.

Bài ca đi cùng năm tháng

.

40 năm trôi qua, nhưng những bài ca gắn liền với năm tháng chiến đấu anh dũng, giải phóng thành phố Đà Nẵng và ngày đầu xây dựng quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn còn mãi trong ký ức của mỗi người; đặc biệt với những người từng sống, làm việc và chiến đấu trong thời kỳ này. Bây giờ, mỗi khi gặp lại nhau, họ lại hát, lại chia sẻ, kể nhau nghe về một thời tuổi trẻ…

Bài hát Cô du kích Đà Nẵng được biểu diễn tại chương trình văn nghệ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng. Ảnh: N.H
Bài hát Cô du kích Đà Nẵng được biểu diễn tại chương trình văn nghệ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng. Ảnh: N.H

Giai điệu hào hùng

Theo nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố - nhắc đến những bài ca gắn liền với những năm tháng chiến đấu hào hùng của Đà Nẵng, phải kể đến bài hát Đà Nẵng rực lửa chiến công của Thái Cơ, Gửi Đà Nẵng thân yêu giữa những ngày bão tố của Cầm Phong (thơ Lưu Trùng Dương), Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi của Nguyễn Đức Toàn, Cô du kích Đà Nẵng của Thanh Anh, Người Đà Nẵng của Phan Ngọc, Sông Hàn vang tiếng hát của Huy Du (thơ Dương Hương Ly), Đà Nẵng ơi chúng con đã về của Phan Huỳnh Điểu.

Những năm tháng đầu giải phóng, các bài ca này luôn vang vọng trên những chiếc radio, trên đài phát thanh, trong không khí vui mừng, phấn khởi. “Âm nhạc phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn lịch sử đất nước. Nhưng có thể thấy, trong thời kỳ này, các nhạc sĩ viết với cả tâm huyết, với khát vọng giải phóng và niềm tin rằng, ngày về sẽ hát tặng đồng bào, quê hương. Trên hết, là nói lên tiếng lòng của mỗi người chiến sĩ cách mạng, mỗi người dân”, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa chia sẻ.

Chẳng hạn, dù chưa một lần đặt chân đến đô thành Đà Nẵng nhưng qua lời kể của đồng đội về sự gan dạ, dũng cảm và mưu trí, “xuất quỷ nhập thần” của các nữ chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng, nhạc sĩ Thanh Anh cảm thấy thôi thúc để cho ra đời ca khúc Cô du kích Đà Nẵng. Mỗi khi tiếng hát cất lên: “Bạn gái bảo em, mi là dũng sĩ. Em chỉ cười chưa biết nói chi. Bạn gái hỏi em, diệt bao nhiêu Mỹ giữa Đà thành, mà Mỹ - Ngụy hoang mang”..., ai cũng cảm thấy có mình ở trong đó, nhất là các nữ biệt động thành.

Bài ca xây dựng đất nước

Sau ngày giải phóng, đất nước bước vào công cuộc xây dựng, kiến thiết. Hàng vạn thanh niên xung phong, bộ đội, dân công Quảng Nam - Đà Nẵng cũng lên đường, đi đào đất, xẻ núi, đắp đập, xây dựng đại công trình thủy nông Phú Ninh phục vụ sản xuất.

Nhắc lại ngày tháng dựng xây ấy, ông Lê Minh (quận Sơn Trà) như sống lại tuổi đôi mươi: “Hồi đó, ai không có mặt ở công trình đại thủy nông Phú Ninh thì không phải là thanh niên Quảng Nam - Đà Nẵng. Khẩu hiệu “Tất cả cho Phú Ninh, tất cả vì cuộc sống, cơm áo nhân dân” ngợp trời. Chẳng có máy móc gì, chỉ sức người với cuốc, xẻng, gồng gánh… cứ thế mà xẻ đá, đào sỏi. Hình ảnh những nữ thanh niên xung phong miệt mài trên công trường đủ để cho thấy được nhiệt huyết trong mỗi con người”.

Cũng trong giai đoạn này, các văn nghệ sĩ được huy động tập trung sáng tác, phục vụ văn nghệ cho hàng vạn thanh niên xung phong, bộ đội, dân công tại công trình. Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa xúc động kể rằng: “Vất vả là thế, lại ăn uống thiếu thốn nhưng vì thương văn  nghệ sĩ, bà con hay nhường, để dành đồ ăn. Có lần, tôi được một bà cụ mang cho củ khoai, bắt phải ăn để có sức. Khi xuống nhà dưới, thấy cụ ăn cuống khoai, tôi đã khóc”.

Sống trong khí thế, tinh thần lao động của hàng vạn con em Quảng Nam - Đà Nẵng, trong tình cảm người dân, nhiều tác phẩm ra đời cổ vũ họ hăng say lao động, quên đi nhọc nhằn như: Phú Ninh hò hẹn mới của nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, Tiếng hò trên hồ nước Phú Ninh của Lưu Nhất Vũ, Phú Ninh sóng gợn hồ xanh của Từ Thịnh…

“Mỗi bài hát có hơi thở riêng của từng nhạc sĩ nhưng đều khắc lại dấu ấn về một thời điểm, giai đoạn song hành cùng quê hương, đất nước. Niềm hạnh phúc lớn nhất của mỗi nhạc sĩ là đến bây giờ, mỗi lần gặp lại nhau, những người lính năm xưa, những thanh niên xung phong lại hát vang bài hát tuổi đôi mươi và họ tìm thấy chính mình, thấy hình ảnh đồng đội, bạn bè một thời tuổi trẻ”, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa nói.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.