.

Sân khấu kịch nói trở lại

.

CLB Sân khấu kịch nói do Trung tâm Văn hóa thành phố thành lập đã thu hút những nghệ sĩ chuyên và không chuyên trở lại với loại hình một thời vang bóng tại Đà Nẵng.

Hiện đại và đậm chất Đà Nẵng

Một buổi tập của CLB sân khấu kịch nói.
Một buổi tập của CLB sân khấu kịch nói.

Ông Cao Tấn Ngọc, Trưởng Phòng Văn hóa quần chúng, Trung tâm Văn hóa thành phố cho biết, CLB Sân khấu kịch nói ra đời theo chủ trương của thành phố nhằm tạo sân chơi, nơi sinh hoạt định kỳ cho những người yêu thích kịch nói chuyên và không chuyên, đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, giải trí của công chúng. Sắp tới, hằng tuần, thông qua kênh truyền hình DRT (Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng), người dân Đà Nẵng sẽ có thể thưởng thức những vở kịch ngắn, kịch hài, kịch vui mang đậm bản sắc, hơi thở cuộc sống người dân thành phố, thay vì các chương trình giải trí phải mua từ thành phố Hồ Chí Minh như trước đây.

Theo giới chuyên môn, kịch nói là loại hình nghệ thuật tổng hợp phản ánh nhanh nhạy nhất, kịp thời nhất nhịp điệu của cuộc sống hiện đại, và sẽ thật đáng tiếc nếu thành phố trẻ như Đà Nẵng lại không phát triển loại hình sân khấu này. Nhà biên kịch Hồ Hải Học cho rằng, với một thành phố công nghiệp, hiện đại, việc không có sân khấu kịch nói là điều nghịch lý. Và sự ra đời của CLB sân khấu kịch nói lúc này được xem là tín hiệu vui, gieo niềm hy vọng khôi phục thể loại kịch đã vang bóng một thời ở đất Quảng Nam-Đà Nẵng. Phú Sỹ, diễn viên gạo cội của Đoàn kịch Quảng Nam-Đà Nẵng năm nào, nay tóc hoa râm vẫn say sưa nói về cái nghiệp đã ngấm vào máu: “Máu nghề sục sôi trở lại mỗi lần chúng tôi bước lên sân khấu. Khi được diễn, chúng tôi hoàn toàn quên hết những vui, buồn, những lo toan của cuộc sống mà hóa thân vào nhân vật. Lúc ấy, họ chỉ sống với sân khấu và vai diễn”. Lê Nga, Anh Thơ, những nữ diễn viên một thời được công chúng mến mộ vì cả nhan sắc lẫn tài năng trên sân khấu kịch, cũng nói rằng họ thấy mình như một lần nữa được trở lại thời xuân sắc, một lần nữa được sống với đam mê.

Biên kịch, đạo diễn Trọng Tĩnh, Chủ nhiệm CLB Sân khấu kịch nói cho biết, 44 thành viên của CLB, chủ chốt là các diễn viên của Đoàn kịch Quảng Nam-Đà Nẵng cũ, hiện là doanh nhân, bác sĩ, giáo viên, công nhân… Mỗi người một công việc riêng, mối lo riêng, việc tập hợp để sinh hoạt trong một CLB, tập kịch hằng đêm không đơn giản, nhưng điều quý nhất là anh em đều yêu nghề, nhiệt tình với sân khấu kịch và không đòi hỏi gì. Theo đạo diễn Trọng Tĩnh, đó có lẽ là động lực cốt yếu cho sự tồn tại của CLB.

Cần phải sống

Trò chuyện với chúng tôi trong những phút giải lao giữa giờ tập, diễn viên Lê Nga vui vẻ: “Đi làm về muộn, sợ mọi người đợi nên tôi đến đây tập liền, có kịp ăn uống gì đâu, mà cũng không thấy đói…”. Nhưng điều mà diễn viên Lê Nga cũng như những thành viên khác của CLB, những người yêu sân khấu kịch nói lo lắng là liệu họ tiếp tục hồ hởi “nhịn đói” đi tập kịch như thế được bao lâu; CLB lần này có bị “chết yểu” như các CLB sân khấu kịch đã thành lập trước đây. Diễn viên Lê Nga nói rằng, chị rất sợ cái cảm giác chưng hửng mỗi khi các CLB sân khấu kịch phải giải thể.

Theo Trưởng phòng Văn hóa quần chúng Cao Tuấn Ngọc, vấn đề lớn nhất của CLB lúc này là kinh phí sinh hoạt, dựng kịch. Thực tế, để dựng một vở kịch ngắn, mới khá tốn kém, từ khâu viết kịch bản đến đạo diễn, bồi dưỡng diễn viên, âm thanh, ánh sáng sân khấu… Hiện tại, vì kinh phí từ thành phố chưa có (chỉ dự toán Sở VH-TT&DL lo 60%, Trung tâm Văn hóa thành phố lo 40%) nên 4 vở kịch CLB vừa dựng được đều dựa trên kịch bản cũ, các diễn viên thì diễn chay. Một tháng trôi qua, các thành viên của CLB Sân khấu kịch nói đã hoạt động hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện và chưa được hưởng bất kỳ quyền lợi nào. “Dĩ nhiên chuyện như thế có thể chấp nhận một ngày, hai ngày, có thể là một tháng, hai tháng…, nhưng không thể lâu hơn nữa”, ông Ngọc lo lắng.

Ngoài vấn đề kinh phí, thực tế lực lượng viết kịch bản và đạo diễn có tay nghề ở Đà Nẵng chỉ đếm trên đầu ngón tay, một số đã già yếu. Nguồn kịch bản vì thế sẽ khó dồi dào. Các diễn viên chắc nghề của Đoàn kịch Quảng Nam-Đà Nẵng cũ đang đóng vai trò chủ chốt trong CLB Sân khấu kịch hầu hết đều đã lớn tuổi, sẽ không thể đứng trên sân khấu lâu dài, trong khi lực lượng kế cận chưa có… Đó là những thách thức không nhỏ đối với sự tồn tại của một CLB sân khấu non trẻ.

CLB Sân khấu kịch nói Đà Nẵng chính thức được thành lập vào ngày 15-8-2012 do Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức, quản lý. Dự kiến khoảng từ cuối tháng 9-2012, 4 vở kịch ngắn, kịch hài: Hát mãi khúc quân hành, Lá thư của người giúp việc, Nụ cười thân thiện, CLB giảm stress do các thành viên CLB biểu diễn sẽ chính thức lên sóng DRT trong chương trình giải trí cuối tuần. Các vở kịch tập trung phản ánh những thành tựu mới của thành phố Đà Nẵng, tuyên truyền cải cách thủ tục hành chính, nếp sống văn hóa-văn minh đô thị, thành phố môi trường… Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người, mỗi tháng liên tục lên sóng 4 vở kịch khác nhau là hơi dày, sẽ khó bảo đảm chất lượng lâu dài của sân chơi.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.