Hướng tới đào tạo sinh viên phát triển toàn diện

.

Từ năm 2016, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã triển khai mô hình đào tạo theo phương pháp CDIO nhằm hướng tới đào tạo sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn và ý thức trách nhiệm với xã hội.

Từ chương trình đào tạo theo CDIO, sinh viên hình thành những thói quen tư duy, thiết kế và thực hiện, vận hành ý tưởng tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao.  Trong ảnh: Sản phẩm công nghệ mới tham dự triển lãm thường niên tại Triển lãm công nghệ BKDN – TECHSHOW.
Từ chương trình đào tạo theo CDIO, sinh viên hình thành những thói quen tư duy, thiết kế và thực hiện, vận hành ý tưởng tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao. TRONG ẢNH: Sản phẩm công nghệ mới tham dự triển lãm thường niên tại Triển lãm công nghệ BKDN – TECHSHOW.

CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate, nghĩa là Hình thành -  Thiết kế - Thực hiện và Vận hành ý tưởng) là một hệ thống các phương pháp và hình thức tích lũy tri thức, kỹ năng trong việc đào tạo sinh viên nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Khởi nguồn vào năm 2000 từ Viện Công nghệ Massachusetts - MIT (Hoa Kỳ), đến nay, mạng lưới các trường đại học áp dụng CDIO trên thế giới đang ngày càng được mở rộng.

Tháng 2-2016, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) chính thức khởi động dự án hợp tác triển khai CDIO giữa Trường Đại học Bách khoa (ĐHĐN) với Trường ĐH Singapore Polytechnic. Theo đó, các chương trình đào tạo (CTĐT) của ĐHĐN được đổi mới xây dựng theo “chuẩn đầu ra” với sự tham gia giữa nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp.

TS Huỳnh Phương Nam, Trưởng khoa Xây dựng Cầu đường (Trường Đại học Bách khoa) cho rằng, CDIO được thiết kế trên cơ sở khảo sát kỹ yêu cầu thực tế xã hội mà nhà tuyển dụng lao động đòi hỏi. Vì thế, dựa trên CTĐT theo CDIO, nhà trường dự kiến sinh viên khi tốt nghiệp cần có những kỹ năng gì đáp ứng các tiêu chuẩn mà nhà tuyển dụng đề ra.

Kế tiếp, nhà trường đánh giá năng lực sinh viên đang ở mức độ nào rồi tiến hành rà soát, điều chỉnh, cải tiến chương trình đào tạo để sinh viên đạt được mức độ cao nhất theo yêu cầu, hoặc bổ sung vào chương trình đào tạo những năng lực mà nhà tuyển dụng cần nhưng lâu nay nhà trường còn “bỏ ngỏ”, trong CDIO gọi là bước “phân tích khoảng trống”.

“Tôi cho rằng mô hình CDIO đã cung cấp khung chương trình đào tạo cực hay, logic, đặc biệt phù hợp với sinh viên ngành kỹ thuật. Hiện Khoa Xây dựng Cầu đường đang xây dựng lại khung chương trình đào tạo theo hướng dẫn của CDIO và đang áp dụng triển khai ở một số bộ môn, phổ biến ở môn đồ án.

Từ CTĐT theo CDIO, trước một bối cảnh cụ thể nào đó, sinh viên hình thành ý tưởng và từng bước giải quyết vấn đề. Nhiều phương án xử lý các nút giao thông tại thành phố được các sinh viên thiết kế và xây dựng khá tốt”, TS Huỳnh Phương Nam chia sẻ.

Hiện tại, CTĐT theo CDIO đã triển khai ở nhiều khoa như: Khoa Điện tử- Viễn thông, Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến, Khoa Xây dựng Cầu đường… CTĐT này đòi hỏi cả giảng viên và sinh viên năng động, không ngừng sáng tạo, tư duy.

Về phía sinh viên, đánh giá theo CDIO là liên tục cả một quá trình học tập, thậm chí trong từng buổi học chứ không phải theo đánh giá truyền thống dựa trên kết quả thi giữa kỳ, cuối kỳ. Đối với giảng viên, khi triển khai dạy theo CTĐT này, buộc phải thay đổi phương pháp so với cách giảng dạy truyền thống.

Họ phải nhận diện các tình huống để có phương pháp giảng dạy phù hợp; hợp tác cùng đồng nghiệp để phát triển các dự án liên môn; quản lý quá trình học tập và hỗ trợ người học tự đánh giá; tích hợp và khai thác công nghệ số một cách hợp lý; phát triển các phương pháp đánh giá thực tế; do vậy sẽ góp phần tạo ra được một đội ngũ giảng viên chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế.

Những năm qua, từ CTĐT theo CDIO, sinh viên đã có những nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm độc đáo, có tính ứng dụng cao, gắn với nhu cầu đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường như: máy in gốm 3D, bê-tông tự đầm mác cao, máy cắt vải định hình, điều khiển robot thông minh, hệ thống cảnh báo ô nhiễm môi trường, bản đồ phòng tránh hạn hán cho Đà Nẵng, máy đọc sách cho người khiếm thị…

Các chuyên gia về CDIO cũng cho rằng, để có thể tạo điều kiện tốt nhất cho CTĐT theo CDIO thì việc đầu tư cơ sở vật chất, tạo ra không gian làm việc CDIO là nhu cầu cần thiết. Tại Trường Đại học Bách khoa, cơ sở vật chất không ngừng cải thiện từ phòng thí nghiệm, nhà xưởng, thư viện, thậm chí những thứ tối thiểu như bàn ghế cũng phải tính đến như phải là bàn ghế rời để tiện cho sinh viên di chuyển cho đến sự chuẩn bị của tòa nhà nghiên cứu, hay còn gọi là tòa nhà 4.0 - nơi dành riêng cho sự sáng tạo của cả giảng viên và sinh viên. Bên cạnh đó, các khoa triển khai CTĐT theo CDIO cũng tổ chức các cuộc thi thiết kế quy mô nhỏ để khuyến khích sinh viên tư duy sáng tác và tạo ra sản phẩm công nghệ mới, tham dự triển lãm thường niên tại Triển lãm công nghệ BKDN – TECHSHOW…

PGS.TS. Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa nhìn nhận, với cách học này, sinh viên được trải nghiệm ứng dụng các công nghệ tiên tiến để có thể tự thiết kế, triển khai ý tưởng trở thành sản phẩm thực thụ, giúp sinh viên hội đủ thái độ, kiến thức và kỹ năng (giao tiếp, làm việc nhóm, thực hành ứng dụng…), đặc biệt là năng lực thực tiễn và ý thức vì cộng đồng.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.