.

Giải thưởng và những trăn trở

.

Tại cuộc thi Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2013 vừa qua, dàn diễn viên trẻ của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã mang về chiến thắng thuyết phục cho đoàn Đà Nẵng - giải Bạc toàn đoàn (không có giải Vàng), khẳng định thế mạnh của nghệ thuật tuồng trên dải đất miền Trung.

Cảnh trong vở Hoàng Diệu do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn tại cuộc thi Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2013. (Ảnh do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cung cấp)
Cảnh trong vở Hoàng Diệu do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn tại cuộc thi Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2013. (Ảnh do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cung cấp)

“Thắt lưng buộc bụng” để đi thi

Ông Trần Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nói rằng giành giải Bạc (không có giải Vàng) tại cuộc thi lần này là thành công ngoài mong đợi của nhà hát. Vở tuồng Hoàng Diệu (đạo diễn: Đặng Bá Tài, kịch bản tuồng: Nguyễn Tứ Hải) mà đoàn dự thi kể về anh hùng Hoàng Diệu - người con ưu tú của đất Quảng Nam-Đà Nẵng là vở tuồng mới, được dàn dựng trong gần hai tháng, với sự tham gia của gần 30 diễn viên. Mặc dù đề tài lịch sử được coi là mảnh đất đắc địa đối với nghệ thuật tuồng, nhưng với dàn diễn viên còn rất trẻ, non kinh nghiệm, việc phản ánh được bối cảnh lịch sử cách đây hơn thế kỷ - cuộc chiến trấn giữ thành Hà Nội, từ đó làm nổi bật hình tượng người anh hùng Hoàng Diệu là điều không dễ. “Chúng tôi xác định cuộc thi là dịp để các diễn viên trẻ cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, chứ không đặt nặng giải thưởng”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, trong khó khăn chung, việc đầu tư cho các vở diễn tham dự cuộc thi gặp không ít trở ngại, chất lượng các tác phẩm vì thế cũng bị hạn chế, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh không ngoại lệ. Trước đây, kinh phí hoạt động của nhà hát được Nhà nước cấp theo nhiệm vụ, thì nay chỉ được cấp đều hằng tháng, mỗi tháng từ 40 - 80 triệu đồng. Trong khi đó, kinh phí để dàn dựng một vở tuồng mới phải từ 500 - 700 triệu đồng và thường có ngày ít nhất một nửa trong số kinh phí đó được dùng để trả ngay cho êkip thực hiện, từ tác giả kịch bản, đạo diễn, đến nhạc sĩ, họa sĩ sân khấu… Ngoài ra còn có kinh phí bục bệ, cảnh trí, đạo cụ, trang phục diễn viên…

Lường trước những khó khăn, nhà hát đã có kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” trong tất cả các hoạt động. Tập thể cán bộ, nhân viên, diễn viên nhà hát còn đồng lòng không nhận tăng thu nhập 6 tháng đầu năm, cũng như tiền tập luyện phát sinh (kinh phí cho phép tập luyện chỉ 20 ngày, nhưng Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tập trung cho vở Hoàng Diệu gần hai tháng)… dồn sức chuẩn bị tốt nhất cho cuộc thi.

Mong được toàn tâm với nghề

Một thực tế khiến những người tâm huyết với nghệ thuật tuồng cũng như dân ca kịch trăn trở tại cuộc thi là các hoạt động giao lưu, học tập, thảo luận về nghề giữa các đơn vị hầu như không có. Không khí cuộc thi cũng không sôi nổi như những năm trước đây. Bởi, với nguồn kinh phí hạn hẹp, để tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở, nhiều đơn vị sau khi thi xong thì trở về ngay địa phương, có đơn vị đến ngày thi của đoàn mình mới có mặt. Vì vậy, họ không có điều kiện xem tác phẩm của các đoàn khác để rút kinh nghiệm. Mục đích của cuộc thi vì thế không trọn vẹn như ý tưởng ban đầu của Ban tổ chức.

Không chỉ tại cuộc thi, hiện tại đời sống sân khấu tuồng cũng như các nghệ sĩ theo đuổi loại hình nghệ thuật nhọc nhằn này vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng lo nghĩ. Câu hỏi về niềm tin, động lực nào để các nghệ sĩ dám sống với nghề khiến nhiều người băn khoăn, khi đâu đó còn những câu chuyện đầy ngậm ngùi bởi các nghệ sĩ tuồng phải vận động hết “chân trong, chân ngoài” để mưu sinh. Mà nhiều khi các “chân ngoài”, chứ không phải tuồng đích thực mới là nguồn sống chính của bản thân và gia đình họ.

Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2013 diễn ra tại thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) từ ngày 18 đến 26-5, với sự tham gia của gần 700 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 11 đoàn nghệ thuật tuồng, dân ca kịch trên cả nước. 15 vở diễn tham gia dự thi, trong đó có 9 vở tuồng và 6 vở dân ca kịch. Kết quả, ở thể loại dân ca, hai tác phẩm: Đường đua trong bóng tối của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, Khúc ca bi tráng của đoàn ca kịch bài chòi Bình Định đoạt  Huy chương vàng (HCV).

Đối với sân khấu tuồng, giải toàn đoàn năm nay không có HCV, chỉ có ba tác phẩm đoạt HCB, gồm các vở: Nguyễn Tri Phương của Nhà hát Tuồng Việt Nam, Hoàng Diệu của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Đà Nẵng và Nỗi niềm đấng quân vương của Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế.

Về giải thưởng cá nhân, Ban tổ chức cũng trao 23 HCV, 42 HCB cho các nghệ sĩ, diễn viên tham gia tại cuộc thi lần này, trong đó Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đoạt 1 HCV, 4 HCB.

Cuộc thi sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức 3 năm một lần.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.