Tiến sĩ Việt lọt top gương mặt trẻ ấn tượng nhất Thung lũng Silicon

.

Tiến sĩ trí tuệ nhân tạo Vũ Duy Thức (35 tuổi, sáng lập OhmniLabs) là người Việt Nam duy nhất được tờ báo Mỹ uy tín The Business Journals bình chọn vào top 40 gương mặt dưới 40 tuổi ấn tượng nhất Thung lũng Silicon năm 2017.

Vũ Duy Thức – Tiến sĩ người Việt vừa được vinh danh tại Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ (Ảnh: Silicon Valley Business Journal).
Vũ Duy Thức – Tiến sĩ người Việt vừa được vinh danh tại Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ (Ảnh: Silicon Valley Business Journal).

Danh sách “Silicon Valley 40 under 40” được lựa chọn bởi Hội đồng biên tập của tờ báo, gồm những người có dày dạn kinh nghiệm và đóng góp vào sự phát triển chung của Thung lũng Silicon.

Vũ Duy Thức vốn là cái tên không quá xa lạ với cộng đồng trí thức Việt tại Mỹ. Thành quả của tiến sĩ trẻ nổi trội trong cả lĩnh vực học thuật lẫn khởi nghiệp.

Trước đó, với việc OhmniLabs ra mắt sản phẩm đầu tiên - robot Ohmni và chạm mục tiêu 100.000 USD gọi vốn cộng đồng chỉ sau chưa đến 4 ngày, cái tên Việt - Vũ Duy Thức đã tạo ra “cơn sốt truyền thông” bằng việc xuất hiện dày đặc trên nhiều hãng tin tức lớn như New York Times, CNN, CNBC, ABC, Washington Post …

Chàng trai Việt lấy bằng tiến sĩ công nghệ thông tin (chuyên ngành trí tuệ nhân tạo) tại ĐH Stanford năm 28 tuổi. Anh từng đồng sáng lập hai công ty Katango và Tappy được Google, Weeby.co mua lại với giá hàng chục triệu USD.

Chia sẻ với PV Dân trí, TS Vũ Duy Thức cho biết, ngoài bất ngờ, anh có cảm xúc tự hào vì là người duy nhất đến từ Việt Nam góp mặt trong danh sách những gương mặt nổi bật nhất Silicon Valey năm nay. “Sự kiện này có ý nghĩa lớn về mặt tinh thần, là sự ghi nhận của xã hội Mỹ cho những nỗ lực của tôi thời gian qua", anh nói.

Hiện Vũ Duy Thức là nhà đồng sáng lập và CEO của công ty OhmniLabs, chuyên cung cấp robot giúp kết nối, thích hợp cho mọi người, đặc biệt là người cao tuổi không quen sử dụng công nghệ, vì họ không cần động tay vào bất cứ thao tác nào.

Sáng tạo robot chữa căn bệnh cô đơn của người già Mỹ

TS Vũ Duy Thức (phải) và các cộng sự bên cạnh loạt sản phẩm robot Ohmni.
TS Vũ Duy Thức (phải) và các cộng sự bên cạnh loạt sản phẩm robot Ohmni.

Du học rồi ở lại sinh sống, làm việc tại Mỹ đã lâu, Duy Thức nhận ra rất nhiều người cao tuổi bên Mỹ phải sống một mình (hiện có 44 triệu người trên 65 tuổi tại Mỹ, khoảng 70% trong số này sống một mình). Những người này không thoát được sự cô đơn và luôn cần sự giúp đỡ trong nhiều việc.

Bên cạnh đó là những người con sống xa nhà, Duy Thức cũng như sáng lập viên có nhu cầu tương tác thường xuyên với các thành viên gia đình tại quê hương. Đó là lý do anh nảy ra ý tưởng về robot Ohmni.

Có thể hình dung đơn giản Ohmni là một robot gọn nhẹ có khả năng di chuyển linh hoạt và gắn trên đỉnh một máy tính bảng (hiển thị gương mặt người ở xa), một webcam (để thu hình trực tiếp), máy thu âm ở phần giữa…

Robot này rất linh hoạt, có thể cùng đi dạo, xem phim với người già, không gây gián đoạn việc riêng.

Robot tương tác từ xa Ohmni được tạo ra như một robot gia đình, đặc biệt hướng tới những người cao tuổi. (Ảnh CNN)
Robot tương tác từ xa Ohmni được tạo ra như một robot gia đình, đặc biệt hướng tới những người cao tuổi. (Ảnh CNN)

Người điều khiển có thể kiểm soát robot từ xa thông qua phần mềm. Robot có gắn máy tính bảng và có khả năng di chuyển, 2 bên có thể nhìn thấy hình ảnh của nhau và trò chuyện trực tiếp thông qua webcam.

“Robot tương tác từ xa Ohmni được tạo ra như một robot gia đình, đặc biệt hướng tới những người cao tuổi. Đây là nhóm người dùng chủ yếu sống một mình, họ không thoải mái khi sử dụng các sản phẩm công nghệ hiện đại phức tạp, nhưng họ lại có nhu cầu thường xuyên liên hệ với các thành viên trong gia đình”, CEO của OhmniLabs Inc nói.

Theo TS Vũ Duy Thức, thị trường startup tại Hoa Kỳ và Việt Nam những năm gần đây có những tiến bộ vượt bậc ở mảng software startups (ứng dụng mềm) với nhiều xu hướng như phát triển trí tuệ nhân tạo hay thực tế ảo.

Tuy nhiên để ứng dụng được những phát triển công nghệ đó đối với một startups chuyên về hardware (phần cứng) và robotics đòi hỏi đội ngũ nhà sáng lập và team phải có kiến thức sâu rộng về nhiều mảng khác như Kỹ thuật điện (Electrical engineering), Kỹ thuật cơ khí (Mechanical engineering) và Thiết kế công nghiệp (Industrial Design).

Để khắc phục những khó khăn đó, chàng trai Việt nhấn mạnh vào việc người sáng lập phải thật sự tin tưởng vào giá trị bền vững mà sản phẩm của mình mang lại cho người sử dụng và cộng đồng.

Anh Thức kể lại câu chuyện một người con phải đi công tác xa trở nên lo lắng sau nhiều cuộc gọi nhỡ, vì vậy đã gọi điện qua Ohmni. Cậu con trai đã tìm thấy mẹ đang nằm liệt giường, không thể di chuyển do nhiễm khuẩn nặng, nhờ vậy người này nhanh chóng sắp xếp được xe cứu thương cho mẹ mình tới bệnh viện.
"Chúng tôi đã thấy những tác động tích cực to lớn trực tiếp đến người dùng. Đối với những người cao tuổi bắt đầu sử dụng robot, có một sự cải thiện đáng kể về hạnh phúc của họ. Chúng tôi thấy họ ngày càng trở nên tích cực hơn và cảm thấy thoải mái hơn, họ cảm nhận được sự hỗ trợ về tinh thần, đó là điều họ thiếu vì họ sống một mình", TS Vũ Duy Thức chia sẻ.

Tiến sĩ Việt cho biết, dự định sắp tới sẽ phát triển một nền tảng robot mở để các nhà nghiên cứu, lập trình viên có thể phát triển nhiều ứng dụng khác nhau với thời gian nhanh nhất và chi phí thấp nhất. Anh hi vọng có thể góp phần tăng tốc cuộc cách mạng robotic trong tương lai gần.

Gương mặt trẻ thành công tại thung lũng công nghệ số 1 thế giới cho “bật mí”, việc xây dựng một đội ngũ thành viên nòng cốt tốt trong giai đoạn đầu là điều kiện tiên quyết để dẫn đến thành công của dự án. “Người ta hay thường bảo việc chọn người đồng sáng lập còn khó hơn cả việc chọn bạn đời, và tôi thấy điều đó rất đúng”, TS Thức nhấn mạnh.

Hỗ trợ thế hệ trẻ Việt vươn xa

“Mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau về định nghĩa thành công và hạnh phúc. Cá nhân tôi cho rằng thành công là khi mang đến giá trị cho nhiều người thì sẽ ý nghĩa và bền vững hơn”, TS Thức quan điểm.

Anh cho biết, bản thân cũng đã rất may mắn khi nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều người đi trước vào đúng thời điểm cần thiết. Bởi lẽ đó, tiến sĩ trẻ luôn tâm niệm muốn dùng khả năng của mình để đóng góp cho cộng đồng và truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ đi sau.

Dù bận rộn với công ty khởi nghiệp ở trung tâm công nghệ của nước Mỹ và thế giới, TS Vũ Duy Thức vẫn dành nhiều thời gian, công sức để đóng góp cho hoạt động cộng đồng tại quê hương. Anh là đồng sáng lập Quỹ VietSeeds (ra đời từ năm 2011) - hỗ trợ các tân sinh viên nghèo, học giỏi ở Việt Nam với học bổng 4.000 USD/suất.
Từng tiếp xúc với nhiều sinh viên giỏi và chăm chỉ nhưng vì gia đình khó khăn mà phải từ bỏ ước mơ, anh mong ước trong tương lai sẽ không còn những hoàn cảnh như vậy. TS Thức vững tin rằng giáo dục là bệ phóng vững chắc nhất cho các bạn trẻ bởi khi có tri thức, các bạn sẽ đảm bảo được tương lai dù xuất phát điểm có thấp hơn người khác.

“Năm nay chúng tôi kì vọng tiếp sức được 250 bạn tân sinh viên. Việc điều hành, thuyết phục tài trợ chưa bao giờ là dễ dàng nhưng chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”, TS Vũ Duy Thức chia sẻ.

Theo Dân trí

;
.
.
.
.
.