Người thầy tâm huyết với giáo dục

.

Ở vị trí công tác nào, thạc sĩ Phạm Đình Kha, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn) cũng luôn nhớ đến lời dạy của Bác Hồ: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng”…

Đưa những trang sách bổ ích đến học sinh

Sau 5 năm làm Phó hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, năm 2010, thầy Phạm Đình Kha được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) điều động làm Phó trưởng phòng Trung học thuộc Sở GD&ĐT. Trong quá trình công tác, thầy luôn tâm nguyện làm hết sức mình, tất cả vì học sinh thân yêu. Thầy Kha chia sẻ, những ngày đầu về Sở GD&ĐT công tác, giám đốc đã giao nhiệm vụ đưa nội dung giáo dục giới tính - tình dục - sức khỏe sinh sản vào trường học từ lớp 6-12. Đây là một nội dung rất mới mẻ. Sau nhiều tháng tìm tòi, nghiên cứu, viết đề án và tìm đối tác để thực hiện, thầy Kha mới vỡ lẽ ra một điều, tại các nước phát triển đã xây dựng chương trình này từ cấp tiểu học, trong khi Việt Nam lại tích hợp vào chương trình môn Sinh học với thời lượng rất ít.

Trong quá trình nghiên cứu, nhận thấy tại Hà Lan đã có chương trình rất bài bản, quy mô, thầy Kha đã liên hệ với Rutgers WPF (tổ chức phi chính phủ Hà Lan về giáo dục giới tính) để thuyết minh về đề án và được đối tác đồng ý tài trợ. Hạnh phúc hơn khi được UBND thành phố và Bộ GD&ĐT đồng ý, ông Bùi Văn Tiếng (lúc bây giờ là Trưởng ban Tổ chức Thành ủy), Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Minh Hùng (nay đã về hưu) và chuyên gia đầu ngành về Tâm lý và Sinh học Lê Quang Sơn nhiệt tình ủng hộ và giúp đỡ, cuốn sách “Thế giới Tuổi hoa” dành cho lớp 6-9 và sách “Hành trang Tuổi hồng” dành cho lớp 10-12 của thầy Kha đã ra đời. Khi dự án được triển khai đại trà trong các trường THCS đến THPT, đã được sự đón nhận nhiệt thành, trân trọng của các thầy cô giáo và học sinh.

Sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được lãnh đạo Sở GD&ĐT giao nhiệm vụ viết tài liệu để các trường trung học dạy Lịch sử biển, đảo Việt Nam, trong đó có huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng. Nhớ lời Bác dạy, “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, thầy Kha cùng với nhà giáo Hoàng Văn Khánh (hiện thầy đã mất) nhiều ngày đọc tài liệu, thảo luận thống nhất đưa các nội dung, sự kiện, dữ liệu xây dựng khung chương trình sách giáo khoa, trình lãnh đạo Sở GD&ĐT và Ban Tuyên giáo Thành ủy thẩm định.

Được sự thống nhất của các cấp, hai thầy bắt tay vào viết bản dự thảo, có sự hỗ trợ của nhà nghiên cứu sử học Bùi Văn Tiếng, bản thảo đã hoàn thành. Thầy Kha gửi xin ý kiến của Bộ GD&ĐT và được đồng ý đưa vào dạy học trong các trường trung học Đà Nẵng. Nhà xuất bản Giáo dục phát hành 2 cuốn sách dày 75 trang in, trong đó, riêng lịch sử Hoàng Sa là 21 trang. Những trang lịch sử Hoàng Sa được đưa vào dạy học trong giờ học chính khóa đáp ứng được lòng mong muốn, tình cảm, tình yêu thiêng liêng của thầy, trò và phụ huynh.

Đưa chất lượng ngôi trường vùng ven đi lên

Năm 2016, thầy Phạm Đình Kha được Sở GD&ĐT bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công.  Đây là ngôi trường nằm ở địa bàn còn khó khăn tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, nên khi nhận nhiệm vụ, ngoài việc phát triển xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, thầy Kha tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất nhà trường. Thầy chủ động làm việc với các ban, ngành địa phương và thành phố nhằm ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường. Trước sự tâm huyết của người hiệu trưởng, ngôi trường ban đầu chỉ có 1 dãy nhà 3 tầng gồm 10 phòng học, sau 2 năm, trường đã có đầy đủ các phòng học, phòng bộ môn, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng, sân bóng đá, hồ bơi khang trang...

Thầy Kha cùng Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện tốt việc đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ của nhà trường, đẩy mạnh đổi mới giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm; chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác chủ nhiệm, phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin. Giáo viên nhà trường được yêu cầu chú trọng đến việc dạy học phân loại học sinh theo từng đối tượng; từ đó, kích thích sự sáng tạo, năng lực học tập, rèn luyện phù hợp và tìm ra những học sinh có năng khiếu, năng lực trong từng môn học để bồi dưỡng vào đội tuyển học sinh giỏi cấp thành phố.

Từ ngôi trường có số học sinh tham gia thi học sinh giỏi cấp thành phố đếm trên đầu ngón tay, những năm học gần đây, nhiều học sinh Trường THPT Võ Chí Công đã thi và đạt giải cao; tỷ lệ tốt nghiệp qua các năm đều tăng cao, riêng năm học 2019-2020 đạt 99,48% thuộc nhóm trường có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cao của thành phố; trường được Sở GD&ĐT đánh giá 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ngoài việc đóng góp những cuốn sách hay, thầy Kha còn biên soạn tài liệu tích hợp dạy học theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình lịch sử lớp 12, áp dụng từ năm học 2019-2020 tại trường. Những nỗ lực của thầy Phạm Đình Kha đã giúp ngôi trường vùng ven nâng cao chất lượng, được phụ huynh tin tưởng; bản thân thầy Kha được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp.  

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.