.

Đi và những chuyện tản mạn

Bản mệnh của tôi đặt ở cung “thiên di”, vì thế ngay khi khép cửa căn phòng lặng lẽ của mình, tâm tưởng tôi vẫn trôi dạt đâu đó ở những đường chân trời. Trong ý nghĩ của tôi, hình ảnh con người hiện lên là hình ảnh của những loài chim di trú.

Giờ đây trong những lúc đặt để thân tâm mình nơi phố thị ồn ào, tôi vẫn ngước mắt lên để vọng tưởng đâu đó, để nhớ mông lung ai đó mà mình từng gặp trong đời. Cơn cớ đỏng đảnh của lòng khiến tôi cứ nghĩ, mặt đất nhân thế vừa rộng vừa hẹp này chỉ là những ô vuông mà cuộc đời mình đã may mắn qua lại trên đó mỗi ngày theo sự sắp xếp tình cờ nào đó của số phận.

Và tôi đã cố gắng di chuyển cho hết qua những ô vuông ấy, để được nhìn ngắm, gặp gỡ, được học hành và viết,… Nguyễn Tuân ngày xưa đã thèm đi để “thay thực đơn cho giác quan”. Tôi ngày nay được đi vì không một thổ thần bổn xứ nào chấp nhận kẻ lông bông cứ ở một nơi mà lòng thì trăm ngả đi về.
 
Từ đấy trên những hành trình mải mê như sông về phía trước, đi là cách may mắn để tôi thoát ra được những ràng buộc hệ lụy của đời sống hằng thường, để sống với những giấc mơ giữa ngày của mình trong đời, để được gặp gỡ mọi người trên khắp dặm dài nước Việt, để được học và nhớ,… để lòng mình luôn hoài thai những ngọn gió ký ức miên man thổi qua, để nghe sợi tóc bạc trên đầu thì thào xanh lại.

Những năm học đại học ở Huế, cứ vài ba tháng là tôi “mất tích” vài ngày trên lớp học để đi. Luận đề học Văn của tôi ngày ấy là Đi + Đọc + Viết. Và thế là với cây bút, cuốn sổ trong tay, tôi lang thang vẹt mòn những con phố Huế, phố Hà, phố Hội, đến hầu hết những cửa sông của miền Trung, ra tận tới làng Cảnh Dương dưới chân Ròn (Quảng Bình) chỉ vì để xem cái làng đã tả trong bài học “Cảnh Dương ngày nay” ở SGK thời tiểu học có đúng không, đi bộ dọc con đường được lát những viên đá trên cát mà những cặp vợ chồng mới cưới đã hiến tặng coi như là một thứ “hiện vật” thay thế tiền cheo đóng góp cho làng… Ngày ấy thèm đi đến mức, hai thằng bạn rủ nhau nhảy tàu chợ ra tận ga Vinh, xuống sân ga ngó quanh rồi lại nhảy tàu trở vô lại Huế…

Những chuyến đi dài, những chuyến lang thang nhiều vô kể đã cho tôi bao nhiêu là “bài học”. Ra thủ đô, khi ngồi ở phố cà-phê Hàng Hành lại gặp một ông già Hà Nội cũng mê đi. Ông này mê đến mức bán hết đồ gia bảo của cụ ông rồi lang thang tới Đông Đức, tới Tiệp để ngó xem cái thứ dân bô-hê-miêng trời Âu có thiệt không, nó sống ra sao rồi về… Hai ông bạn vong niên giữa đường đèo nhau trên chiếc xe đạp mi-sa nhỏ xíu lên Mỹ Đình để xem thằng Iran đá bóng với người Việt Nam thế nào.

Ở đấy tôi “ngộ” ra một điều: tôi có thể mê bóng đá, một môn thể thao mà trước đây khi đọc chút Thiền học và văn hóa cổ Hy-La, tôi thấy nó thật “man rợ” khi mấy nghìn người cứ ngồi thản nhiên xem, hò hét để 22 “nhân mạng” đồng loại của mình đổ mồ hôi, sôi máu lên mà tranh nhau đưa trái bóng vào lưới tựa như một đấu trường La Mã. Chỉ vì mê sư phụ “xê dịch” này nên tin luôn mấy lời này:

bóng đá giúp người ta lấy lại tinh thần tranh đấu, một cuộc tranh đấu sòng phẳng minh bạch giữa ba quân thiên hạ và luôn biết cùng đồng đội mà đi lên và chiến thắng; bóng đá không cho phép người ta lùi bước, ý chí bóng đá gần với ý chí thiền học, hiểu chưa? Tin vậy, chứ kiểu tư duy “tung - hoành” của người dọc ngang như vậy thì khó mà cảm được, nhưng quả là một bài học đã làm rung rinh nhiều ý niệm mà mình có được trên đường du hành…

Những ngày ở Đà Nẵng, nơi những con đường thiếu cây xanh quang hợp nên càng khát đi. Năm 1998, trong chuyến đi Lào Cai - Trung Quốc, đoàn công tác gồm 10 giáo viên giỏi nhất đi làm nhiệm vụ của Sở GD-ĐT không hẹn mà lại tập trung hầu hết những người mang máu “giang hồ” xê dịch. Thế là giữa cái nắng hanh vàng xứ Bắc vừa tan sương xuân, chuyến tàu ngược Tây Bắc đến Lào Cai vừa vào ga thì gần 2/3 người trong đoàn đã “ra đi”, í ới mãi không được.

Chỉ đến khi Đoàn làm việc với sở tại thì gần 10 người kia mới có mặt đúng giờ. Và ngoài giờ thì đủ mọi chuyện để kể: café Cốc Lếu nhìn hai ngọn nước Trung Hoa đổ từ Vân Nam về thành đầu nguồn sông Đà - nước Việt, rượu ngô Bát Xát, Đền Thượng, cửa Hà Khẩu nơi Phạm Duy viết ca khúc nổi tiếng “Bên cầu biên giới” trước khi rời núi rừng về lại Hà thành,… Trập trùng núi, sương, hơi rượu ngô Bát Xát, rượu táo Mèo, cơm lam, rồi Sa Pa mù sương, chợ tình đỏ thắm áo quần thổ cẩm của một rừng người Mông, Dao, Thái, Sán Dìu,... đi chợ phiên và họp bạn, mọi thứ bồng bềnh, mênh mang... Cả Đoàn gần như bị “sa” vào bẫy của vẻ đẹp Tây Bắc đến mức Trưởng đoàn cứ sợ bị lỡ việc… Vì thế sau khi về Đà Nẵng, tay trưởng đoàn đánh giá chuyên môn thì rất tốt, nhưng rút kinh nghiệm lần sau phải tìm hiểu kỹ chuyện có mê đi trước khi thành lập Đoàn!?

Mê đi đến mức, tôi đưa cả “đại bản doanh” đang yên ấm từ Trung vào giữa Sài Gòn, để từ đây có thể “lấn chiếm” và ngang dọc vùng kinh rạch, miệt vườn phương Nam mà mình đã nhiều lần nghe cụ Đoàn Giỏi, cụ Sơn Nam kể qua sách vở. Chuyện này cũng làm ồn ào quê nhà một đoạn và cũng phải tìm ra vài ba lý do hợp lẽ nào đó để thưa chuyện với hai bên gia đình. Vào Sài Gòn tôi mới biết người phương Nam tấp nập đi hơn là mình tưởng, họ đi không cần tay nải kỹ càng như người miền Trung.
 
Và cũng ở đây, tôi mới thấy thèm nhớ những đám mây bông trắng nõn vùng duyên hải miền Trung. Suốt một năm rồi ngày nào tôi cũng ngước mắt nhìn trời xem thử có nó không và nghĩ rằng, nắng nôi phương Nam và độ ẩm quá cao của vùng sông nước hình như đã khiến ở đây thiếu nhưng cây bông “đùn sóng” trắng xóa trong thơ Thôi Hiệu.
 
Người Sài Gòn ai cũng rất bận, nhưng chỉ duy nhất những đám mây màu xám tro là rảnh rang lang thang dòm ngó và giỡn đùa với người mặt đất khi ba hồi vô cớ cứ ném mưa xuống chỗ nào coi được, khiến trời đang nắng to bỗng đổ xòa những nước là nước như người ta tưới cây cho một quận. Ra khỏi nơi ấy vài cây số lại thấy trời ráo hoảnh…

Đi muôn nơi và nhớ một nơi. Đi muôn ngả đường để thấy chỗ cuối con đường bao giờ cũng là nhà mình, làng mình. Nhà mình thì cũng cột cũng kèo, cũng ngói cũng cây vườn như người ta, làng mình thì cũng nhỏ cũng cơ hàn,… nhưng đâu đó trong nhà, trong làng có một thứ khó gọi tên ngọt ngào mà con người ta trong thăm thẳm của đêm, trong chập chờn mất ngủ giữa ngày mới biết rõ nó là cái gì.

Thật khó gọi tên, thật khó cắt nghĩa, chỉ biết nó lẫn đâu đó trong những ngọn gió qua đường, buộc chặt ta trên những chuyến xe đời gian nan, để nơi đường chân trời lẻ bóng, ta vẫn thấy ấm áp tin rằng nước Việt dặm dài mà thân thuộc, quê nhà xa mà gần, và người ở bốn phương trời như cha mẹ anh em của ta…

Với những cuộc đời vừa trôi vừa trổ bông của kẻ yêu thú “xê dịch”, đi là để trở về, đi để có ngày hành hương… Người không đi khó ai hiểu rõ được điều giản dị này!

LÊ QUANG ĐỨC

;
.
.
.
.
.