Mở lối cho trẻ khuyết tật

.

Mặc dù chương trình học dành cho trẻ khuyết tật (TKT) chỉ dừng đến lớp 5, nhưng Trường chuyên biệt Tương Lai Đà Nẵng đã có cách làm linh động để giúp các em được học thêm 3-4 năm nữa và vẫn miễn học phí.

Học sinh Trường chuyên biệt Tương Lai được học nghề tại trường.
Học sinh Trường chuyên biệt Tương Lai được học nghề tại trường.

Không chỉ tại Đà Nẵng, nhiều trường dành cho TKT trên khắp cả nước cũng chỉ dừng đến lớp 5. Con rời trường khi tuổi còn quá nhỏ nên hầu hết các bậc phụ huynh đều chịu cảnh để con ở nhà hoặc phải nhờ người trông rất vất vả. Chứng kiến những giọt nước mắt của phụ huynh khi không muốn con nghỉ học ở độ tuổi đó, thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai đã bàn với Hội đồng nhà trường tiếp tục triển khai việc dạy cho các em thêm 3-4 năm nữa. Dù ban đầu thầy Quy cũng vấp phải một số ý kiến phản đối, thậm chí có người cho rằng đó là việc làm “gàn dở” khi rước vất vả vào thân, nhưng bằng tâm huyết và trách nhiệm, thầy đã thuyết phục được tập thể. Vậy là, dù không xin được thêm biên chế và cũng không có thêm kinh phí, nhà trường vẫn cố gắng mở lớp dành cho TKT sau khi học xong lớp 5. Ban đầu (năm 2016), trường chỉ nhận 9 em, nhưng sau phải tăng lên 22 em do nhu cầu của phụ huynh quá nhiều.

Có lớp nhưng làm sao có chương trình học? Để giải quyết bài toán này, thầy Quy cùng một số giáo viên lâu năm, tâm huyết đã dành 3 tháng hè tập trung biên soạn chương trình lớp 6, 7, 8, 9 (tương đương chương trình sách giáo khoa lớp 4, 5 hiện hành) theo hướng chuyển tải lượng kiến thức cơ bản cần có và tăng cường kỹ năng tính toán, đọc hiểu đoạn văn cho các em. Một trong những cộng sự đắc lực của thầy Quy là cô giáo Trương Thị Ngọc Hà có thâm niên gần 20 năm. Cô Hà cho biết: “Chương trình mới cấp THCS cho TKT được chúng tôi biên soạn với phương châm tinh gọn, chắt lọc những cái cơ bản nhất và rõ ràng, dễ hiểu nhất có thể. Mục tiêu là làm sao giúp các em hòa nhập nhanh khi ra trường”.

Có kiến thức vẫn chưa đủ, các em còn cần có nghề để mưu sinh nên nhà trường đã mở thêm các nghề đơn giản, dễ nắm bắt như: làm nhang, kết cườm, rửa xe, gội đầu, cắt tóc... Buổi sáng các em học văn hóa, buổi chiều lại được học nghề theo sở thích. Chị Nguyễn Thị Thu, phụ huynh em T. (16 tuổi, nhà ở quận Hải Châu, học sinh lớp D7) cho biết, con của chị bị khuyết tật thính giác từ nhỏ. Trước đây, gia đình ở tỉnh Quảng Bình và T. chỉ được học đến lớp 5 rồi nghỉ. Khi gia đình dời vào Đà Nẵng, niềm vui mừng lớn nhất của chị là ở thành phố này có trường cho con tiếp tục học lên và lại được miễn phí. Theo chị Thu, lúc mới vào trường, T. chỉ có thể cộng, trừ đơn giản, nhưng sau gần 2 năm học, em đã tính toán được nhiều hơn và có thể tự viết một đoạn văn ngắn tả cảnh. Ngoài ra, T. còn được học nghề ở trường và đang học thêm nghề cắt tóc tại một cửa tiệm trên đường Nguyễn Hoàng để theo nghề này lâu dài.

Cũng bị khuyết tật trí tuệ từ nhỏ, H. (17 tuổi, nhà ở quận Thanh Khê) được ba mẹ gửi vào Trường chuyên biệt Tương Lai sau khi em không thể học ở trường công, do em cứ đánh bạn xong rồi lại cười. “Sau nhiều năm học tại Trường chuyên biệt Tương Lai, bệnh tình của H. giảm nhiều và cháu đã biết đọc, viết, làm phép toán cộng, trừ. Tuy nhiên, khi con học hết lớp 5, chúng tôi lại đau đầu lo lắng vì không đủ tiền thuê người trông con ở nhà, còn nếu ba hoặc mẹ nghỉ việc để trông con thì kinh tế gia đình không bảo đảm”, chị Hoa, mẹ H. nói. Rồi khi nghe tin nhà trường tiếp tục cho H. học miễn phí như trước, cả nhà như trút được nỗi lo nặng trĩu. Bây giờ, ngoài học văn hóa, H. còn được học làm nhang ngay tại trường. Mỗi ngày, H. làm được 2kg nhang, vượt xa các bạn cùng lớp.

Dẫu còn bộn bề nỗi lo như: nhang làm ra nhiều nhưng chưa tiêu thụ được, tìm nghề mới phù hợp với sức khỏe của các em, lo học sinh đăng ký quá đông trong khi cơ sở vật chất có hạn..., nhưng các thầy cô giáo nơi đây vẫn chấp nhận với mục tiêu cao nhất là giúp những đứa trẻ bệnh tật trưởng thành, cứng cáp hơn để bước vào đời.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.