ĐƯA NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Tinh gọn bộ máy ngành giáo dục

Tại Hội nghị lần thứ 6, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Nghị quyết đặt ra nhiều mục tiêu như đến năm 2021, cả nước phải giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015 và khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ quản lý... Thời gian qua, ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng đã có những cách làm phù hợp để tinh gọn bộ máy, mang lại hiệu quả cao.

Qua hơn 1 năm sát nhập 8 trung tâm giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và dạy nghề thành 3 trung tâm giáo dục thường xuyên, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1, nếu như trước đây, việc tuyển sinh rất khó khăn, thì trong năm học 2017-2018, đơn vị tổ chức được 18 lớp bổ túc văn hóa với gần 500 học sinh. Ngoài ra, nhà trường còn xây dựng chương trình, nội dung giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông có tính linh hoạt, phù hợp với hướng phát triển ngành nghề ở địa phương. Đồng thời, nhà trường cũng đã tích hợp giáo dục hướng nghiệp vào giảng dạy các bộ môn có điều kiện thuận lợi (Công nghệ, Giáo dục công dân,…) và các hoạt động giáo dục khác (giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục nghề phổ thông) nhằm hình thành ở các em năng lực nghề nghiệp tương ứng; giáo dục cho các em tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp. Ông Trịnh Xuân Vịnh, Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm đang phấn đấu nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia trên 70%, đồng thời đổi mới về công tác quản lý chuyên môn, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và xây dựng phân phối chương trình chi tiết đối với chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT linh hoạt phù hợp với khung phân phối chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện Trung tâm đã tự chủ một phần kinh phí hoạt động và hướng đến mục tiêu tự chủ hoàn toàn.

Còn ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2, năm học vừa qua đơn vị cũng đã mở được 24 lớp bổ túc văn hóa (lớp 9, 10, 11, 12) với hơn 900 học viên. Không chỉ vậy, đơn vị còn đẩy mạnh việc liên kết với trường đại học, cao đẳng trên địa bàn mở được 5 lớp dạy nghề miễn phí cho học viên lớp 10, 11 với số lượng 253 học viên. Trong năm 2017, Trung tâm đã liên kết với các trường đại học mở các lớp liên thông và văn bằng hai hệ đại học cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành và người học ở các ngành: Sư phạm mầm non, Kế toán, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện, Quản lý Nhà nước… và nhiều lớp bồi dưỡng ngắn hạn khác. “Trước đây vì trực thuộc cấp quận nên việc đào tạo và liên kết đào tạo khó khăn. Bây giờ sáp nhập và trực thuộc thành phố nên các hoạt động cũng thuận lợi hơn nhiều”, ông Đinh Lương Y, Giám đốc Trung tâm nói. Ngoài ra, ông Y cho biết, nếu trước đây mỗi Trung tâm có 1 giám đốc và 2 phó giám đốc thì nay sau sát nhập mỗi Trung tâm chỉ có 1 giám đốc và 1 phó giám đốc, từ 4 phòng chức năng thì nay giảm xuống còn 3 phòng để hoạt động tập trung và hiệu quả hơn.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh khẳng định, việc sát nhập này đã mang lại nhiều hiệu quả. Đó là  giảm bớt số lượng cán bộ quản lý, các bộ phận gián tiếp. Ngoài ra, cán bộ, giáo viên dôi dư được điều chuyển sang các trường phổ thông có nhu cầu. Trụ sở của các cơ sở này dư ra được bàn giao lại cho UBND quận, huyện để mở trường mầm non, tiểu học, THCS... “Các trung tâm sẽ phải chủ động sáng tạo nhiều hơn, nhất là trong điều hành quản lý để có thể tiến đến tự chủ hoàn toàn”, ông Vĩnh nói.

Theo bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu, đất dôi dư sau khi các đơn vị sáp nhập được bàn giao cho UBND quận để mở trường học rất phù hợp vì hiện nay quỹ đất để xây dựng, mở rộng trường học ở các quận trung tâm như quận Hải Châu hiện rất ít.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.