.

Đưa nghệ thuật tranh cát về Đà Nẵng

.

Trong một lần vô tình lang thang ở thành phố Hồ Chí Minh, Phan Quang Dũng hoàn toàn bị vẻ đẹp thuần khiết của những bức tranh làm từ cát chinh phục. Chàng trai trẻ Đà Nẵng quyết tâm đem loại tranh độc đáo này về quê hương.

Chàng trai trẻ tỉ mẫn với từng bức tranh cát.
Chàng trai trẻ tỉ mẫn với từng bức tranh cát.

Hai năm kiên trì trên đất khách

Năm 2008, khi vừa tốt nghiệp khóa nấu ăn tại Huế, Phan Quang Dũng được gia đình tặng một chuyến du lịch thành phố Hồ Chí Minh. Ở đó, anh gặp cơ sở tranh cát danh tiếng Ý Lan. Thoạt đầu nhìn tranh cát, Dũng cứ ngỡ người ta dán tranh giấy lên bề mặt thủy tinh, nhìn kỹ mới biết tất cả đều được làm từ cát. Càng chăm chăm vào đường nét tranh, anh càng mê mẩn và phát hiện thêm nhiều kỳ thú. Về đến nhà, những hạt cát lung linh óng ánh nhiều màu sắc cứ ám ảnh tâm trí Dũng trong cả bữa ăn lẫn giấc ngủ. Anh quyết định gác lại công việc đầu bếp tại một khách sạn lớn để trở lại thành phố Hồ Chí Minh, quyết tâm học làm tranh cát.

Một tháng tại cơ sở tranh cát Ý Lan, Dũng vẫn không tài nào thực hành được một thao tác nào liên quan đến tranh cát, kể cả những bước cơ bản đầu tiên như đổ hình vuông, hình tròn lên tranh. Nhiều học viên như Dũng nản chí nên bỏ phòng tranh gần hết. Dũng thì ngược lại, càng khó, chàng trai trẻ càng hiếu kỳ, quyết tâm. Và rồi, từ những hình khối đơn giản đến con đò, dòng sông, phong cảnh và ngay cả mức độ cao nhất của nghệ thuật tranh cát là đổ tranh chân dung đều bị Dũng chinh phục sau hai năm miệt mài “tầm sư học đạo”.

Đối lập với Đà Nẵng và miền Trung, thị trường tranh cát tại thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm đó cũng như hiện tại khá sôi động. Cả thành phố có khoảng 5-6 cơ sở tranh cát, nhưng nghệ nhân làm được tranh chân dung chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà chủ cơ sở tranh Ý Lan muốn giữ Dũng lại với nhiều hứa hẹn hấp dẫn nhưng anh vẫn nhất quyết trở về Đà Nẵng.

Tranh cát có thể được đổ trên nhiều hình khối thủy tinh khác nhau.
Tranh cát có thể được đổ trên nhiều hình khối thủy tinh khác nhau.

Người Đà Nẵng chưa quen chơi tranh cát

Về quê hương với những dự định, ấp ủ đẹp đẽ cùng tranh cát, Dũng lao vào làm những sản phẩm đầu tiên của riêng mình đến quên ăn, quên ngủ. Nghe ở đâu có cát màu đẹp, Dũng đều không ngại đường xa, tốn kém tìm đến. Hiện trên dưới 80 màu cát anh đang sở hữu để làm tranh là cát của Đà Nẵng, Huế, Nghệ An, Phan Thiết… “Cát để làm tranh phải được sàng lọc kỹ, phân màu rạch ròi, phơi khô, tranh mới nét”, Dũng nói. Các khung tranh bằng thủy tinh cũng được Dũng tỉ mỉ đặt tận Sài Gòn mang ra, vì các cơ sở kính của Đà Nẵng chưa làm được khung đạt đến độ tinh xảo để làm tranh cát.

Một bức tranh cát có thể làm từ 1, 2 đến 3, thậm chí 10 ngày, nửa tháng, tùy mức độ phức tạp của tranh. Và điểm đặc biệt khi làm tranh cát là nghệ nhân không được vội vàng, chỉ cần vội một chút, màu phối sẽ bị lệch ngay, bức tranh coi như hỏng. Dù còn rất trẻ nhưng với tranh cát, Dũng bị người trong nhà gọi là “ông cụ non”, bởi anh quá tỉ mẩn. Mỹ Hạnh, chị gái của Dũng kể, nhiều bữa thấy Dũng hì hục 3-4 ngày để chỉ làm một bức tranh cát hình ovan nhỏ xíu, khi gần xong thì chỉ cần phát hiện chi tiết nhỏ không vừa ý, anh liền đổ ra làm lại từ đầu. “Thiệt khổ!”, chị Hạnh nói.

Nhọc nhằn là vậy, nhưng tranh cát cách đây 1-2 năm không mấy người Đà Nẵng quan tâm. Có thời điểm hơn 50 tranh cát với đa dạng mẫu mã của Dũng nằm im ắng suốt hai năm tại các quầy lưu niệm, nhà sách, nhưng anh không nản chí. Ở Đà Nẵng, tranh không bán được, Dũng gửi tranh vào Hội An, gửi ra Huế với mong muốn loại tranh độc đáo của Đà Nẵng, của Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến.

Mưa dầm thấm lâu, thời gian gần đây, tranh cát của Dũng được mời dự tại nhiều triển lãm, hội chợ do các đơn vị du lịch tổ chức, khách thập phương biết đến tranh cát của Dũng nhiều hơn, người Đà Nẵng cũng bắt đầu quan tâm hơn với những đơn đặt hàng rải rác như lấy tranh cát làm quà sinh nhật, quà cưới... Đặc biệt, tin vui tiếp tục đến với Dũng khi vừa qua, cơ sở sản xuất tranh cát tại gia của anh được UBND thành phố công nhân là một trong 8 cơ sở sản xuất mang đặc trưng Đà Nẵng. Đây là niềm khích lệ lớn lao để Dũng tiếp tục dấn thân cùng niềm đam mê tranh cát của mình.

NGỌC DUNG
 

;
.
.
.
.
.