Chăm lo trẻ mầm non

.

Bằng nhiều hoạt động thiết thực, những năm qua, các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, đơn vị của thành phố Đà Nẵng đã và đang nỗ lực chăm sóc, giáo dục tốt cho trẻ, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện về nhân cách, trí tuệ, tinh thần.

Giờ ăn của các trẻ tại Trung tâm chăm sóc và giáo dục mầm non One Sky. 					       Ảnh: THANH TÌNH
Giờ ăn của các trẻ tại Trung tâm chăm sóc và giáo dục mầm non One Sky. Ảnh: THANH TÌNH

Tại Trung tâm chăm sóc và giáo dục mầm non One Sky (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) vào một ngày cuối tháng 5, trong căn phòng của lớp mầm 1, các bạn nhỏ 3-4 tuổi quây quần tự xúc cơm ăn theo hướng dẫn của các cô giáo đứng lớp.

Bé Ngô Thị Thu Hà (gần 4 tuổi) bưng tô cơm đã ăn hết hào hứng khoe: “Con đã ăn hết suất nè cô!”, cô Lê Thục Oanh (giáo viên đứng lớp) khen và xoa đầu bé: “Con ngoan lắm, con lại lấy nước uống tráng miệng”. Bên cạnh, bé Nguyễn Bùi Tường Linh (3 tuổi rưỡi) nói thêm: “Ở trường con được ăn ngon hơn ở nhà, con được chơi nhiều trò chơi, được cô tập nhiều bài hát... nên con rất thích ạ”.

Cô Oanh vào dạy ở trung tâm One Sky từ khi thành lập đến giờ. Hồi đầu, cũng như các giáo viên khác, cô Oanh gặp một vài khó khăn nhỏ trong việc đưa các em vào học theo phương pháp mới hoàn toàn, dạy cho trẻ tính tự lập, tự phát triển khả năng của bản thân. Nhưng giờ thì mọi thứ trở nên rất nhẹ nhàng, các bé tự xúc ăn và ăn theo sở thích, cân nặng tăng đều.

“Ở đây, tất cả đều là con công nhân lao động nghèo nên các cô giáo ai cũng thương. Ở nhà, gia đình nhiều em thuê trọ trong những căn phòng chật hẹp nên được đến trường ăn ngon, chơi nhiều trò chơi vận động linh hoạt, nên các em rất thích. Nhiều hồi ba mẹ đến đón không chịu về”, cô Oanh cho biết.

Trung tâm chăm sóc và giáo dục mầm non One Sky Đà Nẵng do tổ chức Half the Sky Foundation Hoa Kỳ tài trợ. Trung tâm áp dụng chương trình giảng dạy kết hợp linh hoạt giữa chương trình của Bộ GD&ĐT và phương pháp giáo dục tiên tiến Reggio Emila, giúp trẻ hình thành và phát triển khả năng hợp tác, làm việc theo nhóm, kích thích sự tò mò, quan sát của trẻ, phát huy tính tích cực trong học tập, tư duy sáng tạo và các khả năng tiềm ẩn thông qua môi trường giáo dục thân thiện, cởi mở.

Hiện, trung tâm có 208 trẻ em là con công nhân tại khu công nghiệp Hòa Khánh đang theo học. Tuy là trường quốc tế, nhưng mức học phí mỗi trẻ phải đóng chỉ 800.000 đồng/tháng/trẻ, số tiền còn lại đều được nhà tài trợ hỗ trợ.

Bên cạnh việc thành lập trung tâm nuôi dạy trẻ mầm non cho con công nhân, Sở GD&ĐT cho biết, việc đầu tư trang thiết bị cho giáo dục mầm non giai đoạn 2017-2018 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được lãnh đạo thành phố rất quan tâm.

Trong năm 2017, có 5 quận, huyện được đầu tư trang thiết bị hiện đại với số lượng phong phú, mẫu thiết bị đẹp, an toàn với trẻ, tổng kinh phí hơn 35 triệu đồng và năm 2018 trang bị cho các trường mầm non công lập ở địa bàn 2 quận còn lại với tổng kinh phí hơn 14 triệu đồng.

Năm học vừa qua, Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định phê duyệt Đề án đầu tư trang thiết bị - đồ chơi cho trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2019, đồng thời tổ chức các lớp “Bồi dưỡng kỹ năng chăm sóc trẻ đặc thù cho giáo viên nhà trẻ” và khảo sát 21 đơn vị thực hiện thí điểm để định hướng đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất thu nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi vào các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2018-2019.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết hiện nay, 100% các cơ sở giáo dục mầm non đều có sự đầu tư về xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị phục vụ việc chăm sóc, giáo dục trẻ, cải thiện môi trường học tập, vui chơi cho trẻ một cách hiệu quả, gắn kết với chuyên đề “Xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm” ngày càng lan tỏa với hiệu ứng tốt với tổng kinh phí đầu tư là 439 tỷ đồng.

Việc chăm sóc trẻ khuyết tật cũng được thành phố quan tâm. Trong các năm từ năm 2016 đến 2018, Sở GD&ĐT phối hợp với Bệnh viện Hoàn Mỹ khám sàng lọc bệnh tim miễn phí cho hàng chục ngàn trẻ mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non trên toàn thành phố và tìm kiếm nhà tài trợ hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho các cháu được phẫu thuật nếu cần.

Trong năm 2018, thành phố đã triển khai dự án “Xây dựng năng lực và tính bền vững trong phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật trẻ em tại Đà Nẵng” giai đoạn 2017-2021. Qua đó, tổ chức nhiều đợt khám sàng lọc, tầm soát khuyết tật cho trẻ từ 0-6 tuổi; phát hiện sớm, can thiệp sớm cho hàng trăm trẻ khuyết tật được phục hồi chức năng, giáo dục đặc biệt và phẫu thuật chỉnh hình.

“Hiện nay, các loại hình giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa với nhiều mô hình khác nhau. Trong đó, hệ thống trường mầm non công lập phát triển ổn định và bền vững làm nòng cốt cho giáo dục mầm non thành phố.

Mô hình trường, lớp mầm non tư thục, trường có yếu tố nước ngoài đã mở rộng quy mô phát triển theo cơ chế linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng và tạo thêm nhiều cơ hội chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ cho nhiều đối tượng có điều kiện sống, hoàn cảnh khác nhau trên địa bàn quận, huyện của thành phố”, ông Nguyễn Đình Vĩnh khẳng định.

PHƯƠNG TRÀ - THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.
.