.

Nhạc cụ dân tộc - Quá ít người chơi

.

Bạn chỉ cần bỏ ra 3 tháng chăm chỉ học tập là đã có thể đánh thành thạo đàn organ. Chỉ mất khoảng 6 tháng để thành thạo ghi-ta. Cần hơn 1 năm để trở thành tay trống. Và nếu may mắn, cũng chừng ấy thời gian đã có thể trở thành ngôi sao ca nhạc với thu nhập cao. Nhưng, bạn sẽ phải mất gần 10 năm mới có thể sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc như: đàn bầu, sáo trúc, đàn tranh… vậy bạn chọn hướng đi nào?

 Liệu trong số các em có ai theo đuổi đến cùng bộ môn mình đang học?

Hiện nay, rất nhiều người trẻ đã không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền kha khá để theo học một lớp nhạc cụ nào đó. Nhưng có quá ít người chọn cho mình những lớp nhạc cụ truyền thống. Đến Nhà Thiếu nhi thành phố mới thấy, trong khi học sinh các lớp đàn organ, piano luôn ngồi kín phòng với không dưới 20 em thì 3 lớp đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc cộng lại cũng chưa đến con số 30. 

Một cô giáo dạy lớp  đàn  tranh (xin được giấu tên) chia sẻ: “Các em là tương lai của đất nước nhưng bây giờ nói đến nhạc cụ truyền thống thì không mấy em hình dung ra được. Phụ huynh khi đem con đến đây học, từ người trẻ đến người lớn tuổi, hiếm người nào cho con theo học các lớp nhạc cụ dân tộc chỉ vì xem nó đã lỗi thời, quê mùa, không hiện đại như organ hay sang trọng như piano”.

Tình trạng này ở Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật thành phố cũng không lấy gì làm sáng sủa. Trong khi năm nào nhà trường cũng có tuyển sinh bộ môn nhạc cụ dân tộc nhưng không mấy người trẻ tham gia. Ở niên khóa 2007-2008 tuyển được 3 em, nhưng đến thời điểm này chỉ còn 1 em môn sáo trúc còn theo học; đợt tuyển sinh niên khóa 2008-2009 vừa qua, trường lại đưa ra chỉ tiêu nhưng không tuyển được em nào. “Bạn em bây giờ đi học ghi-ta và organ là chính, chẳng có đứa nào học nhạc cụ dân tộc cả. Học ghi-ta được biểu diễn thường xuyên; còn nhạc cụ truyền thống cũng muốn học cho biết nhưng học rồi để đó, có khi nào đụng tới”, một sinh viên Trường Đại học Bách khoa nói.

Một lãnh đạo Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật thành phố trăn trở: “Nhiều năm qua, học sinh lớp nhạc cụ dân tộc khi ra trường, cầm tấm bằng trong tay đi xin việc rất khó có cơ hội. Thực trạng chung hiện nay là các em không yên tâm để học, khi trong đầu cứ luẩn quẩn câu hỏi:

Học rồi sẽ về đâu, làm gì?”. Bạn Trương Công Sinh, học sinh khoa nhạc cụ dân tộc 1, chuyên ngành sáo trúc, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật thành phố tâm sự: “Lúc đầu học khó, lại thấy các bạn bỏ hết nên cũng nản lắm. Nhưng càng học càng thấy đam mê nên quyết tâm theo học. Cũng chưa biết học xong sẽ làm gì, xin về đâu và có ai nhận hay không, nhưng bây giờ đã theo rồi nên không muốn bỏ”. 

Nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú sáo trúc Đinh Mạnh Hùng trăn trở: “Trong thời gian qua, Nhà nước đẩy mạnh chủ trương giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống, nhưng trên thực tế nó đang mai một dần. Riêng với loại nhạc cụ truyền thống, học vốn đã khó, muốn thành tài có khi phải mất gần nửa đời người.

Một thực tế cho thấy, những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa lại rất có năng khiếu. Vì vậy, cần có chính sách ưu đãi đối với những em đang theo học như miễn học phí, tạo đầu ra ổn định để giúp các em có thể nuôi dưỡng được vốn quý đã học. Văn hóa truyền thống là linh hồn của dân tộc, người nước ngoài khi đến Việt Nam cũng chỉ hỏi về nó. Bây giờ mình không giữ, chỉ sợ khi thế hệ như chúng tôi mất đi, liệu còn mấy ai biết nữa?”.

KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.