Đầu tư cơ sở vật chất xứng tầm cho giáo dục

.

Gia tăng dân số cơ học, sự hình thành các khu dân cư mới, khu công nghiệp... đã làm quy hoạch trường học tại một số địa bàn không còn đáp ứng nhu cầu thực tế. Bối cảnh và tình hình phát triển mới đặt ra yêu cầu thành phố cần xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học phù hợp với những định hướng mới, đáp ứng yêu cầu dạy và học trên địa bàn.

Vì thiếu phòng học nên nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận Liên Chiểu ưu tiên lớp 1 học 2 buổi/ngày. TRONG ẢNH: Học sinh Trường Tiểu học Âu Cơ trong giờ luyện tập. Ảnh: NGỌC PHÚ
Vì thiếu phòng học nên nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận Liên Chiểu ưu tiên lớp 1 học 2 buổi/ngày. TRONG ẢNH: Học sinh Trường Tiểu học Âu Cơ trong giờ luyện tập. Ảnh: NGỌC PHÚ

Bài 1: Quy hoạch trường học chưa theo kịp nhu cầu thực tế

Thành phố và các địa phương đang nỗ lực đầu tư xây dựng trường học đáp ứng nhu cầu của học sinh. Tuy nhiên những năm gần đây, số học sinh tăng đột biến do dân cư tăng mạnh khiến trường học quá tải. Trong khi đó, tại các địa bàn trung tâm, việc quy hoạch trường học chưa theo kịp nhu cầu thực tế.

Chưa đáp ứng hết nhu cầu 2 buổi/ngày

Từ năm 2017, hầu hết quận, huyện trên địa bàn thành phố về đích việc học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học. Riêng quận Liên Chiểu đến nay vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu này. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Liên Chiểu, do địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp kéo theo người dân đến sinh sống, làm việc tăng đột biến, số lượng học sinh tăng bình quân hằng năm lên đến 2.500 em.

Chỉ tính riêng cấp tiểu học tăng bình quân hằng năm 900-1.000 em, tương đương số lượng học sinh 1 trường tiểu học. UBND thành phố và UBND quận rất quan tâm xây dựng, sửa chữa trường học để bảo đảm nhu cầu dạy và học nhưng vẫn không đáp ứng sự gia tăng số lượng học sinh rất lớn hằng năm.

Hiện nay, số học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày của quận Liên Chiểu là 11.871 em, đạt tỷ lệ 74%. Các trường có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp, gồm: Trường Tiểu học Trưng Nữ Vương (phường Hòa Hiệp Nam), Trường Tiểu học Âu Cơ, Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (phường Hòa Khánh Bắc), Trường Tiểu học Phan Phu Tiên (phường Hòa Khánh Nam), Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Trường Tiểu học Duy Tân (phường Hòa Minh).

Ghi nhận của chúng tôi, Trường Tiểu học Âu Cơ nằm gần Khu công nghiệp Hòa Khánh hiện có 31 lớp học nhưng chỉ 21 phòng học, đáp ứng chưa đến 20% số học sinh học 2 buổi/ngày.

Trước thực trạng này, thầy Phạm Tấn Sỹ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ kiến nghị của nhà trường và Phòng GD&ĐT, UBND quận Liên Chiểu vừa đầu tư xây dựng khối nhà 3 tầng, gồm 10 phòng với tổng kinh phí 10 tỷ đồng, sẽ đưa vào sử dụng cho năm học 2021-2022.

“Khối nhà 3 tầng nâng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt khoảng 60%. Nhà trường mong muốn trong thời gian tới thành phố và địa phương tiếp tục đầu tư để 100% học sinh được học 2 buổi/ngày nhằm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT”, thầy Sỹ nói.

Trường Tiểu học Ngô Sỹ Liên (phường Hòa Khánh Bắc) xây dựng trước khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trường có diện tích nhỏ, nhưng số lượng học sinh lên đến trên 1.300 em. Thầy Nguyễn Kha, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện tại trường chỉ đáp ứng được 50% (16/32 lớp) học sinh học 2 buổi/ngày nên chỉ ưu tiên cho lớp 1 và các học sinh theo học bán trú của các khối 2-5.

Để giảm tải cho Trường Tiểu học Ngô Sỹ Liên, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Hòa Minh) được thành lập năm học 2015-2016. Sau 3 giai đoạn xây dựng, đến nay trường có 32 phòng học.

Cô Nguyễn Trần Lê Hồng Trinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ năm học đầu tiên trường chỉ có trên 500 học sinh, bảo đảm học 2 buổi/ngày. Nhưng đến năm học 2020-2021, số học sinh tăng lên trên 1.600 em nên hiện tại học sinh học 2 buổi/ngày chỉ đáp ứng khoảng 63%.

“Sau khi nhà trường làm tờ trình gửi lên cấp trên để mở rộng lớp học, đến nay, UBND quận đã về khảo sát và quyết định đầu tư xây dựng giai đoạn 4 với 10 phòng. Việc đầu tư thêm phòng trong thời gian đến sẽ nâng cao tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày”, cô Hồng Trinh cho biết.

Tình trạng nói trên, theo cô Hồng Trinh, là do thay đổi trong khâu tuyển sinh. Những năm đầu, chỉ những học sinh có hộ khẩu hoặc tạm trú có nhà ở địa phương được tuyển sinh vào Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Song vài năm trở lại đây, quy chế tuyển sinh của địa phương cho nhận học sinh tạm trú không có nhà ở nên dẫn đến số học sinh vào trường tăng đột biến.

“Trong vòng 2 năm nữa, nếu việc tuyển sinh đông như vậy thì kế hoạch dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ khó đạt yêu cầu. Đơn cử, năm học 2021-2022, khối 5 có 4 lớp ra trường, nhưng theo khảo sát có đến 9 lớp 1. Vì vậy, tỷ lệ học 2 buổi/ngày không bảo đảm”, cô Hồng Trinh lo lắng.

Việc học sinh không được học 2 buổi/ngày rất thiệt thòi. Thầy Nguyễn Hỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Phu Tiên (phường Hòa Khánh Nam) cho biết, phụ huynh của trường đa phần là công nhân ở khu công nghiệp. Họ đi làm cả ngày, nhiều người ở xa không thể đưa ông bà nội/ngoại vào chăm sóc hộ con cái nên phải gửi con vào các trung tâm, vừa tốn tiền, vừa không bảo đảm.

Trước thực trạng này, Phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết, đến năm học 2021-2022, đơn vị sẽ chỉ đạo các trường học tập trung tất cả nguồn lực để 100% học sinh lớp 1 và 2 được học 2 buổi/ngày. Đồng thời, tham mưu UBND quận, UBND thành phố triển khai thực hiện theo lộ trình đề án xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học trên địa bàn quận Liên Chiểu giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên hiện nay, các trường tiểu học: Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Âu Cơ, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Văn Trỗi đã quá tải về số lượng học sinh/lớp (48-50 học sinh/lớp) và quỹ đất xây dựng hạn chế nên địa phương mong muốn UBND thành phố ưu tiên việc xây thêm trường nhằm bảo đảm 100% học sinh được học 2 buổi/ngày.

Nhiều trường quy mô nhỏ

Không chỉ thiếu lớp học để đáp ứng cho việc học 2 buổi/ngày của học sinh, nhiều trường tại địa bàn quận Hải Châu có quy mô nhỏ, chưa xứng tầm đối với một thành phố đô thị khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho biết, những năm gần đây, cơ sở vật chất 3 bậc học trên địa bàn quận được thành phố quan tâm. Đối với bậc tiểu học, quận về đích dạy học 2 buổi/ngày từ năm 2016.

“Việc đầu tư cơ sở vật chất cho ba cấp học tương đối tốt, đủ khả năng để tiếp nhận học sinh trong độ tuổi ra lớp và gánh cho các địa phương khác. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là xây dựng trường chuẩn quốc gia. Bởi diện tích trên đầu học sinh không có, sĩ số học sinh trên lớp cao, diện tích nhiều trường nhỏ, không thể mở rộng”, bà Hà cho hay.

Đơn cử, Trường Mầm non 30-4 nằm tại kiệt 34/5 đường Thi Sách (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) có diện tích đất chưa đến 600m², được xây dựng 3 tầng, 9 phòng học, đưa vào sử dụng từ năm học 2015-2016. Do trường có diện tích chật hẹp nên nhà trường phải tận dụng từng góc để bố trí các khu trò chơi cho trẻ.

Các hoạt động lớn nhà trường phải “mượn” khu vui chơi công cộng nằm cạnh trường. Để phục vụ các điều kiện học tập cũng như đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, nhà trường có nhiều kiến nghị lên cấp trên nhằm chuyển đổi vị trí trường sang một khu mới rộng hơn. Tuy nhiên, hiện nay, quỹ đất dành cho giáo dục tại địa phương khan hiếm nên theo Ban Giám hiệu nhà trường muốn tăng lớp thì chỉ có cách nâng tầng trường học.

Trường Tiểu học Trần Thị Lý nằm trên đường Thanh Sơn (phường Thanh Bình) có diện tích chưa đến 1.300m² đất, quy mô xây dựng 3 tầng, 20 lớp học, 4 phòng chức năng. Tuy bảo đảm cho học sinh học 2 buổi/ngày song sân chơi hẹp, nhà vệ sinh chật và ít nên không bảo đảm tốt các điều kiện cho học sinh.

Nhà trường phải tổ chức thư viện mở ở các hành lang để kéo giãn học sinh đến đọc sách trong giờ ra chơi. Với diện tích chật hẹp như vậy, Trường Tiểu học Trần Thị Lý cũng không thể đáp ứng để xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đây cũng là thực trạng tại Trường tiểu học Lê Lai (phường Thạch Thang, quận Hải Châu).

Ngôi trường ở trung tâm thành phố nhưng diện tích đất chỉ vỏn vẹn 1.360m², quy mô xây dựng 4 tầng, 18 lớp học. Cô Trần Thị Tường Vi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường thiếu phòng chức năng, bộ môn. Cạnh đó, sân trường nhỏ nên việc tổ chức các hoạt động cũng gặp khó khăn.

“Nhà trường vui mừng vì quận đã quyết định đầu tư xây dựng thêm 4 phòng. Đây là cơ hội để tuyển sinh thêm các lớp 1 trong thời gian đến”, cô Vi nói.

Nằm sâu trong đường kiệt trên tuyến đường Điện Biên Phủ cũng là một trong những bất lợi của Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu (quận Thanh Khê). Nhiều phụ huynh cho biết, rất bất tiện khi đưa đón con, nhất là giờ tan học.

Theo ông Lại Tiến Hương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê, ngoài khó khăn trong việc đi lại còn khó khăn trong công tác tuyển sinh. Ngành giáo dục địa phương đã kiến nghị thành phố di dời trường nhưng chưa tìm ra vị trí phù hợp.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.