ĐƯA NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập

.

Với chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, vấn đề xã hội hóa (XHH) giáo dục được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng và đã được đưa vào Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 21-8-1997 của Chính phủ. Tại Đà Nẵng, thời gian qua, ngành giáo dục đã có nhiều chủ trương “mở” để khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập (NCL).

Nhiều năm trở lại đây, ngành giáo dục thành phố không khống chế chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 để tạo điều kiện cho các trường THPT NCL hoạt động. Ngoài ra, các trường NCL còn được chủ động quyết định thời gian tuyển sinh để phụ huynh và học sinh có thêm sự lựa chọn.

Thầy Lê Văn Duẫn, Hiệu trưởng Trường THPT FPT Đà Nẵng cho rằng, điều này giúp các trường NCL chủ động nguồn tuyển, phương thức tuyển phù hợp với từng trường. Tại Trường THPT FPT Đà Nẵng, việc tuyển sinh được chia thành nhiều đợt, và các em phải trải qua kỳ thi xét tuyển đầu vào là bài thi môn Toán logic của nhà trường, khác với đề thi lớp 10 THPT công lập.

Không chỉ “mở” trong tuyển sinh, thành phố còn tạo điều kiện cho các trường NCL bằng những chính sách ưu đãi như: ban hành quy định một số chính sách khuyến khích XHH đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề, y tế, công bố quy hoạch quỹ đất, hướng dẫn các địa phương xây dựng đề án quy hoạch trường, lớp, kế hoạch sử dụng đất để bảo đảm quỹ đất cho nhu cầu xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn.

Ngoài ra, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên mầm non NCL...

Riêng ở quận Hải Châu, dịp lễ, Tết, giáo viên trường NCL đều được hỗ trợ như giáo viên trường công lập. Bà Lê Thị Nga, Hiệu trưởng Trường mầm non - tiểu học - THCS Đức Trí (quận Hải Châu) cho biết, nhờ sự tạo điều kiện của thành phố mà các trường NCL có động lực phát triển.

Chẳng hạn, ban đầu Trường mầm non - tiểu học - THCS Đức Trí chỉ có một lớp học mẫu giáo, nhưng đến nay đã trở thành trường liên cấp 3 bậc học và đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Hay như Hệ thống giáo dục Sky-Line chất lượng cao liên cấp từ mầm non đến THPT đầu tiên tại Đà Nẵng hiện nay đón hơn 1.200 học sinh từ các vùng, miền trong nước và quốc tế đến học tập. Dự kiến, năm học 2018- 2019, Trường quốc tế Sky-Line chính thức được đưa vào sử dụng.

Thời gian qua, các trường tư thục tại thành phố phát triển theo hai con đường gồm: trường có yếu tố đầu tư nước ngoài (Trường mầm non One Sky của Hoa Kỳ, Trường Mitsuba của Nhật Bản, Trường quốc tế Việt Nam Singapore...) và các trường tư thục do các cá nhân, tổ chức trong nước đầu tư như: Hệ thống giáo dục Sky-Line, Trường mầm non - tiểu học - THCS Đức Trí...

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng trường công hay trường tư đều bình đẳng. Điều quan trọng là mỗi đơn vị phải phát huy được thế mạnh của mình. “Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các trường tư thục phát triển. Trong các hoạt động của ngành như: hội thi, tập huấn bổ sung kiến thức cho giáo viên..., trường công hay tư đều có cơ hội tham gia như nhau”, ông Nguyễn Đình Vĩnh nói.

KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.
.