.
Café sáng

Những bức ảnh chụp bằng điện thoại

.

Việc lưu giữ những khoảnh khắc của cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng như lúc này. Chỉ với một chiếc điện thoại nhỏ bé trên tay, bạn có thể chụp lại mọi thứ chung quanh mà không làm người khác băn khoăn, khó chịu.

Ảnh chụp bằng điện thoại chỉ khác nhau về độ phân giải, tùy vào túi tiền của bạn. Mà có hề gì, khi nụ cười của ai đó đang gửi trao cho bạn, dẫu bị nhòe nét, vẫn là hình ảnh mà bạn mong muốn giữ lại, không chỉ bằng trí nhớ…

Bạn có thể bắt gặp bất cứ lúc nào, ở đâu, sự kiện gì, là hình ảnh những chiếc điện thoại được giơ lên cao. Chỉ khoảng vài năm trở lại đây, rất nhiều người, không chỉ là những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, có thói quen theo dõi mọi việc bằng cả hai mắt nhìn: mắt thường và mắt camera điện thoại.

Tôi muốn kể một chút về chuyện của tôi. Khi tôi sinh đứa con thứ hai, thế giới của tôi thu hẹp trong căn phòng nhỏ. Những bà mẹ trẻ sẽ hiểu được trạng thái tâm lý của tôi lúc đó. Để thư giãn, tôi nhận ra mình thích chụp ảnh, với chiếc điện thoại gọn ghẽ trong lòng bàn tay. Lúc thư thái, tôi chụp lại sự bé bỏng, đáng yêu của các con và những gì xanh mát, tươi vui bên ngoài khung cửa sổ…

Rất nhiều khi tôi cố gắng chọn góc chụp để bức ảnh đẹp hơn, và rất nhiều lúc tôi muốn bức ảnh của tôi thể hiện được một câu chuyện nhỏ. Tôi không rành về nhiếp ảnh hay kỹ thuật chụp ảnh. Đó đơn giản chỉ là trò chơi của riêng tôi, là cách tôi thể hiện những suy nghĩ, tình cảm của mình. Một cách nhẹ nhõm, không bị chi phối.

Những bức ảnh chụp bằng điện thoại, ở góc nhìn như tôi, là sở thích giải trí cá nhân, không mang giá trị xã hội. Những bức ảnh chụp bằng điện thoại, với chiếc điện thoại của tôi, khi phóng to sẽ bị rạn và nhòe nét. Nhưng tôi đã lưu giữ được rất nhiều khoảnh khắc đời thường bằng cách đó. Những khoảnh khắc mà tôi sẽ khó thể chụp được với một chiếc máy ảnh cồng kềnh.

Cách đây vài năm, bà ngoại tôi bị ung thư. Và tôi cố gắng chụp hình bà trong những khoảnh khắc thân thương mà tôi luôn bắt gặp, khi bà chuẩn bị bữa ăn với mẹ tôi, khi bà ngồi bên mép giường nhìn bọn trẻ chơi đùa, khi bà đang nói vài ba câu chuyện gì đó với những người xung quanh… Thường thì bà không biết tôi đang chụp ảnh. Tôi thích chụp bà theo cách này, vì khi nhìn lại những bức ảnh thì cảm thấy nó gần gũi như tôi đang ở bên bà.

Trong vài cuộc vui với bạn bè, thỉnh thoảng tôi chụp gương mặt họ với một vài nét cá tính nào đó mà tôi thích. Đó thường là những người bạn đã đủ độ quen thân, để tôi thoải mái cầm điện thoại lên và chọn khuôn hình, dù họ biết hay không biết tôi đang chụp.

Thỉnh thoảng tôi cũng chụp vài ảnh mang tính đường phố: một ai đó trong quán trưa, hay vài người vội vã trong cơn mưa buổi sáng… Việc chụp hình ai đó, hẳn nhiên, hoặc bạn phải là người thân quen, hoặc bạn phải xin phép họ, hoặc bạn bảo đảm nó không ảnh hưởng đến cuộc sống, tính riêng tư của người khác. Dù chỉ là một sở thích mang tính cá nhân nhưng tôi cố gắng không vi phạm nguyên tắc này.

Mạng xã hội, đặc biệt là trang Facebook - chính là không gian rộng mở, đầy cảm hứng để những bức ảnh chụp bằng điện thoại được thực hiện và được chia sẻ. Tôi không bàn đến những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Tôi chỉ nhận ra, không ít người, trong đó có tôi, chọn Facebook như là một trang nhật ký bằng ảnh.

Mạng xã hội phổ biến tới mức từ người hàng xóm cho đến những người thân, đồng nghiệp và cả những đối tác, những người chưa quen biết đều có thể tiếp cận, “dòm ngó” một góc cuộc sống, một phần nội tâm của bạn được thể hiện lên đó. Bạn có nhiều sự lựa chọn, hoặc phô bày, hoặc giản lược, hoặc đơn giản là không thể hiện, hoặc bộc bạch chân tình, hoặc đôi câu phù phiếm…

Tôi đã chọn thể hiện mình bằng những bức ảnh. Đó là cách tôi lưu giữ những khoảnh khắc cuộc sống, và cũng là cách tôi xem thử bạn có nhận dạng được một chân dung tôi, với những cảm xúc và suy nghĩ của tôi, khi tôi đưa điện thoại lên, bật chế độ camera, và bấm...

PHẠM QUỲNH NAM

;
.
.
.
.
.