.

Nổi tiếng: Tưởng là dễ!

.

Khi “cơn bão đá” của Giọng hát Việt (The Voice) chưa kịp tan, thì một scandal khác của Vietnam Idol lại cuốn cả những người trong cuộc lẫn ngoài cuộc vào vòng xoáy. Thật lạ, khi một cuộc thi âm nhạc có quy mô nào đó được tổ chức và lên sóng truyền hình, lập tức hàng loạt scandal, lùm xùm xung quanh chuyện thi thố, chọn người, dàn xếp kết quả... lại bị lật tẩy.

MC - diễn viên Huy Khánh (trái) giao lưu với một thí sinh trên sân khấu Vietnam Idol. 	 Ảnh: VnExpress
MC - diễn viên Huy Khánh (trái) giao lưu với một thí sinh trên sân khấu Vietnam Idol. Ảnh: VnExpress

Dường như khi bội thực với các chương trình thi thố tài năng được dàn dựng quá nhiều và quá dày đặc trong thời gian gần đây, người ta tìm cách quay sang soi về cuộc thi cũng như tư cách của nhà tổ chức, ban giám khảo, thí sinh nhiều hơn là thưởng thức âm nhạc. Cách đến gần với công chúng của thí sinh và nhà tổ chức hiện nay không phải là nỗ lực đưa công chúng đến với nền âm nhạc chân chính, mà là tìm cách nổi tiếng thông qua các vụ tai tiếng. Đằng nào cũng là nổi tiếng, nên nếu thấy khó nổi tiếng bằng tài năng thực thụ, các bạn trẻ bắt đầu tung “chiêu” gây tai tiếng để được dư luận chú ý, bất kể sự phản ứng đó hầu hết là tiêu cực.

Nhưng không thể hoàn toàn trách các bạn trẻ. Bởi trước họ, những cuộc thi âm nhạc mang nhiều tên tuổi lên đỉnh cao danh vọng quá nhanh đã khiến bao bạn trẻ lầm tưởng về con đường đến với thành công. Những hào nhoáng trên sân khấu, những tâng bốc thái quá, lượng người hâm mộ khổng lồ... khiến họ mờ mắt và muốn tiến thân bằng con đường ngắn nhất nhưng ít nỗ lực nhất.

Một người vốn làm nghề viết, tuổi đời chưa đến 30, đưa cháu mình đến thử giọng tại một cuộc thi âm nhạc đã phát hoảng thốt lên: Sao thấy mình già quá! Bởi chị đang đứng giữa hàng nghìn bạn trẻ tuổi teen phục sức, ăn mặc, chải chuốt theo hàng nghìn kiểu khác nhau để gây chú ý và cố sức lọt vào mắt xanh của ban giám khảo.

Không chỉ bạn trẻ, mà phụ huynh cũng góp công vào việc hình thành nên suy nghĩ về thành công. Ở thành phố Hồ Chí Minh có hẳn những lớp học dành cho người mẫu nhí. Nơi đó, các phụ huynh đưa con mình đến học cách đi đứng, làm mặt lạnh y như người mẫu thứ thiệt, mong một ngày con mình cũng sáng ngời sải chân trên sàn catwalk. Điều quan trọng nhất là việc nuôi dưỡng tâm hồn và trình độ học vấn cho con em mình hoặc chính mình, để người đứng trên sân khấu có thể ứng xử văn hóa trước công chúng và không lạc lối vào những scandal đình đám, vô lối... lại không được chú tâm.

Nhưng hóa ra, đường đến thành công cũng không phải dễ như người ta vẫn tưởng. Bằng chứng là, gần như bất kỳ thí sinh nào lọt qua vòng sơ khảo, thậm chí mới ở vòng thử giọng, lập tức đã bị soi đến chân tơ kẽ tóc và “ném đá” ầm ĩ trên các trang mạng. Các thí sinh không “lấn” nhau bằng thực tài, mà muốn chèn ép nhau bằng những lời chê bai, lật tẩy. Để rồi sau đó, những cuộc thi đã được dàn xếp trước kết quả không thể mang đến cho thí sinh những cuộc so tài đúng nghĩa. Cuối cùng, thí sinh cũng chỉ là những con cờ trong tay các nhà tổ chức để đẩy hiệu quả quảng cáo của các kênh truyền hình phát sóng chương trình mà thôi!

TRIÊU NHAN
 

;
.
.
.
.
.