Bộ Giáo dục-Đào tạo lên tiếng về tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục

.

Ngày 8-9, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ nêu quan điểm của Bộ GD&ĐT về việc triển khai tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. Theo đó, tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS, TSKH Hồ Ngọc Đại, được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội.

Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại Trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và bảo đảm các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương.

Cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai tài liệu này và đề xuất các giải pháp chỉ đạo.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã đánh giá việc triển khai tài liệu Tiếng Việt 1 - công nghệ giáo dục ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả. Trong báo cáo, Viện đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức Hội đồng thẩm định tài liệu theo quy định và đề nghị các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Tài liệu để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Trong năm 2017 và 2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1, cùng với việc rà soát, giảm các nội dung chưa phù hợp với học sinh trong sách giáo khoa hiện hành, Bộ đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục.

Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá tài liệu về cơ bản bảo đảm các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học (Theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5-5-2006 của Bộ GD&ĐT). Tài liệu đã được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo Kết luận của Hội đồng thẩm định.

Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định tài liệu, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các sở triển khai Tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tài liệu là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số. Khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định.

Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa (theo chương trình giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn sách giáo khoa phù hợp. (Theo TTXVN)

Ngày 8-9, trao đổi với gần 1.000 cán bộ, giáo viên đến từ các trường tiểu học, THCS, THPT của Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế tại hội thảo giới thiệu chương trình giáo dục phổ thông mới dành cho cán bộ quản lý và giáo viên, do Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới nêu một số vấn đề cơ bản trong chương trình giáo dục phổ thông mới như: vì sao phải đổi mới chương trình; cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng chỉ ra những điểm nhấn trong chương trình giáo dục phổ thông mới là trao quyền tự chủ cho giáo viên. “Vấn đề quan trọng nhất là chương trình chứ không phải sách giáo khoa. Do đó, cần phải trao quyền sáng tạo cho giáo viên. Tuy nhiên, trước mắt giáo viên chưa quen thì có thể dựa vào sách giáo khoa rồi dần dần chọn lọc kiến thức, tạo ra giáo án phù hợp với từng đối tượng”, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình giáo dục phổ thông cũng chú trọng chương trình giáo dục địa phương. Quá trình soạn thảo, ban soạn thảo đã lấy ý kiến của địa phương về phát triển nguồn nhân lực của địa phương đó.

Điều này do UBND tỉnh, thành phố trình Bộ GD&ĐT thẩm định. Nội dung giáo dục địa phương phải được soạn trước và bắt buộc phải mở. Các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới cũng phải có sự liên hệ với địa phương và có vai trò quan trọng chứ không bị xem nhẹ như trước đây.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh, buổi hội thảo nhằm cung cấp thông tin về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; đồng thời chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, truyền thông để đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. (NGỌC PHÚ - CTV)

;
.
.
.
.
.
.