giải toán trên máy tính Casio thì thấy rất áp lực vì phải học kiến thức ngoài chương trình khá nhiều, không phục vụ nhiều cho việc học tập ở lớp. Bởi vậy, tụi em cũng không còn nhiều thời gian vui chơi, sinh hoạt hoặc rèn luyện thể thao”, em Nguyễn Quỳnh Anh (lớp 11/3 Trường THPT Trần Phú) thổ lộ.

“Hiện nay, số lượng cuộc thi dành cho giáo viên, học sinh quá nhiều, chồng chéo, gây áp lực. Nhiều cuộc thi không nhận được sự đồng tình của xã hội. Ngoài ra, các đơn vị khác như ngành giao thông, y tế… cũng đều tổ chức khá nhiều cuộc thi và triển khai xuống để các em làm bài dự thi chủ yếu mang tính hình thức. Trong khi đó, các em còn phải tiếp thu một khối lượng kiến thức khá lớn trong chương trình học”, thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên dạy Văn Trường THPT Trần Phú nói.

Một giáo viên trên địa bàn quận Thanh Khê chia sẻ, thực tế có nhiều cuộc thi đưa về nhà trường yêu cầu mỗi học sinh đều phải làm bài dự thi cho có… phong trào. Kết quả là ngoài giờ học căng thẳng, các em còn phải bù đầu đua nhau chép bài dự thi để nộp đúng hạn.

Cũng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các em vui chơi bên cạnh việc học tập, vừa qua, Sở GD-ĐT đã đồng ý cho ngành giáo dục quận Hải Châu và Thanh Khê được điều chỉnh lịch học từ thứ bảy sang thứ năm đối với các trường THCS trên địa bàn. Như vậy, bắt đầu từ năm học này, học sinh THCS ở hai quận trên được nghỉ học ngày thứ bảy thay vì nghỉ học vào thứ năm như trước đây. “Chuyển học thứ bảy sang thứ năm tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc quản lý, đưa đón con em; đồng thời, các trường có thể tổ chức dã ngoại cuối tuần và các bộ môn năng khiếu để các em tham gia. Các em đến trường không chỉ để học mà còn để vui chơi nhằm phát triển toàn diện”, ông Vĩnh khẳng định. Sau khi triển khai điều chỉnh lịch học ở hai quận Hải Châu và Thanh Khê, Sở GD-ĐT sẽ đánh giá tổng kết và nhân rộng trên toàn thành phố nếu đáp ứng được yêu cầu dạy học thực tế.

Nâng cao chất lượng dạy học

Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT, trong năm học 2017-2018, ngành giáo dục đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có 60 trường trung học có phòng học bộ môn đạt chuẩn, với số lượng 188 phòng đạt chuẩn/303 phòng học bộ môn (chiếm 62%). Theo kế hoạch của ngành giáo dục, trong năm 2017, có 30 phòng học bộ môn của 11 trường trung họhc được xây dựng thêm; nâng số trường có phòng đạt chuẩn lên 65,5% với tổng kinh phí đầu tư 41,5 tỷ đồng. Theo ông Vĩnh, một trong những giải pháp nhằm tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục là sở chủ động tham mưu giải pháp đẩy mạnh thu hút nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho bậc học mầm non, phổ thông theo hướng thành lập trường chất lượng cao, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân có khả năng đầu tư.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các mục tiêu hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị dạy học trong năm này cũng được ngành chú trọng. Hiện nay, ngành đã đầu tư mua trang thiết bị phòng học bộ môn, lắp 13 bể bơi di động tại các trường tiểu học ở địa bàn khó khăn, đầu tư trang thiết bị cho các trường mầm non… với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.