.

“Một người Việt da đen”

Trong hồi ức của Nguyễn Văn Lang, Đà Nẵng tuy không phải là nơi ông chôn nhau cắt rốn nhưng lại là nơi ông trải qua gần như toàn bộ thuở thiếu thời, là nơi ông học chữ và học nghề, là nơi mẹ ông nghiêm khắc và kiên trì dạy ông phát âm “con mèo” chứ không phải “con mều”

Gọi ai đó hoặc ai đó tự nhận là một người Mỹ da đen, hầu như không gây ấn tượng gì đặc biệt - bởi màu da vốn là yếu tố phổ biến ở một hợp chủng quốc như nước Mỹ, gọi người Mỹ da đen đơn giản là để phân biệt với người Mỹ da trắng hay với người Mỹ da đỏ…, trong khi nhan đề cuốn hồi ký “Một người Việt da đen” - do tác giả Nguyễn Văn Lang tự đặt, lại rất ấn tượng. Ấn tượng vì nhan đề này thể hiện sự lựa chọn của chính ông đối với huyết thống “người Việt” của mình: Suốt đời Nguyễn Văn Lang là một người Việt - Việt từ một nửa dòng máu chảy trong huyết quản và quan trọng hơn là Việt từ toàn bộ nhân cách văn hóa của ông. Như vậy với ông, màu da đen là nhân dạng hơn là huyết thống, mặc dù cho đến khi sắp bước sang thế giới bên kia, ông vẫn muốn biết rõ hơn về tông tích của người cha - thủy thủ tàu viễn dương tên Vali sinh năm 1881 tại Martinique và mất năm 1926 trong một vụ cháy tàu ở cảng Marseille: “Cho đến nay, khi đã gần khuất núi, trong tôi vẫn đau đáu một niềm riêng là làm sao biết được thân phận, gốc gác, hình ảnh người cha thân yêu của mình. Tôi đã từng nhờ nhiều bạn bè lục tìm lại các tư liệu liên quan đến vụ hỏa hoạn của con tàu viễn dương tại cảng Marseille năm nào, những mong tìm được dấu tích của ba, song mọi cố gắng hầu như vô vọng”. Đoạn cuối cuốn hồi ký, với tất cả tình cảm thân thương dành cho cha mình, ông đã thưa với người cha quá cố: “Dù mang trong mình màu da đen, song con luôn lòng dặn lòng rằng mình là người Việt Nam chính cống - một người Việt da đen!”.

Lần ra thăm ông ở Hà Nội vài tháng trước khi ông về với cõi vô cùng, được nghe ông nói chuyện bằng cái giọng đặc sệt Quảng Nam, rồi lần ra viếng ông và nghe Ban tổ chức lễ tang thông báo trong lễ truy điệu rằng ông quê Đà Nẵng, tôi nghĩ nếu có thể đặt thêm cho cuốn hồi ký này một nhan đề phụ, chắc ông sẽ đặt là “Một người Đà Nẵng da đen”, dẫu đời ông không chỉ gắn bó với riêng Đà Nẵng.

Dưới cái nhìn và ngòi bút của ông, hình ảnh Tourane - Đà Nẵng những năm 30, 40 thế kỷ trước hiện lên thật sinh động và có nhiều giá trị lịch sử: “Đà Nẵng trong ký ức tuổi thơ tôi gắn liền với hình ảnh trên bến dưới thuyền, tàu xe qua lại tấp nập; là ngôi nhà thờ Con Gà có 33 thước chiều cao; đây là hãng sửa chữa xe hơi, kia là ga chợ Hàn, một Cổ Viện Chàm cổ kính huyền bí; một Sở Lục lộ đậm chất phương Tây và một Tòa Đốc lý uy nghi, sang trọng (…). Trên các lối phố, ta có thể bắt gặp những công chức, tư chức, thợ thuyền, lao động phổ thông… đi lại khắp nơi. Phần nhiều trong số họ là những phụ nữ làm nghề khuân vác ở bến tàu, một anh công nhân của một hãng buôn với dáng vẻ mệt nhọc lầm lũi bước đi…”. Hoặc “Từ đầu thế kỷ 20, Pháp thành lập Câu lạc bộ thể thao Đà Nẵng chủ yếu dành cho người Pháp và kiều dân châu Âu, còn con em người Việt thì không được bén mảng đến. Đà Nẵng lúc đó thịnh nhất môn đá bóng và đua xe đạp; quần vợt thì chỉ có một sân duy nhất dành cho các quan Tây cùng những người Việt giàu có và thế lực. Về bóng đá, dân nghèo người Việt thì đá tại bãi đất trống Cây Quăng, đội bóng đá Hỏa xa Đà Nẵng - Rail Sport thì có sân bóng riêng thuộc khu vực ga Đà Nẵng, đội bóng đá Đà Nẵng, tức Touranais Sport thì đá tại sân vận động lớn - tức sân vận động Chi Lăng hiện nay”.

Chính ở Đà Nẵng, ông đã trở thành một danh thủ bóng đá Trung Kỳ, và cũng chính từ thành phố bên bờ sông Hàn, ông giác ngộ cách mạng vô sản, gia nhập Việt Minh, vào Đảng Cộng sản Đông Dương và từng tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp ở mặt trận nóng bỏng này trên cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy - Thành đội trưởng.

Như phần lớn các cuốn hồi ký cách mạng ở nước ta, cuốn hồi ký “Một người Việt da đen” có ý nghĩa giáo dục hết sức sâu sắc. Độc giả, nhất là độc giả trẻ tuổi sẽ tìm thấy trong cuốn hồi ký này con đường đi của một thanh niên yêu nước thế hệ tiền khởi nghĩa - trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Gần như là điều không thể khác khi một người thợ cơ khí, một người nghèo thành thị như Nguyễn Văn Lang tìm đến với Mặt trận Việt Minh, tìm đến với Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông kể lại trong hồi ký: “Khi được tuyên truyền Việt Minh bí mật, tôi nghĩ đây là tổ chức mình cần. Khi tôi hỏi: Những người Cộng sản có trong tổ chức này không? Các anh tuyên truyền Việt Minh trả lời: Lẽ đương nhiên rồi! Thế là tôi yên tâm, vì biết thế nào cũng có anh Từ, anh Trảng, anh Chấn và một số anh ở xóm tôi đều có trong tổ chức này”. Cũng gần như là điều không thể khác khi ông cảm nhận về giây phút nhượng địa Tourane cáo chung, cờ đỏ sao vàng tung bay trên thành phố Thái Phiên dân chủ cộng hòa: “Đây có lẽ là những thời khắc quan trọng nhất, vẻ vang nhất, in sâu trong tâm trí của tôi cho đến những giây phút cuối đời”. Không phải ngẫu nhiên khi ông mượn câu thơ Tố Hữu “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ” để đặt tên cho đoạn đời đáng nhớ này của ông. Từ ấy ông đã đồng hành cùng dân tộc suốt cuộc trường chinh chống Pháp, luôn ngời sáng phẩm chất bộ đội cụ Hồ, tham gia nhiều trận đánh xuất quỷ nhập thần, lập được nhiều chiến công hiển hách, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến cứu quốc của đất nước quê hương. Gần như là điều không thể khác khi trong cuốn hồi ký, Nguyễn Văn Lang thường nhắc đến Bác Hồ với tất cả sự ngưỡng mộ cùng lòng tôn kính. Ông đã dành hẳn hai đoạn hồi ký, đặt nhan đề là “Lần đầu được gặp Bác Hồ” và “Được gặp Bác Hồ lần thứ hai” kể về hai lần ông vinh dự được gặp Bác Hồ tại Lạng Sơn năm 1950 và tại Lào Cai năm 1958. Lần đầu thì chỉ là...  lần đầu được gặp người mình tôn kính ngưỡng mộ mà thôi, nhưng lần thứ hai ông được tiếp cận Bác Hồ với tư cách người đứng đầu Mỏ Apatite Lào Cai - đơn vị đón Bác đến thăm và làm việc - được trực tiếp báo cáo với Bác, được ngồi cùng xe với Bác... Cuộc đời ông có hai địa phương được ông xem là quê hương của mình: Đà Nẵng và Lào Cai - Đà Nẵng là nơi ông lớn lên, nơi ông chơi bóng đá mà cũng là nơi ông cầm súng đánh giặc, còn Lào Cai là nơi ông hai lần được thi thố tài năng về quản lý kinh tế làm giàu cho đất nước. Trong các động lực thôi thúc ông vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ ở Mỏ Apatite Lào Cai, chắc là có dấu ấn không thể nào quên của lần thứ hai ông được gặp Bác Hồ năm 1958.

Độc giả, nhất là độc giả trẻ tuổi còn có thể tìm thấy trong cuốn hồi ký này tấm gương sáng của một con người có nhiều phẩm hạnh. Đoạn hồi ký kể về cảnh cậu bé Nguyễn Văn Lang mới 8 tuổi đã phải tự mình đến Tòa Thị chính để xin xác nhận nhân thân nhằm bổ sung vào hồ sơ nhập học cho thấy ông có tính tự lập rất cao. Chính nhờ sớm biết tự lập nên khi lớn lên ông luôn có tư duy phản biện, độc lập suy nghĩ. Chẳng hạn hồi chống Pháp, ông từng phản biện thành công đối với chủ trương của Bí thư Thành ủy muốn nhanh chóng tấn công vào nhà lao Con Gà để giải thoát tù chính trị: “Theo tôi, nhà lao Con Gà nằm giữa trung tâm Đà Nẵng, nếu muốn tấn công vào đó để thực hiện kế hoạch giải thoát anh em tù của ta thì rất mạo hiểm, bởi nếu có giải thoát được thì lực lượng tấn công và anh em ta nương tựa vào đâu, giữa muôn trùng vòng vây của quân Pháp. Vì vậy, muốn giải phóng nhà lao thì chẳng khác gì muốn giải phóng cả Đà Nẵng!”. Ông cũng là người có chí tiến thủ, có khát vọng vươn lên, từ lúc còn là thợ học nghề cơ khí cho đến khi thành cầu thủ bóng đá, từ khi tung hoành ngang dọc trên chiến trường cho đến lúc làm người đứng đầu doanh nghiệp, bao giờ ông cũng có ý thức tự khẳng định mình, luôn mong muốn giành được hiệu quả cao nhất trong công việc và trong việc công. Đó chính là cách ông biểu hiện lòng yêu nước và lòng trung thành tuyệt đối của ông đối với cách mạng.

Có điều thấm đẫm chất trữ tình và làm lay động lòng người hơn cả là những trang hồi ký Nguyễn Văn Lang viết về ba người phụ nữ thương quý của đời ông. Hãy nghe ông giãi bày tình cảm với người mẹ quá cố - người đã sinh ra ông và một mình nuôi ông khôn lớn: “Mẹ đã vất vả vì con nhiều lắm, khi mẹ ốm đau con không có mặt để chăm sóc; khi mẹ lâm chung con không có được bên giường để nói lời xin lỗi mẹ - một đứa con biền biệt với công việc mà Đảng giao suốt tháng ngày. Con ân hận vô cùng, xin mẹ hiểu cho và vạn lần tha thứ cho con! Hôm nay, con có thể ngẩng cao đầu nói cùng mẹ rằng, con đã thực hiện một cách trọn vẹn lời mẹ dạy năm xưa, rằng: Phải gan góc chịu đựng, phải biết yêu thương mọi người, phải sống ngay thẳng, thật thà... khi con đã làm xong nghĩa vụ của một công dân Việt Nam, là một người đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dù lúc nào và ở đâu, con cũng luôn luôn bên mẹ và làm theo lời mẹ dạy. Con luôn ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ, công ơn ấy không bao giờ con quên”.

Ông cũng kể về mối tình của ông với người vợ đầu nay cũng đã quá cố - bà Nguyễn Thị Lan quê Đà Nẵng - trong một đoạn hồi ký sinh động và hấp dẫn mà ông đặt nhan đề là “Kết duyên cùng hoa khôi đất Hàn”, một mối tình trong sáng thủy chung và hết sức mãnh liệt đủ để vượt lên trở lực của nếp nghĩ môn đăng hộ đối cũng như nhiều định kiến xã hội khác. Đặc biệt, ông đã dành cho bà Ngô Thị Ngọc Lan - người vợ sau của ông - những tình cảm sâu lắng và trân trọng: “Em là người thương yêu, hy sinh đến quên mình vì tôi trong những năm tháng cuối đời này. Có phải là số trời không, khi mà em gặp tôi và dâng hiến phần đời còn lại của mình cho tôi. Mà kể cũng lạ, tôi - một người bình thường, làm sao lại được nhiều người dám hy sinh tất cả để dành những phần tốt đẹp, phần vinh quang nhất cho mình, trong đó có Ngọc Lan”. Và để thể hiện rõ hơn sự trân trọng ấy, ông đã cố tình thay đổi điểm nhìn trần thuật để dành phần cuối cùng của cuốn hồi ký - phần “Thay cho lời kết” cho bà Ngô Thị Ngọc Lan tự kể về cuộc tình duyên hy hữu giữa hai người. Có thể nói nhờ những trang viết về ba người phụ nữ thương quý của đời mình mà tác giả “Một người Việt da đen” đã mang lại cho người đọc sự đồng cảm về tình mẫu tử, về tình yêu và tình nghĩa vợ chồng.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.