.

Khôi phục bài chòi

.

Bài chòi là một trong những loại hình dân gian độc đáo không thể thiếu trong các lễ hội của người dân miền Trung, nhất là dịp Tết. Vì vậy, phục hồi, giữ gìn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật đặc sắc này là nhiệm vụ khẩn thiết.

Hô hát bài chòi tại phố cổ Hội An thu hút khá đông người xem.
Hô hát bài chòi tại phố cổ Hội An thu hút khá đông người xem.

Loại hình dân gian độc đáo

Theo nhạc sĩ - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hồng, vẫn chưa có câu trả lời chính xác bài chòi ra đời lúc nào, ở đâu, mặc dù đã có nhiều người sưu tầm, nghiên cứu, tìm tư liệu để xác nhận nguồn gốc nhưng tất cả đều là giả định, ước đoán, chưa có cơ sở khoa học. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, vào thế kỷ thứ 15, tại miền Trung, xuất phát từ việc giữ hoa màu khỏi bị thú dữ phá hoại, người dân làm các chòi để canh. Những đêm khuya thanh vắng, họ nghĩ ra các trò chơi, hát ổng để giải trí và tâm tình với nhau từ chòi này sang chòi kia. Hoặc các chòi nằm sát nhau thì tổ chức “đánh bài chòi”, trong khi chờ đợi ván bài kết thúc, người ta dùng ca dao, câu vè, câu thơ thích hợp để đọc, để hát.

Qua thời gian, đánh bài chòi trở thành trò diễn xướng dân gian và là hình thức giải trí lành mạnh, không thể thiếu của người dân miền Trung (từ Quảng Trị vào đến Bình Thuận). Diễn xướng hô hát bài chòi thường diễn ra ở sân đình - những nơi có sân rộng, tập hợp được nhiều người. Nơi đó, người ta dựng 9 cái chòi, có nơi 11 chòi. Chòi trung ương lớn hơn, các chòi còn lại dựng thành hai hàng dọc. Người hô bài (người hiệu) đứng chính giữa hát diễn xướng, chia bài cho các chòi.

Hiện nay, hô hát bài chòi có nhiều cải biến, đơn giản hơn chỉ gồm một chòi chính dành cho người hiệu, còn lại là một vài chòi của người chơi. Để thực hiện một chương trình hô hát bài chòi, cần có một bộ thẻ cờ gồm 10 thẻ, 30 quân cờ và mỗi thẻ tương ứng 3 quân cờ, chia đều cho người chơi. Cuộc chơi bắt đầu khi người hiệu cất tiếng hát: Lẳng lặng mà nghe, tôi hô con bài, con gì nó ra đây... Sau những câu hát mở đầu, người hiệu đưa tay rút một quân cờ trong ống tre và hát làn điệu dân ca sao cho kết thúc với những từ liên quan tới tên quân cờ đó, sau đó xướng tên quân cờ đó rõ to cho tất cả mọi người đều nghe.

Trong số những người chơi, ai có tên quân cờ trên thẻ trùng với tên quân cờ người hiệu vừa xướng thì hô to báo hiệu, lập tức một người chạy cờ chạy đến trao cho người đó một lá cờ nhỏ màu vàng. Ván chơi kết thúc khi một trong những người chơi có đủ 3 lá cờ. Người chiến thắng sẽ nhận được một món quà từ ban tổ chức. Nhạc cụ của chương trình diễn xướng hô hát bài chòi gồm: đàn cò, kèn, một trống chiến.

Diễn xướng hô hát bài chòi với không gian gần gũi tạo sự gắn kết mọi người với nhau. Đồng thời, những câu hát có nội dung hấp dẫn, dân dã, hoặc đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội được người chơi hưởng ứng, mang lại không khí vui vẻ, thỏa mái. Vì vậy, bài chòi đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của những người dân và họ mê đến nỗi có câu nói vui rằng: “Rủ nhau đi đánh bài chòi. Để con nó khóc mà lòi rốn ra”.

Khôi phục bằng cách nào?

“Kể từ khi tách tỉnh, đoàn ca kịch Quảng Nam về với tỉnh Quảng Nam, hình thức bài chòi chuyên nghiệp ở thành phố xem như không có. Bài chòi ở Đà Nẵng chỉ còn hình thức dân gian và hiện diện ít ỏi ở các quận, huyện vùng ven như phường Hòa An (Cẩm Lệ), CLB bài chòi Hòa Liên, CLB bài chòi sông Yên (huyện Hòa Vang) và tồn tại trong các khu dân cư ở các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn”, nhạc sĩ Trần Hồng cho biết.

Cũng theo nhạc sĩ Trần Hồng, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam gìn giữ, bảo tồn bài chòi khá tốt. Chẳng hạn, mỗi tối cuối tuần, người dân và du khách tụ tập bên bờ sông Hoài (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) để chơi bài chòi đầy hứng khởi. Trong khi đó, ở tỉnh Bình Định, từ năm 2011, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH-TT&DL phục dựng hội bài chòi dân gian nên loại hình nghệ thuật này dần lan tỏa trong nhân dân. Còn ở Đà Nẵng, bài chòi vẫn mang tính tự phát do những người yêu mến loại hình này lập.

Ông Đỗ Hữu Quế, Chủ nhiệm CLB bài chòi sông Yên cho biết, hiện các thành viên trong CLB làm những công việc khác nhau, còn hát bài chòi chỉ là nghề tay trái. “Thế nhưng, chúng tôi mê hát lắm, có ai mời thì đi diễn ngay, thỉnh thoảng biểu diễn tại các lễ hội của thành phố, các nhà thờ tộc… Để thỏa lòng đam mê và đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân, chúng tôi cũng thường biểu diễn ở các xã, thôn. Đến đâu cũng được bà con hưởng ứng. Nhưng chúng tôi mong có “đất” biểu diễn ở trung tâm thành phố nhiều hơn để người dân và du khách biết đến loại hình nghệ thuật này. Gìn giữ nghệ thuật bài chòi là gìn giữ vốn quý của văn hóa phi vật thể và cũng là gìn giữ truyền thống cho thế hệ mai sau. Nhiều người tâm huyết với nghề cảm thấy buồn vì bài chòi chưa được quan tâm đầu tư nhiều như một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác”, Chủ nhiệm CLB bài chòi sông Yên nói.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Tấn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố - cho biết Bộ VH-TT&DL đã đề nghị 11 tỉnh, thành phố miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận (không bao gồm Tây Nguyên), xây dựng hồ sơ quốc gia về nghệ thuật bài chòi dân gian. Các đơn vị phải hoàn thành hồ sơ trước ngày 31-3-2015 để tạo thuận lợi cho việc xây dựng hồ sơ “Tục chơi bài chòi mùa Xuân của người Việt” trình UNESCO xem xét ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016.

“Đây là cơ hội tốt để khôi phục bài chòi cho thành phố, nhưng việc xây dựng hồ sơ đang gặp khó khăn. Cuối tháng 8 vừa qua, nghệ thuật bài chòi của 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong khi đó, tại Đà Nẵng, công tác kiểm kê di sản nghệ thuật bài chòi vẫn chưa được thực hiện. Chúng tôi đã đề xuất kinh phí cho hoạt động này nhưng bị gạt bỏ”, ông Tuấn trăn trở.

Ông Hồ Tấn Tuấn cho biết thêm, nếu bài chòi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì loại hình nghệ thuật này sẽ được tôn vinh đúng giá trị đích thực về khoa học, lịch sử, văn hóa của di sản và có các kế hoạch bảo tồn, phát huy nghệ thuật bài chòi. “Trước mắt, chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để tiến hành khảo sát sớm, hoàn thành hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL công nhận bài chòi Đà Nẵng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, ông Tuấn nói.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.