Đưa dân ca, bài chòi vào trường học

.

“Lẳng lặng mà nghe, tôi hô con bài, con gì nó ra đây...”. Lần đầu tiên nhiều học sinh Đà Nẵng được nghe những câu hát này “gần” đến vậy khi trò chơi hô hát bài chòi diễn ra ngay trên sân trường.

Học sinh Trường THPT Trần Phú hát bài chòi trong ngày hội văn hóa dân gian 2018 do nhà trường tổ chức.
Học sinh Trường THPT Trần Phú hát bài chòi trong ngày hội văn hóa dân gian 2018 do nhà trường tổ chức.

Học sinh hào hứng

Tại ngày hội văn hóa dân gian do Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu) tổ chức vừa qua, không chỉ đông đảo học sinh mà rất nhiều người dân xung quanh cũng vào nghe hô hát bài chòi. Sau câu hát mở đầu, một học sinh rút quân cờ trong ống tre và hát, rồi xướng tên quân cờ. Ai có tên quân cờ trên thẻ trùng với tên quân cờ anh hiệu vừa xướng thì hô to báo hiệu, lập tức một người cầm cờ chạy đến trao cho người chơi một lá cờ nhỏ màu vàng. Một trong những người chơi có đủ 3 lá cờ thì ván chơi kết thúc.

Em Phan Thị Thảo Vy, thành viên đội bài chòi của lớp 10/2 chia sẻ, việc tập hát bài chòi không dễ nhưng rất thú vị. “Em thấy hát bài chòi khó, nhất là việc bắt nhịp. Nếu đã bắt được nhịp rồi thì sẽ hát được, nhưng để hát tốt thì cần biết nhấn nhá chữ, nhịp phách, luyến láy, điệu bộ”, Vy nói. Cũng tỏ ra hào hứng với môn nghệ thuật này, em Võ Thu Hà, thành viên đội bài chòi lớp 10/2 cho biết, đây là loại hình nghệ thuật thật sự mới mẻ với các em. Theo Hà, sự ấn tượng của hô hát bài chòi nằm ở chất giọng của người hô hát và bản thân em thích nhất là các làn điệu trữ tình.

Còn tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu), trong ngày hội văn hóa dân gian, các em được xem nghệ nhân Đỗ Hữu Quế và các thành viên CLB Bài chòi Đà Nẵng biểu diễn điêu luyện. Những làn điệu của bài chòi cũng đã đến với học sinh Trường tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) và được hàng trăm học sinh cùng giáo viên nhà trường hào hứng tham gia.

Cần nhân rộng

Bài chòi Trung Bộ (ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung. Loại hình nghệ thuật này đã được vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Bài chòi tại Đà Nẵng sử dụng chủ yếu 4 làn điệu chính: xuân nữ, cổ bản, xàng xê, hồ quảng, ngoài ra có thêm các điệu lý, câu hò và có nhiều khác biệt so với các tỉnh, thành trong khu vực miền trung như sử dụng phương ngữ thuần thục trong làn điệu, tính dân gian vẫn còn khá đậm nét.

Đối với học sinh, nghệ thuật hát bài chòi hiện nay hầu như chỉ được biết đến trong những ngày hội văn hóa dân gian hoặc ngày hội lớn do nhà trường tổ chức. Riêng huyện Hòa Vang có chương trình đưa dân ca vào trường học. Đến nay, huyện đã bồi dưỡng kỹ năng hô hát các làn điệu dân ca khu V cho giáo viên và học của 42 trường từ mầm non, tiểu học đến THCS trên toàn huyện. Các nghệ nhân và những người có kinh nghiệm sưu tầm đã biên soạn tài liệu và trực tiếp về các trường giới thiệu, hướng dẫn hát các làn điệu dân ca; đồng thời xây dựng kịch bản sân khấu, dàn dựng, tập luyện để các em có thể tham gia biểu diễn. Nhiều nghệ sĩ và nghệ nhân ưu tú như: Nhật Lệ, Thế Dân… đã sưu tầm tài liệu, các làn điệu dân ca khu 5 và viết những kịch bản dân ca phục vụ cho việc giảng dạy thêm phong phú. Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch CLB Bài chòi sông Yên cho biết, đến nay hầu hết các em đều nắm chắc gần 30 làn điệu cơ bản về dân ca liên khu 5. Nhiều em sớm bộc lộ năng khiếu hát dân ca. “Đây là những giọng ca có triển vọng, nếu tiếp tục nỗ lực tập luyện và được thể hiện, các em sẽ trở thành những hạt nhân trong phong trào văn nghệ quần chúng của địa phương”, bà Lệ chia sẻ. Theo bà Lệ, đưa dân ca vào trường học là việc rất cần thiết, nhằm truyền dạy những cái hay của loại hình nghệ thuật này cho các thế hệ mai sau, nếu không sẽ bị mai một.

Tuy nhiên, việc đưa dân ca vào trường học ở huyện Hòa Vang còn cho thấy nhiều khó khăn và số lượng học sinh tham gia CLB ở một vài trường giảm dần. Thầy Nguyễn Cúc, Hiệu trưởng Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh (xã Hòa Khương) cho  biết, trường đã thành lập CLB dân ca, tập hợp khoảng 40 em và sinh hoạt 3 buổi/tuần. “Các em khá hào hứng và thích thú khi tham gia loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, chương trình học nhiều nên học sinh và giáo viên khó dành thời giam tham gia CLB”, thầy Cúc nói.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.