Cần sớm đầu tư xây dựng Trường tiểu học Lý Tự Trọng

.

Hiện nay, sau 30 năm xây dựng, nhiều hạng mục của Trường tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu) đã xuống cấp và cần được đầu tư xây dựng mới để bảo đảm điều kiện dạy và học.

Sau gần 30 năm xây dựng, nhiều hạng mục của trường xuống cấp, tường bị bong, tróc, nhiều vết nứt, trần thấm dột, loang lổ...  		                Ảnh: NGỌC HÀ
Sau gần 30 năm xây dựng, nhiều hạng mục của trường xuống cấp, tường bị bong, tróc, nhiều vết nứt, trần thấm dột, loang lổ... Ảnh: NGỌC HÀ

Chờ duyệt phương án xây mới

Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ tháng 4-2015, lãnh đạo thành phố đã có quyết định chuyển đổi loại hình Trường bán công Năng khiếu Đà Nẵng thành trường công lập và lấy tên là Trường tiểu học Lý Tự Trọng (thuộc quận Hải Châu). Ngay từ khi mới thành lập (năm học 2015-2016), nhà trường kiến nghị UBND quận Hải Châu cải tổ, cơi nới phòng học phù hợp với công năng nên cũng đáp ứng công tác dạy và học những năm qua.

Tuy nhiên, sau gần 30 năm xây dựng, nhiều hạng mục của trường đã xuống cấp, tường bị bong, tróc, nhiều vết nứt, trần thấm dột, loang lổ... Theo bà Lan, một số hạng mục xuống cấp nghiêm trọng đã được nhà trường gia cố và sửa chữa tạm thời nên vẫn bảo đảm việc dạy và học trước mắt, nhưng về lâu dài cần được đầu tư xây mới.

Trước tình trạng trên, phương án xây mới Trường tiểu học Lý Tự Trọng đã được các ngành chức năng đặt ra. Ngày 19-3-2018, UBND thành phố ban hành Công văn số 1892/UBND-QLĐTư về giao nhiệm vụ chủ đầu tư, điều hành dự án Trường tiểu học Lý Tự Trọng cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng tiến hành các công việc liên quan như thẩm định, góp ý phương án kiến trúc công trình...

Theo đó, Sở Xây dựng đã thực hiện góp ý về phương án kiến trúc và báo cáo UBND thành phố; Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng có báo cáo kết quả thẩm định về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án. Trong báo cáo có kết luận: “Dự án Trường tiểu học Lý Tự Trọng đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các bước tiếp theo”.

Mới đây nhất, tại Báo cáo số 1662/BC-BDAXD ngày 21-8, Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng đã trình UBND thành phố đề xuất chủ trương đầu tư dự án Trường tiểu học Lý Tự Trọng với tổng mức đầu tư dự kiến gần 88 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách thành phố, thời gian thực hiện từ năm 2018-2020.

“Nhà trường đang tính việc tìm địa điểm phù hợp để di dời học sinh trong quá trình triển khai dự án. Nếu dự án triển khai đúng kế hoạch đề ra thì trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành một ngôi trường khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học”, bà Lan chia sẻ.

Cần có một ngôi trường xứng tầm

Theo bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu, trung bình hằng năm, quận Hải Châu tăng khoảng 300 học sinh. “Hiện nay, chúng tôi vẫn duy trì được 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, nếu số lượng học sinh tăng trong khi cơ sở vật chất không đáp ứng đủ thì sẽ rất khó khăn để các em tiếp tục học 2 buổi/ngày”, bà Hà nói.

Để giữ vững tỷ lệ đó, các trường trên địa bàn quận phải tận dụng hết cơ sở vật chất hiện có để phục vụ học tập như: sử dụng phòng tuyền thống, các phòng chức năng, thư viện... để làm phòng học. Không chỉ thế, một số trường như Trường tiểu học Trần Văn Ơn, Trường tiểu học Tây Hồ còn phải ngăn tiền sảnh thành các phòng học. Đó là chưa kể, một số trường tiểu học ở quận Hải Châu phải tăng sĩ số học sinh.

Đơn cử như Trường tiểu học Núi Thành tăng sĩ số học sinh trung bình lên 42- 44 em/lớp; trong khi theo quy định của Bộ GD&ĐT, sĩ số chuẩn của bậc tiểu học là 35-40 học sinh/lớp. Nói điều đó để thấy diện tích đất dành cho giáo dục trên địa bàn quận Hải Châu hiện khá eo hẹp, nhiều trường còn không bảo đảm diện tích sân chơi cho học sinh.

Hiện nay, quận Hải Châu chỉ có duy nhất Trường tiểu học Bạch Đằng đạt chuẩn quốc gia (bởi sĩ số học sinh ít nên chia trên diện tích vẫn bảo đảm), còn lại các trường khác đều không đạt do thiếu diện tích đất. Trong khi đó, Trường tiểu học Lý Tự Trọng nằm ở khu vực trung tâm thành phố và có diện tích đất lý tưởng với hơn 6.000m2, nhiều nhất so với các trường trên địa bàn.

  “Mặc dù là quận trung tâm nhưng trên địa bàn vẫn chưa có trường nào hiện đại mang tầm quốc tế để làm trọng điểm, xứng tầm cho các trường ở các địa phương khác về học tập”, bà Hà nói.

Không chỉ là nhu cầu về trường lớp, Trường tiểu học Lý Tự Trọng còn nằm ở vị trí hài hòa với không gian xung quanh. Theo phương án kiến trúc, công trình Trường tiểu học Lý Tự Trọng sẽ có một cầu đi bộ trên không nối từ sân trường sang bên kia đường (tương lai sẽ là công viên thành Điện Hải). “Tôi nghĩ vị trí ngôi trường khá đặc biệt, có thể kết nối với không gian văn hóa, lịch sử, càng tạo điều kiện thuận lợi đối với giáo dục truyền thống cho học sinh”, bà Phan Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng trường nói.

NGỌC HÀ - KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.
.