Vì một Đà Nẵng phát triển bền vững

.

Nhân dịp tổng kết 15 năm (2003-2018) thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành ngày 16-10-2003 về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ (ảnh), Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) về sự hợp tác giữa ĐHĐN với thành phố và những đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW dưới góc độ của nhà khoa học.

a
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ 

* Xin ông cho biết những đánh giá khái quát về sự phát triển của thành phố sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị?

- Theo tôi, thành phố đã có bước phát triển nhanh và toàn diện. Quy mô nền kinh tế phát triển đạt trình độ cao nhất vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tương đương với các thành phố trực thuộc Trung ương khác (thu nhập bình quân đạt 3.300 USD/người), chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn trong top đầu; cơ sở hạ tầng phát triển khá đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, an sinh xã hội được cải thiện…

Tuy nhiên, những năm gần đây, thành phố dường như chưa tận dụng hết tiềm năng, thế mạnh để duy trì tốc độ phát triển cao như mong muốn. Động lực kinh tế cũ yếu dần nhưng chưa có động lực mới thay thế…

* Vậy thành phố cần thay đổi quan điểm và định hướng phát triển như thế nào trong thời kỳ mới? Đâu là những giải pháp để thành phố phát triển bền vững, thưa ông?

- Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động nhanh chóng và mạnh mẽ đến hầu hết mọi lĩnh vực. Bên cạnh những thách thức, thành phố có nhiều cơ hội để “đi tắt đón đầu” nếu có chiến lược phát triển dựa trên trình độ, năng suất nhân lực chất lượng cao và hạ tầng kỹ thuật số sẵn sàng cho cuộc cách mạng này.

Tôi cho rằng, đã đến lúc cần đổi mới quan điểm phát triển từ khai thác “cái sẵn có” sang dựa trên nền tảng “đổi mới sáng tạo” và hội nhập. Nhân lực chất lượng cao và chiến lược “thành phố thông minh” sẽ là nhân tố đột phá bên cạnh việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa để phát triển bền vững.

Từ quan điểm đã nêu, tôi cho rằng thành phố cần tập trung một số nhóm giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng kinh tế “đô thị thông minh”. Thành phố cần tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế, đem lại giá trị gia tăng cao, phân công lao động chuyên nghiệp, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như: dịch vụ y tế, giáo dục-đào tạo, du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, vận tải cảng biển, hàng không, logistics; công nghiệp, nông nghiệp sạch gắn với công nghệ cao, công nghệ thông tin gắn với đô thị sáng tạo khởi nghiệp…

Hai là, xây dựng “đô thị sáng tạo khởi nghiệp”, lấy hạt nhân là các khu công nghệ cao và ĐHĐN. Thành phố cần phát triển cơ sở hạ tầng quy hoạch đồng bộ và hiện đại, đi đầu ứng dụng mạng viễn thông 5G và hạ tầng kỹ thuật số phát triển Internet kết nối vạn vật (IoT) và các trung tâm dữ liệu lớn (Big Data); có chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư cho lĩnh vực này, tạo ra nhiều sản phẩm thông minh và thúc đẩy khởi nghiệp.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng phát huy lợi thế của một thành phố biển trên Hành lang kinh tế Đông-Tây kết nối với thế giới. Thành phố phải giải quyết căn cơ, lâu dài các vấn đề về đô thị như: giao thông công cộng, quy hoạch kiến trúc, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, phòng tránh biến đổi khí hậu…; hình thành thương hiệu du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế, “điểm đến” thu hút các nhà đầu tư, doanh nhân, du khách và nhân lực trình độ cao.

Bốn là, cần tạo động lực mới cho phát triển. Theo đó, thành phố cần tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý các cấp, kế thừa tinh thần quyết liệt đổi mới, sáng tạo; thay đổi tư duy từ mô hình kinh tế địa phương sang mô hình kinh tế “đô thị thông minh”; phát triển doanh nghiệp trong đó chú trọng khu vực kinh tế tư nhân; mở rộng thị trường dựa trên đổi mới sáng tạo, có khả năng tạo động lực, dẫn dắt, lan tỏa vùng cùng hội nhập.

Năm là, chú trọng phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo. Thành phố phải tăng dần quy mô dân số gắn với nâng cao chất lượng dân cư tương xứng, bảo đảm bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, chăm lo an sinh xã hội; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, môi trường; thu hút lao động chất lượng cao. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo hướng đến chuẩn mực quốc tế: đưa giáo dục STEM (kết hợp giữa khoa học kỹ thuật, công nghệ và toán học) vào quy trình giảng dạy và tăng cường ngoại ngữ, tin học cho học sinh ngay từ phổ thông; phát triển vững chắc giáo dục đại học với vai trò trung tâm nòng cốt, dẫn dắt của ĐHĐN.

Đại học Đà Nẵng thu hút nhiều giảng viên nước ngoài đến tham gia giảng dạy.  Ảnh: K.N
Đại học Đà Nẵng thu hút nhiều giảng viên nước ngoài đến tham gia giảng dạy. Ảnh: K.N

* Để thực hiện những giải pháp trên, theo ông, lãnh đạo thành phố cần tập trung vào những vấn đề gì trước mắt và cả về lâu dài?

- Công tác cán bộ có vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, cần đổi mới tư duy và cách làm sáng tạo, phù hợp, không “đóng khung” trong phạm vi nguồn cán bộ địa phương mà nên mở rộng “chiêu hiền đãi sĩ, thu hút nhân tài” từ Trung ương và các địa phương khác.

Đội ngũ tri thức, chuyên gia, cán bộ quản lý, khoa học từ ĐHĐN và các trường đại học có tiềm năng lớn cần được thực sự phát huy và trọng dụng như kinh nghiệm mà thành phố Hồ Chí Minh đã thành công. Lãnh đạo thành phố cần đề nghị Bộ Chính trị tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tổng kết Nghị quyết số 33-NQ/TW để ban hành nghị quyết mới về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ mới.

Nên chăng cơ cấu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng là Ủy viên Bộ Chính trị hoặc trong Ban Bí thư thì mới có đủ uy tín chính trị để dẫn dắt, quy tụ cho việc thống nhất về liên kết vùng.

ĐHĐN mong muốn lãnh đạo thành phố quan tâm, hỗ trợ, kiến nghị Trung ương, Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo về lâu dài thành lập Đại học Quốc gia Đà Nẵng trên cơ sở sắp xếp, đầu tư nâng cấp ĐHĐN và các trường trên địa bàn. Đây chính là bước đột phá góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ của khu vực và cả nước.

* Xin cảm ơn ông!

P.V

;
.
.
.
.
.
.
.