Người kỹ thuật viên hết lòng vì trẻ em mắc bệnh

.

Sáng kiến “Bộ dụng cụ phối hợp vận động tinh” vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo là công trình mang nhiều ý nghĩa cho bệnh nhân tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. Tác giả của công trình này là chị Cao Thị Diệu Linh, kỹ thuật viên phục hồi chức năng Khoa Nhi - Ngôn ngữ trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng.

Chị Cao Thị Diệu Linh (giữa), kỹ thuật viên phục hồi chức năng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng trong một giờ dạy cho trẻ bằng “Bộ dụng cụ phối hợp vận động tinh”.
Chị Cao Thị Diệu Linh (giữa), kỹ thuật viên phục hồi chức năng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng trong một giờ dạy cho trẻ bằng “Bộ dụng cụ phối hợp vận động tinh”.

Hiện nay, tỷ lệ trẻ mắc bệnh tự kỷ, chậm nói, chậm phát triển trí tuệ ngày càng nhiều. Với trẻ khuyết tật nói chung, ngoài rối loạn về chức năng ngôn ngữ thì khả năng vận động cũng khá khó khăn. Sự phối hợp chân - tay - mắt - toàn thân chưa đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến kỹ năng sinh hoạt hằng ngày, học tập, vui chơi và khả năng hòa nhập cộng đồng.

Chị Cao Thị Diệu Linh cho biết, trước đây tại Khoa Nhi - Ngôn ngữ trị liệu đã có những dụng cụ để can thiệp vận động tinh cho trẻ nhưng chỉ ở mức độ đơn giản là một kỹ thuật viên - một trẻ và là điều trị bắt buộc dành cho những bệnh nhi mới đến can thiệp.

Vì tình yêu nghề, sau nhiều thời gian trăn trở, tìm tòi, chị Cao Thị Diệu Linh nghiên cứu thành công “Bộ dụng cụ phối hợp vận động tinh” với mong muốn giúp trẻ nhanh chóng vận động các giác quan bình thường. Bộ dụng cụ này là sự kết hợp giữa hoạt động trị liệu và hoạt động nhóm. Theo đó, một kỹ thuật viên và nhiều trẻ sẽ cùng tương tác.

Trong bộ dụng cụ, mặt trước có 6 cặp ống nhiều màu sắc và nhiều kích cỡ khác nhau, kỹ thuật viên sẽ để rổ bóng nhiều màu và to nhỏ khác nhau với các dụng cụ gắp. Lúc này, kỹ thuật viên có thể gọi một lúc 2 trẻ hay nhiều hơn cùng tham gia gắp bóng vào ống theo màu và theo kích cỡ.

“Khi sử dụng bộ dụng cụ này, các bé được thực hiện các hoạt động xúc, gắp, dán, nhận thức có sự thi đua, vui vẻ, hào hứng. Trẻ sẽ có động lực tham gia, vừa tập luyện vừa vui chơi, hợp tác hơn trong quá trình điều trị”, chị Diệu Linh nói.

Theo chị Diệu Linh, quan trọng nhất là bước vận hành, đánh giá phân loại từng nhóm trẻ để có hướng dẫn thực hiện các thao tác thông qua bộ dụng cụ cho phù hợp. Về sáng kiến “Bộ dụng cụ phối hợp vận động tinh”, anh Phạm Đức Quang, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Phục hồi chức năng đánh giá, trước đây 50 trẻ sau 3 tháng điều trị tỷ lệ tiến bộ chung là 32%, do trẻ ít có động lực tham gia, chưa có cảm giác vừa tập luyện vừa vui chơi, không có sự thi đua nên mau chán và ít hợp tác trong điều trị. Khi áp dụng bộ dụng cụ này, sau 3 tháng, tỷ lệ tiến bộ chung đạt 84%.

Sáng kiến của chị Diệu Linh có hiệu quả cao, giảm và rút ngắn thời gian tập, giảm thời gian, sức lao động của kỹ thuật viên, đồng thời có thể áp dụng rộng rãi trên nhiều trẻ ở các mức độ khác nhau. Đến nay, sáng kiến “Bộ dụng cụ phối hợp vận động tinh” đưa vào sử dụng đã tiết kiệm cho bệnh viện gần 300 triệu đồng.

“Điều đặc biệt mà sáng kiến mang lại chính là giúp cải thiện sức khỏe của trẻ, tạo sự thích thú, phối hợp được nhiều kỹ năng chơi, hiểu và biểu đạt ngôn ngữ; tăng cường kỹ năng tự phục vụ bản thân trong ăn, uống hằng ngày, tiến tới hòa nhập cộng đồng tốt hơn, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội”, anh Phạm Đức Quang nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Trà Giang

;
.
.
.
.
.
.