.

Văn nghệ sĩ với Tết

Thanh Tịnh: Văn chương và bánh chưng

Nhà thơ Thanh Tịnh xa quê 30 năm và đón Tết một mình cũng đủ 30 lần. Nhưng đối với ông, ngày Tết luôn phải vui vẻ. Buồn đến chết Tết cũng vui, ông nhắc đi nhắc lại câu ấy mỗi khi hoa đào nở. Và như đã thành tục lệ, dù là ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân, mỗi Tết trong phòng ông đều có bánh chưng, hoa đào và dĩ nhiên là có cả báo Tết. Đồng thời cũng có những câu đối do chính ông viết.

Có một năm, đã 30 Tết rồi mà ông chưa nghĩ được vế của câu đối mà ông định viết tặng một người bạn rất thân. Nhìn chiếc bánh chưng, cành đào nhỏ và tất nhiên là cả chồng báo Tết của ông, có người bạn tức cảnh làm mấy câu thơ:

Tết nhất năm nay bác rất xôm

Bánh chưng xếp lộn với văn chương

Cành đào hé đúng mười ba nụ

Câu đối mừng ai viết nửa chừng

Nghe vậy nhà thơ xứ Huế cười xí xóa “Mới chiều 30 mà. Thời gian từ đây đến giao thừa còn dài dài. Thế nào rồi tôi cũng làm xong. Với tôi “tuổi tuy hưu nhưng trí chưa hưu” mà.

Thế Lữ: “Tương kế tựu kế”

Vì phải giữ mục Tin thơTin văn… vắn của báo Ngày nay nên Thế Lữ phải lấy bút danh là Lê Ta để ký tên dưới các bài. Tết Mão năm ấy bài gửi về tòa soạn nhiều, nhưng mục câu đối xem ra thưa thớt lắm. Phải chăng đã qua thời bút lông đến thời bút sắt, bút chì nên vắng các ông đồ, vắng câu đối Tết? Không thể thế được dẫu là bút gì đi nữa. Tết nhất cũng phải có “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” mới ra Xuân ra Tết chứ. Nghĩ vậy, Lê Ta đành phải ra tay. Ông làm một vế đối như sau:

Tết năm Mão, ông lão dê mua hoa mõm chó, gói giấy mỡ gà, đem tặng cho mèo mà không biết hổ.

Câu đối đủ cả gà, mèo, chó, hổ, dê - những con vật trong lịch 12 con giáp. Rõ là hay tuyệt cú mèo, nhưng nhà thơ không tài nào nghĩ được vế đối thứ hai cho chỉnh… Sau cùng ông cũng cho đăng báo và chua một dòng “những câu đối lại hay nhất sẽ được đăng báo vào số xuân tới và sẽ được nhận phần quà đặc biệt do Lê Ta tặng”. Rõ là một nhà báo vừa hóm hỉnh vừa thông minh, lúc nào cũng biết “tương kế tựu kế”.

Hồi còn làm báo Ngày nay, Thế Lữ (Lê Ta) có một bài thơ ỡm ờ nghịch ngợm thế này:

Nỗi niềm non nước não nùng

Lỡ làng lạc lối lạ lùng lẻ loi

Có một bạn đọc cũng ỡm ờ, đọc được bèn gửi mấy vần nối điệu nối vần rằng:

Ái ân âu yếm yêu ai

Nhẹ nhàng nhắn nhủ những nhời nhớ nhung

Bẽ bàng buồn bực bấp bênh

Hẩm hiu hương hỏa hãi hùng hoàng hôn

Đoạn đối thật chỉnh, đúng là một lối “chơi văn”. Lê Ta bình rằng đó là những câu đối ngộ nghĩnh và hay nhất cho báo Tết.

Tú Mỡ: Không chỉ túi “Mậu Sìn”

Tết Mậu Tuất (1958) là Tết hòa bình xây dựng, vui nhưng mà nghèo trên miền Bắc. Lúc bấy giờ tất cả đều bao cấp, hàng họ tất tật từ cân muối đến hộp diêm đều phân phối, đều phải mua ở các cửa hàng hợp tác xã mua bán hoặc mậu dịch quốc doanh. Nhà thơ Tú Mỡ tức cảnh viết trên một tờ báo Tết câu đối rất hay, rất chỉnh, rất hợp thời, hợp tết, hợp xuân như sau:

Tết Mậu Tuất, túi mậu sìn ngất ngưởng đi qua hàng mậu dịch

Ý của vế đối là tết nhất, túi rỗng tiền không mà vẫn ngất ngưởng đi qua cửa hàng một cách ngông nghênh, tự tin. Cái hay của vế đối là có tới ba chữ Mậu. Ba chữ mậu phản ánh một cái tết nghèo.

Xem xong câu đối, nghe kể lại, nhà văn Nguyên Hồng đã gặp ngay nhà thơ Tú Mỡ mà rằng: “Lạy cụ, lạy cụ, cụ chẳng hiểu tình hình gì hết”.

Nguyễn Văn Học (st)

;
.
.
.
.
.